ĐỜI SỐNG

Người đàn ông hồi sinh nghề làm đèn lồng

Bá Phúc • 04-04-2023 • Lượt xem: 3957
Người đàn ông hồi sinh nghề làm đèn lồng

Sản xuất đèn lồng được xem là một nghề thủ công và có truyền thống lâu đời nhất tại Huế. Trải qua hàng chục năm, bước qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nghề này đã dần trở nên mai một vì không đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời buổi hiện đại du nhập.

Duy trì và giữ gìn nghề làm đèn lồng truyền thống của ông cha

Tuy nhiên, tại một con hẻm nhỏ trong ngôi làng nằm sâu cạnh sông Hương, cơ sở sản xuất đèn lồng của anh Nguyễn Ngọc Mẫn, sinh năm 1973, sống tại thành phố Huế vẫn còn những người thợ cặm cụi làm việc, để cố gắng giữ gìn và bám trụ với cái nghề truyền thống này.

Theo lời anh Mẫn chia sẻ, gia đình anh đã gắn bó với nghề làm đèn lồng truyền thống từ ông nội, người trực tiếp làm đèn lồng để đưa vào treo và trang trí trong Đại nội Huế từ thời nhà Nguyễn là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Giao.  

Anh Mẫn kể, khi cuộc sống ngày càng khó khăn, những học trò của ông nội dần bỏ việc, chuyển sang ngành nghề khác mong tìm lối thoát đổi đời. Do vậy, dần dần nghề làm đèn lồng xưa lẫn đèn lồng cung đình cũng ít được nhắc tới. Theo anh Mẫn, tuy là nghề có nhiều biến chuyển do nhu cầu của cuộc sống thay đổi và hiện đại hơn, nhưng cái loại đèn đặc trưng kiểu cung đình vẫn còn có khách đặt hàng tuy số lượng không cao như trước. Kèm theo đó, các kiểu đèn như đèn bánh ú, đèn ông sao, đèn hoa sen… từng được nhiều người dân ưa chuộng, nay chỉ được sản xuất theo mùa.

Do đã tiếp xúc với những câu chuyện về nghề truyền thống của gia đình, nên sau khi tốt nghiệp ngành Mỹ thuật tại TP.HCM vào năm 1999, anh Mẫn đã cùng vợ con trở về Huế để mở cơ sở sản xuất đèn lồng đặc trưng của cố đô và cung đình, nối nghiệp gia đình.

Anh Nguyễn Ngọc Mẫn nối nghiệp gia đình duy trì nghề làm đèn lồng truyền thống trong hơn 25 năm

Anh Mẫn nói thêm, do ban đầu không thể tự làm lại những đèn lồng xưa bởi lúc ấy rất ít người nắm giữ các kỹ thuật uốn nắn thân tre, cách chọn gỗ tốt để làm khung. Mặt khác, anh bắt đầu tìm kiếm những người thợ từng là học trò của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Giao nhưng không mấy khả thi. Nhưng có lẽ là do ý trời, anh Mẫn may mắn tìm được quyển số tay của ông nội có ghi chép, phác thảo khác chi tiết các công đoạn làm đèn lồng xưa.

Nghiên cứu và vừa làm vừa sửa, cuối cùng anh Mẫn cũng hoàn thiện được chiếc đèn lồng lục giác, có họa tiết hình rồng đặc trưng của cung đình Huế và được một doanh nghiệp mua lại với giá là 25 triệu đồng. Nhờ vậy anh Mẫn mới có cơ may bén duyên với nghề làm đèn lồng tới bây giờ đã gần 25 năm.

Đưa đèn lồng Việt hòa nhập nước ngoài

Năm 2013, anh Mẫn đại diện cơ sở của gia đình đem sản phẩm đèn lồng chế tác đến tham gia triển lãm tại Festival nghề truyền thống Huế và được nhiều du khách nước ngoài chú ý. Cũng từ đó, đèn lồng đặc trưng cung đình Huế của gia đình anh Mẫn bắt đầu phổ biến, số lượng đơn đặt hàng càng lúc càng tăng cao. Từ nguồn thu nhập bắt đầu có tiến triển, anh Mẫn và nhiều người thợ xem đó như một động lực tiếp nối tia hy vọng để tiếp tục phát triển nghề.

Để tiếp tục phát triển và thu hút khách hàng ở khắp nơi, cơ sở của anh Mẫn đã nghiên cứu và chết tác nhiều mẫu mã dựa trên đèn lồng truyền thống. Cụ thể nhất là kể từ sau đơn đặt hàng tại Nhật, cơ sở của anh Mẫn bắt đầu có thương hiệu riêng và dần có mối khách hàng tại khắp các nước.

Anh Mẫn tâm sự, trong gần 25 năm theo đuổi nghề chế tạo đèn lồng, hiện tại anh đang nắm giữ hơn 100 mẫu. Ngoài ra, để duy trì và sống ổn với nghề đèn lồng, anh đã phải cải cách vật liệu chất lượng hơn để phù hợp với thời tiết nắng gắt và mưa dầm tại Huế.

Tuy nhiên, các loại đèn lồng như đèn Phật Đản, đèn hoa sen, đèn bánh ú, đèn chậu, đèn trụ dù đã thay đổi từ khung tre nứa sang dây thép, nhưng về bản chất vẫn giữ nguyên vẹn kiểu dáng xưa của nghề truyền thống.

Anh Mẫn cải tiến nhiều mẫu đèn lồng du nhập nhiều nước, nhưng vẫn giúp được cái hồn truyền thống Huế

Dù có một số thời điểm đèn lồng truyền thống bị áp đảo bởi đèn lồng hiện đại và do trì trệ bởi dịch Covid-19, nhưng anh Mẫn và nhiều người thợ vẫn cố gắng phát triển và giữ gìn chất truyền thống của nghề.

Hình ảnh: Internet