VĂN HÓA

Nhớ tiếng pháo Tết xưa

Đức Anh • 16-01-2023 • Lượt xem: 1315
Nhớ tiếng pháo Tết xưa

Chẳng biết tiếng pháo Tết có từ khi nào; chắc chắn là lâu lắm rồi. Tôi vẫn nhớ, từ khi biết nhận thức về cái Tết cổ truyền là tôi cũng biết tiếng pháo Tết. Pháo là một phần của Tết, không thể thiếu, chắc chắn là như vậy. Có một câu đối cũng chẳng biết có tự bao giờ, ai sáng tác, là: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Phải có những thứ ấy mới gọi là Tết, mới đủ đầy cho Tết. Theo quan niệm của người xưa, tiếng pháo xua đi những gì không may mắn và mang lại điều hứng khởi, tốt lành cho năm mới. Pháo được đốt trong nhiều dịp như đám cưới, đám tang, tân gia, khai trương… nhưng trong dịp Tết nguyên đán tiếng pháo mới thực sự tỏ rõ vị thế của mình. Lũ trẻ con như chúng tôi hóng đến Tết trước cả tháng cũng chỉ bởi một thứ hấp dẫn không cưỡng được, đó là pháo Tết. Cứ nghe tiếng pháo đì đùng của người chơi pháo trước Tết, hay nhìn những bánh pháo treo ở các cửa hiệu tạp hóa là đã chộn rộn hết cả người, Tết như đang gần lắm! Pháo được coi là một loại hàng hóa của Tết, trong những túi hàng Tết hay túi quà Tết thường có sẵn bánh pháo.

Cái hồi tôi bắt đầu biết đến Tết, đến pháo thì dĩ nhiên là sợ, nhưng vẫn thích mê. Nhìn thấy pháo ở đâu là mắt sáng lên. Lớn hơn một chút là bắt đầu biết chơi pháo. Nhà hồi đấy khó khăn lắm, thiếu thốn đủ thứ nhưng Tết thì vẫn không thể không có pháo. Trước Tết cả tháng bố tôi đã gửi nhờ bác cùng cơ quan quê ở Bình Đà (một làng pháo ở huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ) mua một bánh pháo. Bánh pháo ấy được nâng niu, gói ghém cẩn thận treo trong phòng bếp để cho khô, tránh ẩm. Đến tối 30 Tết bố tôi mới lấy bánh pháo ấy xuống. Bánh pháo dài 1m, bố tôi cắt cho tôi 20 phân để gỡ ra chơi lẻ, còn 80 phân lại cắt đôi thành hai dây pháo 40 phân. Một đốt đêm giao thừa, một đốt sáng mồng 1. Dây pháo ngắn, đốt vèo một cái là hết. Chỗ pháo lẻ của tôi, cũng chả đủ cho sự háo hức mê mẩn của cái thú chơi pháo trẻ con. Nhưng biết làm sao?... Hàng xóm bên cạnh nhà tôi là một bác giám đốc xí nghiệp nhà nước, nhà khá giả lắm. Mỗi lần đốt cả bánh pháo dài cả mét, đốt giao thừa, rồi sáng mồng 1, mồng 2, mồng 3… có khi ngày hóa vàng mồng 5, mồng 7 lại đốt. Tôi nhìn và thèm lắm…

Tôi vẫn nhớ nguyên cảm giác chờ đón giao thừa, đúng 12h đêm để châm pháo. Hồi hộp vô cùng, sung sướng vô cùng. Nhà tôi ở trên tầng một khu nhà tập thể toàn công nhân viên chức. Nhà thiết kế hành lang bên nên nhà ai cũng treo pháo ra hành lang trước nhà để đốt. Khoảnh khắc giao thừa tòa nhà như rung lên bởi tiếng pháo. Lũ trẻ con chúng tôi chạy khắp tầng chờ các nhà đốt xong xông vào nhặt pháo xịt, pháo lép. Hành lang, cầu thang tràn ngập xác pháo, mùi hương thuốc pháo thơm ngát. Ấy là tín hiệu trực quan đầu tiên của năm mới. Nhà tôi đốt dây pháo ngắn, ít xác pháo, nên khi gió thổi xác pháo của nhà khác vào trước hành lang nhà mình tôi thích lắm. Nhiều xác pháo thể hiện cái oai, rõ là trẻ con!

Sáng mồng 1, các nhà cũng đốt pháo nhưng không cùng thời điểm như giao thừa. Lũ trẻ con cũng bắt đầu ra chơi pháo. Những đứa bé như tôi thì đặt pháo trên một cái bệ nào đó, châm ngòi rồi chạy, chờ pháo nổ. Hấp dẫn khó tả. Các anh lớn thì cầm pháo trên tay châm rồi quăng ra xa. Bọn trẻ con nhìn ngưỡng mộ lắm!

Pháo Tết ngày xưa - Hình ảnh: Internet

Pháo về kích cỡ có 3 loại chính, đó là pháo tép, pháo đùng và pháo cối. Pháo tép to bằng cái đũa, được tết thành băng dài khoảng 1m; trẻ con hay chơi loại pháo này gỡ ra từ băng pháo. Còn pháo đùng to bằng ngón tay cái, được treo vào băng pháo để làm tiếng nổ to hơn khi đốt băng pháo. Mỗi băng pháo thường treo 5-7 quả pháo đùng. Còn pháo cối to bằng cổ tay, không phổ biến như hai loại kia. Chỉ những “dân chơi” mới có tiền và dám chơi pháo cối. Pháo cối cũng thường được treo ở cuối băng pháo làm tiếng nổ kết thúc. Pháo cối nổ to, chỉ các anh lớn mới dám đốt, bọn trẻ con chúng tôi thì không, nhưng nhìn vẫn rất thích. Pháo cối thường được trang trí bên ngoài rất đẹp, có nhà còn đặt lên bàn thờ như một thứ lễ.

Bên cạnh 3 loại pháo trên còn có một số loại khác. Như pháo thăng thiên, to cỡ quả pháo đùng, có gắn liền với một cái que như chân hương. Cắm que xuống đất, châm ngòi là quả pháo bay vút lên và nổ trên trời. Pháo nhị thanh có hai đầu xanh - đỏ. Đặt đầu đỏ phía dưới, đốt pháo là pháo nổ một tiếng dưới đất, đẩy quả pháo bay lên nổ tiếng thứ hai trên không trung. Pháo ném thì không có ngòi, cầm quả pháo ném vào nền cứng hay tường là pháo nổ. Pháo dây thì không nổ, đốt chỉ cháy xòe xòe và phát sáng rất đẹp…

Pháo cung cấp cho thị trường Hà Nội nơi tôi ở có 3 nguồn chính. Đó là pháo Trúc Bạch, pháo Điện Quang và pháo Bình Đà. Hai loại đầu là pháo của doanh nghiệp nhà nước, sản xuất có tính công nghiệp; còn pháo Bình Đà là pháo thủ công, nhưng loại này chiếm thị phần lớn nhất. Pháo Trúc Bạch và Điện Quang chất lượng đồng đều, với giấy quấn pháo cả vỏ và ruột đều nhuộm màu hồng nên xác pháo rất đẹp, còn pháo Bình Đà chỉ nhuộm vỏ, bên trong là các loại giấy khác không màu nên xác pháo không đẹp bằng. Pháo Trúc Bạch và Điện Quang có đặc điểm là ngòi cháy rất nhanh, nên bọn trẻ con không thích chơi pháo lẻ vì sợ chạy không kịp; còn pháo Bình Đà ngòi cháy chậm, chơi đỡ sợ hơn. Pháo Bình Đà cũng phổ thông và được ưa chuộng hơn, và giá cũng rẻ hơn.

Hồi tôi lớn hơn, học cấp 2, lúc đó tình hình kinh tế của gia đình đã khá hơn. Tết, nhà tôi đàng hoàng có 3 bánh pháo dài cho đêm 30, sáng mồng 1 và sáng mồng 2. Còn tôi được nguyên một bánh pháo gỡ ra để chơi lẻ. Nhưng thế vẫn là chưa đủ với những trò nghịch của lũ chúng tôi. Nhà hàng xóm bên có anh con trai lớn quấn pháo chơi Tết. Tôi chẳng biết anh mua thuốc pháo ở đâu, chắc ở Bình Đà; còn giấy quấn pháo thì lấy giấy vở, giấy báo. Anh khởi sự trước Tết mấy tháng. Tôi suốt ngày sang xem anh quấn pháo, bố mẹ cũng chả cấm cản. Thế rồi tôi học lỏm bí kíp quấn pháo. Tôi về nhà giấu bố mẹ và cũng quấn pháo, chỉ có điều tôi quấn pháo không, không có thuốc cũng không có ngòi. Tôi để đó chờ… Đến Tết, tôi đi lượm những quả pháo chưa nổ (do tắt ngòi, đứt ngòi chứ không phải xịt), vẫn còn thuốc, bóc ra lấy thuốc rồi nhồi vào những quả pháo của mình quấn; ngòi thì lấy ngòi dẫn của băng pháo chơi lẻ, hoặc dùng pháo dây. Pháo tôi quấn nổ chất lượng lắm, tự thấy mình tài giỏi và rất oách! Không hiểu sao chả sợ gì cả, mà lũ trẻ lớn bé đứa nào cũng thế!

Cái thời gian được chơi pháo tương đối thoải mái ấy kéo dài không lâu. Tết Ất Hợi năm 1995 là cái Tết đầu tiên Nhà nước cấm pháo, vì quá nhiều tai nạn do pháo nổ gây ra. Ai cũng hụt hẫng, nhất là bọn trẻ chúng tôi. Không có pháo, Tết như nhạt hẳn đi. Rồi cũng phải chấp nhận, rồi cũng quen. Hồi đầu cấm pháo, có nhà sản xuất băng cassette bán băng thu âm tiếng pháo nổ, cho người ta nghe đỡ thèm; nhưng không đắt hàng. Bởi pháo Tết không chỉ có âm thanh, nó còn là khoảnh khắc, là hình ảnh, là mùi hương. Tất cả những cái đó đã từng là một phần của Tết!

Bây giờ, Tết tôi hay về quê ăn Tết, đôi khi nghe tiếng pháo lũ trẻ nông thôn đốt pháo điện tử lại thấy bồi hồi, nhớ về những ký ức xa xưa…