VĂN HÓA

Nhà báo con người có thể nhờ cậy vào nhà báo robot hay không?

Anh Kiệt • 13-03-2019 • Lượt xem: 2153
Nhà báo con người có thể nhờ cậy vào nhà báo robot hay không?

Một robot sản xuất tin bài có tên Tobi có thể tạo ra gần 40.000 sản phẩm tin tức trong vòng... 5 phút khi được phân công theo dõi một sự kiện tại Thụy Sĩ vào 11/2018. Thử nghiệm sử dụng trí tuệ  nhân tạo này đã được thực hiện tại công ty truyền thông Tamedia.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện từ gần một thập kỷ trở lại đây và đang dần trở nên phổ biến hơn khi các hãng truyền thông danh tiếng muốn thử nghiệm với những dạng tin tức được sản xuất “siêu nhanh”. Trí tuệ nhân tạo cũng có khả năng tổng hợp lượng tin tức lớn để lọc ra những chi tiết quan trọng nhất, phục vụ đắc lực cho hoạt động nghiệp vụ tại các tòa báo.

Một chương trình trí tuệ nhân tạo có tên Heliograf đã được tòa soạn báo The Washington Post (Mỹ) sử dụng để tổng hợp tin tức đa lĩnh vực kể từ năm 2014.

Giáo sư Damian Radcliffe của trường Đại học Oregon (Mỹ) chuyên nghiên cứu về các xu hướng và hình mẫu hoạt động trong lĩnh vực báo chí nhận định: “Trí tuệ nhân tạo có thể đưa lại sản phẩm tin tức với tốc độ cao, độ chính xác cao, giúp tạo nên những tòa soạn nhỏ gọn hiệu quả hơn, đồng thời giảm bớt áp lực thời gian mà các phóng viên thường phải đối diện”.

Những hãng tin thử sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc khẳng định rằng họ không có ý định thay thế phóng viên hay biên tập viên bằng robot, mà chỉ sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp nhân lực của mình khỏi phải thực hiện những nhiệm vụ nhàm chán, ít tính sáng tạo, bớt đi những tin bài đơn giản mà phóng viên không muốn làm.

Giám đốc sáng kiến chiến lược của tờ The Washington Post - ông Jeremy Gilbert chia sẻ rằng trí tuệ nhân tạo Heliograf được sử dụng như một công cụ giúp đỡ đội ngũ biên tập viên của báo: “Chúng tôi có một đội ngũ những phóng viên và biên tập viên với năng lực tuyệt vời và không bao giờ chúng tôi muốn thay thế họ bằng robot”.

Ông Jeremy Gilbert nhận xét rằng trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện tin bài và cập nhật thông tin ngày càng nhanh, bởi trí tuệ nhân tạo vẫn tiếp tục phát triển trong quá trình làm việc, nhờ đó, các phóng viên có thể “rảnh rang” hơn để tập trung làm tốt những việc đòi hỏi sự phân tích chuyên sâu và những ý tưởng sáng tạo. Nhìn chung, sự tương tác trong tòa soạn The Washington Post khá tích cực xung quanh vấn đề sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Ông Jeremy Gilbert cho hay: “Điều bất ngờ là có nhiều phóng viên tới gặp tôi và nói: Tôi phải làm dạng tin rập khuôn này đều đặn mỗi tuần, có cách nào để chúng ta tự động hóa những tin bài này không? Nghĩa là họ sẵn sàng chuyển một phần việc cho trí tuệ nhân tạo. Những tin bài này chỉ cập nhật thông tin, con số đơn giản, không đòi hỏi văn phong, bình luận, phân tích gì đặc biệt”.

Hãng tin NTB của Na Uy cũng tự động hóa những tin tức thể thao dạng cập nhật tỉ số sau trận đấu, những tin này được trí tuệ nhân tạo thực hiện trong... 30 giây.

Hãng tin Associated Press đã tự động hóa sản xuất những tin bài kinh tế thuần túy cập nhật con số và sắp tới là những tin bài bên lề ngay trước một số trận đấu thể thao.

Hãng tin Reuters sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện xu hướng và theo đó, sẽ có những tin bài thực hiện đáp ứng theo xu hướng.

Tổng biên tập John Micklethwait của hãng tin Bloomberg (Mỹ) chia sẻ rằng hoạt động sản xuất tin bài của họ sử dụng trí tuệ nhân tạo rất thường xuyên, khoảng 1/4 số tin bài của Bloomberg có sự tham gia đóng góp của trí tuệ nhân tạo ở một mức độ nào đó.

Các chuyên gia trong lĩnh vực thông tin - truyền thông hiểu rất rõ giới hạn của trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tin bài, nhưng họ cũng nhận thấy những ưu điểm.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi trường Đại học Columbia (Mỹ) đã chỉ ra rằng những bài báo được dán nhãn “do trí tuệ nhân tạo sản xuất” thường không có ảnh hưởng lớn nào đối với cảm nhận của độc giả về chất lượng thông tin.

Thậm chí, những bài báo “tự động hóa” này còn được đánh giá là đáng tin cậy bởi tính khách quan cao, trong khi đó, những tin tức do nhà báo thực hiện lại được đánh giá cao về mặt văn phong.

Bà Meredith Broussard, giáo sư chuyên về dữ liệu báo chí tại trường Đại học New York (Mỹ) khẳng định rằng hiện tại chưa có khả năng robot thay thế phóng viên, bởi dù trí tuệ nhân tạo đưa lại những tiện ích cho công việc, nhưng mới chỉ thực hiện được những tin bài... “nhàm chán”, thuần túy cập nhật thông tin, con số đơn giản.