ĐỜI SỐNG

Nhiễm bệnh do vi khuẩn, nguyên nhân gây tử vong chỉ sau bệnh tim mạch trên thế giới

Lan Hương • 05-12-2022 • Lượt xem: 280
Nhiễm bệnh do vi khuẩn, nguyên nhân gây tử vong chỉ sau bệnh tim mạch trên thế giới

Nghiên cứu mới đây công bố trên tạp chý Y học The Lancet được thực hiện trên quy mô lớn cho biết, nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau bệnh tim mạch là nhiễm trùng do vi khuẩn.

Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ chương trình Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu, với sự tham gia của hàng nghìn nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới do quỹ Melinda Gates và Bill tài trợ.

Công bố được đưa ra vào ngày 22/11 vừa qua đã chỉ ra rằng các tác nhân gây bệnh do vi khuẩn dẫn đến 7,7 triệu ca tử vong, chiếm 13,6% tổng các ca tử vong trên toàn cầu. Trong khi đó, số ca tử vong trên thế giới do tim mạch mỗi năm có 18,6 triệu người, chiếm 33% tổng số ca, đây được xem là nguyên nhân gây tử vong đứng đầu trên thế giới.

Sự thật đáng lo ngại về vi khuẩn

Nhìn chung số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm (bao gồm cả virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng…) là 13,7 triệu ca, con số trên cho thấy rằng vi khuẩn đã lấn át hơn cả virus. Vì vậy “Đây là vấn đề cần được ưu tiên khẩn cấp để can thiệp trong cộng đồng y tế toàn cầu”, phát biểu của chuyên gia Mohsen Naghavi (Đại học Washington – Mỹ) cho hay.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét những trường hợp tử vong xảy đến do 33 mầm bệnh vi khuẩn phổ biến trong 11 loại nhiễm trùng và được thực hiện trên quy mô trải rộng 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 5 loài đặc biệt nguy hiểm bao gồm tụ cầu vàng, E.coli, phế cầu, trực khuẩn Klebsiella pneumoniae và trực khuẩn mủ xanh. Chúng đã gây ra 54,9% số ca tử vong trong tổng số ta tử vong do vi khuẩn. Trong đó số người chết do tụ cầu vàng (chúng cư ngụ trên da và mũi người, gây ngộ độc tiêu hóa, nhiễm trùng bệnh viện, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết…) chiếm nhiều nhất với hơn 1 triệu ca.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong do vi khuẩn. Các khu vực có thu nhập cao như Bắc Mỹ, Tây Âu… số ca tử vong do vi khuẩn là 52 ca trên 100.000 dân trong khi đó tại các khu vực châu Phi vùng hạ Sahara ghi nhận con số lên đến 230 ca trên 100.000 dân.

Ông Christopher Murray (GĐ Viện đo lường và Đánh giá Sức khỏe – Mỹ), đồng tác giả trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Điều quan trọng hiện nay cần làm là đưa kết quả vào phạm vi của các sáng kiến y tế toàn cầu, để mầm bệnh nguy hiểm chết người này có thể được nghiên cứu sâu hơn, được đầu tư thích hợp nhằm giảm số ca nhiễm trùng cũng như tử vong”.

Lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân gây ra sự lây lan nhanh chóng

Thực tế cho thấy rằng, thế giới đã tập trung quá nhiều nguồn lực để nghiên cứu các vấn đề xoay quanh virus mà quên đi những tác hại của vi khuẩn cũng không kém phần nguy hiểm trong gieo rắc bệnh tật và cướp đi mạng sống con người.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát triển nhanh chóng của vi khuẩn chính là việc lạm dụng kháng sinh với mong muốn đẩy nhanh tác dụng cứu chữa người bệnh, vì thế đã vô tình tạo nên các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Nhiễm siêu vi khuẩn đề kháng nhiều loại kháng sinh đã khiến cho khoảng 33.000 người tại châu Âu tử vong mỗi năm.

Cùng với sự gia tăng của các vi khuẩn kháng những loại kháng sinh mạnh nhất, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC) đã cảnh báo: “Điều này thực sự hết sức lo ngại, bởi các kháng sinh này là phương án điều trị cuối cùng. Một khi chúng không còn tác dụng với vi khuẩn, các nhiễm trùng sẽ rất khó điều trị, và nhiều trường hợp sẽ lâm vào cảnh vô phương cứu chữa”.

Vi khuẩn tiến hóa rất nhanh và theo thời gian, chúng sẽ tiến hóa thành những siêu vi khuẩn có khả năng chống lại nhiều loại thuốc khác nhau. Đây sẽ là những nguy hại lớn mà ngành y học sẽ phải đối mặt. ECDC ước tính có đến 70% vi khuẩn đề kháng ít nhất một loại kháng sinh thông dụng. Đáng sợ hơn, khoảng 75% trường hợp nhiễm siêu vi khuẩn do mắc phải tại các bệnh viện hoặc các trung tâm y tế.  

Dự phòng lây nhiễm là nền tảng quan trọng, trong đó cần có các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, giảm nhiễm trùng bệnh viện, quản lý suy dinh dưỡng, nâng cao ý thức giữ vệ sinh, giúp người dân tiếp cận với nguồn nước sạch…

Các nhà lãnh đạo y tế cần đảm bảo sẵn sàng các dịch vụ chăm sóc nhằm giảm thiểu số ca tử vong do nhiễm khuẩn, từ việc kịp thời tiếp cận với kháng sinh thích hợp, nâng cao năng lực vi sinh để xác định chính xác định chính xác mầm bệnh đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại kháng sinh mới trước những đe dọa ngày càng tăng của vi khuẩn kháng thuốc.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi tăng cường tài trợ bao gồm các các loại vacxin mới nhằm giảm số lượng ca tử vong, đồng thời cảnh báo về việc lưu ý khi sử dụng kháng sinh để tránh lạm dụng trong trường hợp không chính đáng.

Rửa tay, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cũng là một trong những biện pháp được khuyến nghị nhằm hạn chế nhiễm trùng.