VĂN HÓA

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ở tuổi 87

DDVN • 25-07-2023 • Lượt xem: 1308
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ở tuổi 87

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - tác giả của tập bút ký nổi tiếng “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã qua đời vào ngày 24.7.2023. Ông hưởng thọ 87 tuổi.

Nhà thơ Hoàng Dạ Thư con gái của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho biết: “Bố tôi khỏe, minh mẫn cho đến khi bị tai biến lần hai hồi tháng 3. Ông ra đi tự nhiên, thanh thản”. Gia đình sẽ tổ chức lễ viếng và lễ tưởng nhớ ông từ 14 giờ ngày 30 – 31.7 tại trụ sở Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (số 3 Phan Bội Châu, P.Vinh Ninh, TP.Huế).

Chân dung nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh: Tư liệu

Vào tối 30.7, Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế cũng sẽ tổ chức một đêm thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ (nữ nhà thơ, vợ của ông vừa mất trước đó không lâu). Hài cốt của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ được án táng bên cạnh vợ tại Nghĩa trang phía Bắc, phường Hương Hồ, thành phố Huế, nơi cách sông Hương và đồi Vọng Cảnh không xa.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mất đã để lại nhiều thương tiếc cho gia đình, người thân, bạn bè của ông và khoảng trống rất lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Nghe tin ông mất, nhà báo Nguyễn Công Khế - một người bạn của ông viết trên trang cá nhân: “Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường ra đi sau vợ anh là chị Lâm Thị Mỹ Dạ 18 ngày. Tro cốt của hai người sẽ được đưa về Huế. Những chiều Bến Ngự giăng mưa, chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi. Tôi ra mở cửa đón người, chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang... Xin vĩnh biệt nhà thơ tài hoa xứ Huế”.

Hình ảnh nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tại cổng trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam - Ảnh: Tư liệu

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 ở Huế, quê gốc ở Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng cử nhân triết ở Đại học Văn khoa Huế. Ông từng dạy ở trường chuyên Quốc học Huế giai đoạn 1960 - 1966. Ông từng tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ra đi, nhưng ông để lại cho hậu thế một di sản văn chương đồ sộ đặc biệt là những tác phẩm thuật thể loại ký. Văn chương của ông không chỉ đẹp về nội dung cả hình thức biểu cảm khi ông đặt tất cả tâm hồn của mình vào mỗi câu chữ. 

Đọc những trang viết về Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường (trong đó có bài Ai đã đặt tên cho dòng sông?), nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường yêu Huế và hiểu Huế, thì đó là một lẽ đương nhiên. Tôi muốn đi xa hơn, tìm một căn nguyên thầm kín để cắt nghĩa cho sự thành công mỹ mãn của những trang viết ấy: phải chăng ở đây đã có một sự hòa hợp, tương giao, linh ứng giữa cảnh sắc Huế, lịch sử Huế, văn hóa Huế với một tâm hồn nhà văn dễ rung động, nhạy cảm, tinh tế. Phải là sự tương giao, đến mức hòa quyện chặt chẽ mới sinh ra được những áng văn tài hoa không dễ một lần thứ hai viết được như thế. Ngỡ như không khác được: viết về sông Hương là phải vậy, viết về "văn hóa vườn" ở Huế là phải vậy. Đó là những áng văn, câu chữ được chọn lựa cân nhắc kỹ càng, vì hình ảnh được sáng tạo đẹp đẽ, vì cảm xúc phong phú bất ngờ, mới mẻ...".

Còn về những ảnh hưởng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với đời sống văn chương Việt Nam, nhà văn Cao Ngọc Thắng viết: "Ký ức của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đầy đủ các yếu tố địa-sử-văn-triết và qua cách biểu cảm ông đã tạo nên những tác phẩm có chiều sâu văn hoá. Trong tư duy sáng tạo nghệ thuật, Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự coi trọng yếu tố địa lý, xem các thành tố của thiên nhiên là những thực thể, đưa chúng vào cùng vận động với sự chuyển biến của tác phẩm, chứ không chỉ “mượn” thiên nhiên nhằm làm “đẹp” tác phẩm như ở khá nhiều người viết khác. Đặc điểm này góp phần cấu thành nên phong cách ký Hoàng Phủ Ngọc Tường...".

Theo Tiểu Vũ/1thegioi.vn