VĂN HÓA

Ngọn núi hội tụ 4 nền văn hóa tôn giáo của thế giới

Cẩm Chi • 13-07-2023 • Lượt xem: 1460
Ngọn núi hội tụ 4 nền văn hóa tôn giáo của thế giới

Núi Kailash ở Tây Tạng cao 6.714m được coi là “vũ trụ tâm linh”, “Trung tâm thế giới” trong lòng những tín đồ của cả bốn nền tôn giáo gồm Phật giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và Bon. Đây là điểm đến linh thiêng trong giới những người hành hương suốt hơn 15.000 năm qua. Tuy nhiên chỉ một số ít người dám chịu được sự khắc nghiệt và nguy hiểm của nó.

Thánh địa không thể xâm phạm

Nếu như Ngọn núi thần của người Hy Lạp cổ đại là đỉnh Olympia, núi thần của người Do Thái là đỉnh Sinai, núi thần của người Hán là đỉnh Côn Luân, còn đối với người Tây Tạng, ngọn núi Kailash được xem là cửa ngõ vào cõi vô hình thứ 7 của các nhà hiền triết vĩ đại.

Núi Kailash nằm ở quận Pulan, Tây Tạng, Trung Quốc với độ cao 6714m so với mực nước biển, đỉnh núi trông như một kim tự tháp vươn lên chọc trời xanh và được bao phủ bởi ánh sáng quanh năm. Ngọn núi nằm cạnh vùng thượng nguồn của con sông Ấn và cũng là nơi bắt nguồn của một số con sông dài nhất ở châu Á như sông Indus dài 3,200km, sông Yarlung Tsangpo dài 2,840km và một nhánh của sông Hằng. 

Kailash có nghĩa là Kho báu hay Vị thánh của núi tuyết. Theo thần thoại, núi Kailash là trục Trái đất hay chiếc thang dẫn lên trời, nơi giao thoa giữa Thiên đường và Hạ giới. Đây là nơi có thể tìm thấy thành phố của các vị Thần, là một thánh địa lưu giữ kho tàng tri thức huyền bí của cổ nhân, địa điểm thiêng liêng được các tín đồ tôn sùng nhất thế giới.

Trong Ấn Độ giáo, núi Kailash được coi là nơi ở của Thần Shiva. Theo Phật giáo, Đức Phật và 500 vị A-la-hán đã bay từ Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) đến núi Kailash. Nhìn từ phía Nam, những khối băng dựng đứng và những tảng đá đâm ngang trông giống như biểu tượng chữ thập ngoặc 卐 trong Phật giáo, thể hiện quyền năng bất diệt của Đức Phật. Đây cũng là nơi thiêng liêng của những người theo Kỳ Na giáo, bởi vì vị thánh đầu tiên của họ, hay Tirthankar, Bhagwan Rishabdevji, đã được Moksha (giải thoát) sau khi thiền định tại đấy Với tín đồ của đạo Bonpo, núi Kailash là nơi linh thiêng mà ngài Miwo Shenrab, đấng sáng lập đạo Bonpo, đã giáng trần.

Các tín đồ tin rằng nhiễu núi Kailash là một nghi lễ thiêng liêng mang lại nhiều may mắn và tẩy xóa đi tội lỗi trong cuộc đời. Tín đồ Ấn giáo và Phật giáo thực hiện nhiễu quanh núi theo chiều kim đồng hồ còn tín đồ của Đạo Jain và Bonpo lại đi theo hướng ngược lại.

Tuy nhiên, hàng năm không có hơn một nghìn người hành hương Kailash bởi sự hẻo lánh, thời tiết vô cùng khắc nghiệt của dãy Himalaya nên di chuyển rất khó khăn và đầy nguy hiểm. Đường xung quanh núi Kailash dài khoảng 52km. Ở độ cao hơn 5.400m, không khí loãng, nhiệt độ âm, tuyết rơi, nhiều đèo, vách đá, suối khe, các tín đồ sẽ mất 3 ngày để hành hương trên con đường này nếu điều kiện sức khỏe tốt.

Mối liên quan đến các công trình của thế giới

Các nhà khoa học Nga cho rằng đỉnh núi thực chất là một kim tự tháp nhân tạo thời cổ đại, được bố cục chính xác theo bốn hướng chính (Đông, Tây, Nam, Bắc), trung tâm của một tổ hợp gồm hàng trăm kim tự tháp nhỏ hơn của toàn thế giới. Không chỉ vậy, tổ hợp công trình này có thể là trung tâm của một hệ thống toàn cầu kết nối nhiều di chỉ hoặc di tích khác, nơi nhiều hiện tượng kỳ lạ đã xuất hiện. Hình dạng của núi giống một nhà thờ lớn, các sườn núi vuông góc đến kinh ngạc, dựng thẳng đứng trong khoảng hàng chục mét. 

Trong một nghiên cứu sau đó, các chuyên gia thám hiểm khoa học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng hướng mà tượng Nhân sư ở Ai Cập nhìn về chính là núi Kailash. Theo giả thuyết của Giáo sư Muldashev, độ cao ngọn núi sẽ thay đổi theo từng năm, nhưng trung bình là 6.666 m. Giữa độ cao của núi Kailash và Bắc Cực, Nam Cực, tượng đài cự thạch Stonehenge và đại Kim tự tháp Giza, có một mối tương quan và sự tương đồng đáng kinh ngạc.

Khoảng cách giữa núi Kailash và tượng đài cự thạch Stonehenge là 6.666 km. Con số tương tự một lần nữa gặp lại giữa Kailash và Bắc Cực, trong khi đến Nam Cực là 13.332 km, gấp đôi quãng đường ban đầu. Những người theo Thần số học cho rằng, con số 6.666 chắc chắn biểu trưng cho điều gì đó và không phải ngẫu nhiên được gắn với ngọn núi Kailash. Họ tin rằng đây là những gì còn sót lại của các nền văn minh cổ đại. Phật sống Tây Tạng Qizhu Rinpoche đã chỉ ra rõ ràng trong các tác phẩm của mình rằng lối vào thế giới bên trong Trái Đất nằm ở núi Kailash, và một Shambhala văn minh cao khác cũng được cất giấu ở đây.

Ngày nay ngọn núi này hiện bị cấm leo lên đỉnh, nhưng những bí ẩn chưa có lời giải trên núi vẫn chưa biến mất. Núi Kailash vẫn trở thành là “cõi tịnh độ và an nhiên của phật tử chúng sinh”, là một vương quốc huyền thoại, nơi con người mở rộng trái tim hướng thiện và trí sáng tạo, tìm kiếm tâm linh nhằm soi sáng bước đường tương lai.