Nếu như trước đây, bồn bồn (hay cây cỏ nến) được xem là loại rau dại, mọc ở khắp nơi, nhổ bỏ không hết thì giờ đây loại cây dân dã này đã khẳng định được giá trị, vươn tầm trở thành loại đặc sản được nhiều nhà hàng săn đón. Đây không chỉ là cuộc "đổi đời" của riêng bồn bồn mà còn là bước ngoặt trong bài toán kinh tế, thay đổi hoàn toàn đời sống của bà con nông dân tại Cà Mau.
Địa phận xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia U Minh Hạ, là vùng đất trũng với nguồn nước luôn có màu nâu đỏ đặc trưng do nhiễm phèn nặng. Chính vì yếu tố thổ nhưỡng khắc nghiệt nên thời gian trước đây khi người dân bắt tay trồng lúa nước thường đạt hiệu quả không cao. Với quyết tâm tìm kiếm và thay đổi một loại cây trồng khác phù hợp và năng suất hơn, nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng cây bồn bồn và đạt được những hiệu quả không ngờ.
Vốn thích nghi với loại đất phèn, bồn bồn lại nhẹ công chăm sóc, ít vốn đầu tư, chủ yếu lấy công làm lời, hơn hết còn có thể thu hoạch quanh năm. Theo bà con, chỉ từ sau 3 - 4 tháng trồng là có thể thu hoạch lứa bồn bồn đầu tiên. Sau khi sơ chế, hiện tại mỗi ký bồn bồn thương phẩm được thương lái thu mua với giá từ 17.000 - 25.000 đồng/kg, thậm chí thời điểm hút hàng có thể lên đến 30.000 đồng/kg. Nhận thấy hiệu quả cao cùng nguồn thu nhập ổn định từ loại cây này, nhiều hộ dân ở tuyến kênh T19 đã học hỏi, chuyển đổi toàn bộ ruộng trồng lúa nước sang cây bồn bồn. Hiện nay, có hơn 30 trên tổng số 37 hộ dân trên địa bàn tuyến kênh T19 trồng cây bồn bồn, với diện tích hơn 50ha.
Chính quyền địa phương cho biết, nhờ có sự thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mà người dân tại đây đã có cơ hội thoát nghèo, không ngừng cải thiện đời sống. Mô hình trồng bồn bồn còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương nhờ có đầu ra ổn định, thu hoạch quanh năm.
Anh Phạm Văn Dư, một người dân ngụ xã Khánh An cho biết, trước đây nhà anh dù sở hữu 7ha đất trồng rừng kết hợp với lúa nước nhưng thu nhập rất bấp bênh, đời sống vô cùng chật vật. Kể từ sau khi đem 2ha đất chuyển sang trồng bồn bồn, đời sống gia đình anh mới được đầy đủ, sung túc như bây giờ. "Sau khi trừ chi phí thuê mướn nhân công, mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập hơn 10 triệu đồng.” - anh Dư cho biết.
Giống với anh Dư, từng mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất trồng lúa của gia đình sang trồng bồn bồn với hy vọng làm chủ kinh tế, chị Trần Thị Kiều, người dân xã Khánh An, tâm sự: “Từ khi cây bồn bồn thích nghi với vùng đất của địa phương thì đời sống của gia đình thay đổi rỗ rệt. Bồn bồn đến thời gian thu hoạch được thương lái đến tận nhà thu mua với mức giá ổn định nên gia đình chú trọng phát triển loài cây này thay cây lúa. Đồng thời, tôi còn nuôi thêm các loại cá đồng để tăng giá trị kinh tế cho gia đình”. Chị Kiều còn cho biết thêm, trong lúc nhàn rỗi chị còn có thể đi nhổ hoặc lột vỏ bồn bồn thuê cho các hộ dân khác trong vùng để kiếm thêm thu nhập, trung bình từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày.
Theo người dân địa phương, bồn bồn đặc biệt phù hợp với loại thổ nhưỡng có vùng nước phèn trũng như vùng đất U Minh, nguồn nước ở đây càng đỏ thì thân cây lại càng trắng, càng mềm. Điều này cũng làm nên sự đặc biệt của bồn bồn xứ này trong lòng dân sành ăn, nhất là ở độ ngọt và hương thơm tự nhiên.
Không còn là loại rau dại được người dân nghèo thường ăn độn thay cơm, bồn bồn ngày nay đã là loại đặc sản quý, được các thực khách tại các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng nhờ hương vị dân dã lại có thể chế biến được nhiều món khác nhau. Bồn bồn non thường có vị ngọt, mềm và thường được chế biến trong các món ngon như nấu lẩu, xào tôm, làm dưa, gỏi... Nhiều du khách còn tìm đến tận Cà Mau để du lịch và trực tiếp trải nghiệm, thưởng thức loại đặc sản dân dã này. Vài năm trở lại đây, cây bồn bồn đã trở thành công cụ "đổi đời" cho người dân ở nhiều huyện của Cà Mau như U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời,...