ĐỜI SỐNG

Nhịn ăn gián đoạn có lợi ích gì cho cơ thể của bạn? 

D.T • 15-10-2023 • Lượt xem: 1524
Nhịn ăn gián đoạn có lợi ích gì cho cơ thể của bạn? 

Việc nhịn ăn gián đoạn mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể, đặc biệt là tăng cường sức khỏe tim mạch.

Trong những nghiên cứu gần đây, nhịn ăn gián đoạn (IF) có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bao gồm cả huyết áp cao. Đối với nhiều người, đây là phương pháp ít tốn tiền, ít rủi ro và dễ thực hiện mà vẫn có thể cải thiện sức khỏe. Nhịn ăn gián đoạn đề cập đến việc thực hành xen kẽ thời gian ăn với thời gian nhịn ăn, chẳng hạn như phương pháp 5: 2, kết hợp hai ngày ăn uống hạn chế calo nghiêm ngặt với năm ngày ăn uống không hạn chế hoặc xen kẽ những ngày ăn và không ăn.


Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp giúp tăng cường sức khỏe tim mạch cho cơ thể. 

Phương pháp nhịn ăn gián đoạn được sử dụng phổ biến nhất là ăn uống có giới hạn thời gian (TRE). TRE là một chế độ ăn uống hàng ngày trong đó tất cả thức ăn trong ngày được tiêu thụ trong một khung thời gian nhất định. Ví dụ như ăn các bữa ăn trong khoảng thời gian 8 giờ, chẳng hạn như từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, sau đó nhịn ăn trong 16 giờ. Trong thời gian nhịn ăn, chỉ uống nước hoặc chất lỏng trong, không chứa calo như cà phê hoặc trà.

Nhịn ăn gián đoạn trở nên phổ biến trong những năm gần đây, phần lớn là do những người nổi tiếng và vận động viên thể hình lan truyền chế độ này trên mạng xã hội. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều nghiên cứu ủng hộ việc áp dụng chế độ này để hướng tới các mục tiêu đảm bảo sức khỏe. Danh sách các lợi ích sức khỏe hiện nay liên quan đến việc nhịn ăn gián đoạn bao gồm cơ chế sửa chữa tế bào và chống lão hóa, giảm sản xuất gốc tự do, cải thiện điều hòa glucose và giảm căng thẳng, cùng nhiều lợi ích khác. 


Phương pháp nhịn ăn gián đoạn giúp giảm huyết áp, chống lão hóa và giảm căng thẳng. 

Một bài đánh giá trên Tạp chí Y học New England năm 2019 cũng mô tả một số lợi ích tim mạch tiềm ẩn của việc nhịn ăn gián đoạn, bao gồm cả việc giảm huyết áp. Việc nhịn ăn giúp giảm huyết áp như thế nào vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Mặc dù sự thật là chế độ ăn hạn chế calo đã được chứng minh là làm giảm huyết áp và việc nhịn ăn thường dẫn đến giảm lượng calo nạp vào, nhiều chuyên gia hiện đang nghiên cứu về vai trò của insulin.

Nghiên cứu gần đây tập trung vào việc nhịn ăn gián đoạn có thể làm giảm tình trạng kháng insulin - một tình trạng phổ biến trong đó tuyến tụy sản xuất quá nhiều insulin (tăng insulin máu) nhằm giảm lượng đường trong máu cao. Các tế bào của cơ thể buộc phải "chống lại" lượng insulin quá cao bằng cách không còn phản ứng như bình thường (loại bỏ glucose khỏi máu). Điều này sau đó báo hiệu tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn. Nồng độ insulin cao được xem là có tác dụng ức chế sự bài tiết muối của thận, làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Một bài đánh giá được công bố trên Tạp chí Sinh lý học Hoa Kỳ năm 2012 cho thấy, qua một số nghiên cứu trên động vật, insulin có tác dụng giữ natri ở các đối tượng mắc bệnh tiểu đường.


Nhịn ăn gián đoạn giúp giảm tình trạng kháng insulin. 

Nhịn ăn gián đoạn làm giảm nồng độ insulin một cách hiệu quả, làm giảm tình trạng kháng insulin và có thể gián tiếp giúp giảm huyết áp. Việc nhịn ăn trong 8 giờ trở lên cũng cho phép quá trình "chuyển đổi trao đổi chất" diễn ra. Trong trường hợp không có lượng glucose dư thừa để tạo ra năng lượng, cơ thể sẽ sử dụng năng lượng dự trữ trong các tế bào mỡ. Tuy nhiên, việc nhịn ăn gián đoạn có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên nhịn ăn. Và những người đang gặp phải các chứng rối loạn ăn uống hoặc những người mắc các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường hoặc bệnh tim, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ nhịn ăn nào.

Nguồn: theepochtimes.com