ĐỜI SỐNG

Người ủng hộ, kẻ phản đối khi Hàn Quốc thông qua luật cấm thịt chó

Minh Nhân • 14-01-2024 • Lượt xem: 962
Người ủng hộ, kẻ phản đối khi Hàn Quốc thông qua luật cấm thịt chó

Mới đây, Quốc hội Hàn Quốc đã chính thức thông qua dự luật đặc biệt cấm giết mổ và buôn bán thịt chó trên toàn quốc, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2027. Dự luật tiếp tục gây nên nhiều tranh cãi và phản ứng trái chiều trong dư luận nước này, khi nhiều người trẻ tích cực ủng hộ thì những người lớn tuổi, vốn quen với văn hóa ở thế hệ trước, lại lên án phản đối cực kì gay gắt.

Theo đó, sau 3 năm nữa, bất kì hành vi nuôi, giết mổ chó để lấy thịt hoặc phân phối, buôn bán thịt chó cho người tiêu thụ đều bị coi là vi phạm pháp luật. Cụ thể, hành vi giết mổ chó có thể bị phạt tù tối đa ba năm hoặc bị phạt tiền tới mức 30 triệu won (khoảng 560 tỷ đồng). Ngoài ra, hành vi nuôi chó để lấy thịt hoặc phân phối, buôn bán thịt chó cũng sẽ đối mặt mức án tù tối đa lên đến hai năm hoặc phạt tiền 20 triệu won (khoảng 374 tỷ đồng).

Theo Hãng tin Yonhap cho hay, dự luật này do Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đề xuất và đã được Quốc hội thông qua vào ngày 9/1 vừa qua với 208 phiếu thuận và không có bất kì phiếu chống nào. Được biết, Tổng thống Yoon Suk Yeol là một người vô cùng yêu động vật và sự ủng hộ dành cho dự luật cấm tiêu thụ thịt chó đã tăng lên rất nhiều kể từ khi ông Yoon nắm quyền. Hiện tại, ông cùng bà Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee đang nuôi 6 con chó, 8 con mèo và từng nhiều lần lên tiếng về việc tiêu thụ thịt chó.

Dự luật là một bước ngoặt lớn đối với Hàn Quốc, khi người dân quốc gia này có truyền thống ăn thịt chó từ rất lâu đời. Người Hàn có tập tục ăn thịt chó trong hàng thế kỷ vì cho rằng đây là loại thực phẩm cung cấp nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là vào mùa hè oi bức. Tuy nhiên, thói quen ăn uống ngày càng ít đi khi sự quan tâm về quyền động vật không ngừng được cải thiện cũng như sự lo lắng về hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.

Luật sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2027 để các chủ trang trại, nhà hàng thịt chó và những người làm trong ngành này có thời hạn 3 năm chuẩn bị để đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Theo đó, chính phủ và các cơ quan ban ngành cũng sẽ có những phương án hỗ trợ tài chính phù hợp cho người chăn nuôi, doanh nghiệp khi từ bỏ các hoạt động kinh doanh thịt chó. Đây được xem là một hành động nhân văn khi tạo điều kiện cũng như dành thêm thời gian để các cơ sở kinh doanh này kịp thích ứng với dự luật mới. Theo công bố của Chính phủ Hàn Quốc, sẽ có khoảng 1.150 trang trại nuôi chó với số lượng hàng triệu con, cùng 34 lò mổ, 219 công ty phân phối và khoảng 1.600 nhà hàng sẽ bị ảnh hưởng khi dự luật này được thực thi. 

Nhiều nỗ lực trước đây của các tổ chức bảo vệ động vật đã không thành công khi vấp phải sự phản đối kịch liệt của những người kinh doanh trong ngành này. Vào tháng 11 năm ngoái, đã có hơn 200 người đến biểu tình ở gần văn phòng tổng thống nhằm yêu cầu bãi bỏ dự luật trên.

Đứng trước dự luật mới, ông Kim Seon-ho (86 tuổi) bày tỏ sự khó chịu và cho biết món thịt chó hầm (hay còn gọi là "boshintang") là món ăn khoái khẩu của ông. "Người Hàn đã ăn món này từ thời xa xưa. Tại sao giờ lại ngăn chúng tôi ăn món truyền thống của mình? Nếu đã cấm thịt chó thì nên cấm cả thịt bò" - ông Kim bày tỏ. Một chủ cửa hàng kinh doanh thịt chó khác thì cho rằng, nên tiếp tục cho phép tiêu thụ thịt chó, chỉ cần đưa ra phương án nuôi lấy thịt và giết mổ khác nhân đạo và hợp vệ sinh hơn, thay vì cấm.

Ngược lại, nhiều bạn trẻ tại Hàn Quốc lại tích cực ủng hộ dự luật này khi họ vốn không có thói quen ăn thịt chó và luôn xem chúng như những người bạn đồng hành. Lee Chae-yeon (22 tuổi) cho rằng lệnh cấm là rất đúng đắn để bảo vệ các quyền của động vật. "Ngày nay, nhiều người nuôi chó làm thú cưng. Xem chúng giống như một thành viên trong gia đình, vì vậy việc ăn thịt chó là điều không hay chút nào", cô nói.

Theo một khảo sát vừa được công bố về Nhận thức, Nghiên cứu và Giáo dục về Phúc lợi Động vật tại Seoul, có hơn 93% người được phỏng vấn đã không ăn thịt chó trong thời gian dài và vẫn sẽ tiếp tục không sử dụng trong tương lai. "Luật sẽ chấm dứt việc nuôi và giết chó để tiêu thụ, giúp giải cứu hàng triệu con chó khỏi ngành nghề nhẫn tâm này", Borami Seo, thành viên thuộc nhóm bảo vệ động vật Hội Nhân đạo Quốc tế Hàn Quốc, chia sẻ.