VĂN HÓA

Nhà số 4 - Ngôi nhà của những nhà văn khoác áo lính

Bài và ảnh: Hà Thành • 27-08-2023 • Lượt xem: 4058
Nhà số 4 - Ngôi nhà của những nhà văn khoác áo lính

Nhà số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội có lẽ là ngôi nhà nổi tiếng nhất ở đất Hà Thành bởi… số nhà. “Số 4 Lý Nam Đế”, hay kiệm lời hơn là “Nhà số 4”; cũng đủ để nói lên rất nhiều về một địa chỉ, một nơi chốn quen thuộc, nổi tiếng, đã trở thành… “thương hiệu” của những nhà văn khoác áo lính. Đó là trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội – một gương mặt báo chí đã có hơn nửa thế kỷ bền bỉ cùng người lính và những người yêu văn chương.

Dấu ấn kiến trúc Đông Dương

Trước hết, phải nói rằng “Nhà số 4” sẽ không thể có dấu ấn mạnh mẽ như vậy nếu chỉ là một kiến trúc bình thường. Kiến trúc đặc sắc của “Nhà số 4” là một tiền đề quan trọng để công trình này, địa chỉ này trở nên trở thành một chốn riêng không thể lẫn, và chắp cánh cho những nhà văn khoác áo lính, cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội bay xa.
Công trình được xây dựng vào khoảng cuối thập niên 30, đầu thập niên 40 của thế kỷ 20; trong trào lưu kiến trúc Đông Dương đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhiều gương mặt kiến trúc sư Pháp có những tìm tòi sáng tạo trong việc kết hợp kiến trúc châu Âu và kiến trúc bản địa, khai thác những yếu tố truyền thống và đặc điểm khí hậu địa phương. Tác giả “Nhà số 4” là Arthur Kruze. Ông là kiến trúc sư của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Chính ông - về sau, trong giai đoạn 1950-1954; đã trở thành hiệu trưởng của trường Cao đẳng Kiến trúc; (sau khi Trường Cao đẳng Kiến trúc tách ra khỏi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bởi những hoàn cảnh lịch sử) - và là tiền thân của Đại học Kiến trúc Sài Gòn, rồi Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh sau này.

“Nhà số 4” được thiết kế như một công thự, với chức năng ban đầu là nơi ở cho các sĩ quan Pháp. Công trình có mặt bằng đối xứng khá đơn giản, với quy mô hai tầng. Sảnh và cầu thang được bố trí ở giữa, khối cầu thang ở phía trước tạo thành điểm nhấn trên mặt đứng và hai bên là các  phòng. Mỗi bên của 1 tầng có 4 phòng, tổng cộng có tất cả 16 phòng. Cấu trúc các phòng được thiết giống nhau theo kiểu đối xứng liền kề, chỉ có các phòng ở đầu hồi khác biệt một chút. Chính các phòng đầu hồi này, cùng các phòng vệ sinh chung ở giữa – phía sau tạo thành 3 khối nhô ra mặt sau công trình.

 

Các góc nhìn bên ngoài công trình

Với quy mô, cấu trúc, chức năng của một kiến trúc châu Âu, với những kỹ thuật - vật liệu xây dựng và cả những cấu tạo kiến trúc của châu Âu; nhưng tính bản địa, dân tộc vẫn thể hiện rất rõ; tạo nên sự kết hợp hài hòa khéo léo trong cả tổng thế và chi tiết. Tuy công trình có quy mô không lớn và tính chất, vai trò không quan trọng lắm; nhưng đây thực sự là một tác phẩm thành công của tác giả trong phong cách kiến trúc Đông Dương, một trào lưu ngắn ngủi nhưng đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị. Đậm nét nhất là bộ mái dốc lợp ngói ống có hình chữ “Thọ” với những đầu đao uốn cong theo hình thức kiến trúc truyền thống Việt.

Sự kết hợp khéo léo và tinh tế của các chi tiết kiến trúc.

Kiến trúc và cây xanh hòa quyện với nhau.

Góc mái sảnh.

Chi tiết đầu đao mái sảnh.

Ngói ống lợp mái có hình chữ “Thọ".

Bộ mái vươn khá xa với những công-xon bê tông giả gỗ đỡ phía dưới. Hệ thống mái này được nhắc lại ở mái sảnh và mái hiên. Mái sảnh được đỡ bằng hai trụ tròn, còn hệ thống mái hiên sử dụng kết cấu công-xon, không có cột, làm cho mặt đứng công trình nhẹ nhàng và nhấn mạnh vào những mảng tường với cửa trong kính ngoài chớp. Điều thú vị khác là diềm mái trang trí được làm bằng gỗ thật, với chi tiết đơn giản mà vẫn chuẩn mực. Tính dân tộc còn thế hiện ở mảng tường mặt đứng phía trước tại vị trí khối thang bên trên sảnh; được trang trí với hoa văn từ hình chữ “Vạn” theo lối chữ triện. Những ô cửa sổ tròn cũng là nét riêng của “Nhà số 4”.

Những tầng mái uốn cong vươn xa.

Mái nhà nhìn từ phía sau.

Mái sảnh được đỡ bằng hai trụ tròn.

Những ô cửa,bao nhiêu năm rồi vẫn vậy.

Ô cửa sổ tròn, nét riêng của “Nhà số 4”.

Mảng tường trang trí hoa văn hình chữ “Vạn”ở mặt tiền khối cầu thang.

Ngoài quy mô, cấu trúc, chức năng như đã nói ở trên, tính hiện đại và châu Âu thể hiện rõ trong nội thất các phòng. Tất cả các phòng đều có lò sưởi và phòng vệ sinh riêng. Các ô cửa sổ tròn trên mặt đứng là các cửa sổ phòng vệ sinh (cùng một số cửa thông gió tại các vị trí cầu thang, hành lang).

Các phòng đều có lò sưởi.

Hành lang bên được bố trí phía sau nhà, cũng có những ô cửa trong kính ngoài chớp.

Trên một diện tích khá khiêm tốn với khoảng sân nhỏ, tầm nhìn có bị hạn chế; nhưng công trình vẫn cuốn hút, gây ấn tượng bởi tỷ lệ hài hoà, chi tiết cô đọng - tinh tế và sự giao thoa khéo léo Âu – Á, Đông – Tây, sự kết hợp kiến trúc – cây xanh - cảnh quan… Công trình là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Đông Dương.

Ngôi đền văn chương

Năm 1954, sau khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, “Nhà số 4” trở thành ngôi nhà chung của các văn nghệ sỹ quân đội. “Nhà số 4” là một nét riêng đầy cá tính nhưng lại hoà đồng cùng những cái chung. Bởi nó nằm ngay trên phố Lý Nam Đế, mà xưa nay mọi người vẫn gọi một cách dân dã và trìu mến là “phố nhà binh”, bởi nơi này tập trung hầu hết các cơ quan quan trọng của quân đội, cùng rất nhiều các khu gia binh. Phố Lý Nam Đế nằm dọc theo tường thành phía đông của thành Hà Nội thời nhà Nguyễn; dưới thời Pháp thuộc mang tên một vị tướng Pháp. Năm 1945, trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, thị trưởng Hà Nội trong chính phủ Trần Trọng Kim – bác sỹ Trần Văn Lai đã đổi một loạt đường phố mang tên Pháp về tên địa danh xưa và các anh hùng dân tộc Việt Nam. Phố nhà binh Lý Nam Đế nằm trong số đó.

Tháng 1 năm 1957, Tạp chí Văn nghệ Quân đội chính thức ra số đầu tiên, và nhà số 4 phố Lý Nam Đế chính thức là trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thuộc Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, “Nhà số 4” không chỉ là một trụ sở cơ quan đơn thuần. “Nhà số 4” là một địa chỉ văn chương, là ngôi nhà của những nhà văn khoác áo lính. Nhưng hơn thế, nơi đây không chỉ của riêng những người lính. “Nhà số 4” được coi là “hội quán”, “quán văn”, “điểm hẹn”, là “chốn đi về”, là… “trụ sở thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam”… Nơi đây đã ghi dấu ấn của biết bao nhà văn, nhà thơ, của những tên tuổi lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam… Nơi đây đã chứng kiến những cuộc chia ly với những nhà văn vào chiến trường, và có nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn không trở về. Nơi đây cũng đón bao người lính cầm bút, và là bệ phóng đưa họ trở thành nhà văn.

Bậc thềm này đã in dấu bao nhiêu văn nhân, thi nhân?.

Sảnh vào và cầu thang bọc gỗ dẫn lên lầu.

Nội thất một phòng làm việc.

Cửa sổ trong kính ngoài chớp, dưới kia là “phố nhà binh”.

Phòng Tổng biên tập. Nơi đây đã có nhiều tên tuổi lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam từng làm việc như nhà văn Văn Phác, nhà văn Thanh Tịnh, nhà thơ Vũ Cao...

Trước sân “Nhà số 4” có hai cây đại (cây sứ) cổ thụ, không biết được trồng tự bao giờ nhưng nhiều tuổi hơn cả “Văn nghệ quân đội”. Người ta nói rằng: Hai cây đại làm thiêng cho “Nhà số 4”, nói vậy bởi một cái lý: Bản thân kiến trúc “Nhà số 4” có dáng dấp của một ngôi đền, miếu; với vẻ trang nghiêm, thâm trầm mà lại rất đỗi gần gũi. Người ta cũng nói rằng: Bao nhiều linh khí của “Nhà số 4”, bao nhiêu tinh hoa văn chương cũng tụ vào hai cây đại. Hai cây đại thiêng đứng bao năm như hai người lính già gác cổng - một sự liên tưởng và so sánh thú vị. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là nhân duyên tiền định? Nhưng chắc rằng “Nhà số 4” nếu không có hai cây đại ấy thì cũng không còn là “Nhà số 4” nữa… Hình ảnh “Nhà số 4”, kiến trúc “Nhà số 4” gắn liền với hai cây đại. Chuyện kể rằng có những nhà văn phương xa tới Hà Nội, thì phải cố tới “Nhà số 4” để lượm 1 vài bông hoa đại, như là cầu xin một chút lộc, chút thiêng từ “Nhà số 4”.

Nhà số 4 - ngôi đền văn chương, với hai cây đại – hai người lính già trước cổng.

Lặng lẽ hoa đại bên thềm...

“Nhà số 4” (chẳng cần tên phố) - thế là đủ, cái cụm từ ngắn gọn ấy nói lên rất nhiều điều và là niềm tự hào của tất cả những ai từng đặt chân tới, trong đó có cả tôi. “Nhà số 4” không phải là cách nói tắt, nói vui… Tôi đã nhìn thấy trong phòng truyền thống của “Văn nghệ Quân đội” có một cuốn sách mang tên… “Nhà số 4”.

Cũng có thể một phần may mắn đứng ngay đầu phố, “Nhà số 4” có lẽ không phải lo âu vì tình trạng quy hoạch số nhà, hay tình trạng chia năm xẻ bảy hay điều gì đó tương tự. Đến giờ phút này, tôi đã nghĩ và tin rằng: “Nhà số 4” đã là, sẽ là một di sản kiến trúc, một địa chỉ văn hoá và vĩnh viễn là ngôi đền văn chương.

“Nhà số 4” - một điểm hẹn văn chương, địa chỉ văn hóa.