VĂN HÓA

Nhớ về cội nguồn (Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3)

HaoKhanh • 07-04-2025 • Lượt xem: 548
Nhớ về cội nguồn (Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3)

Hướng về đất Tổ, xin dâng nén hương tưởng nhớ công ơn!

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Câu ca dao nhẹ nhàng tha thiết ấy vang lên như một lời nhắc nhở mỗi người con Việt Nam luôn hướng về cội nguồn, tri ân công lao dựng nước và giữ nước của các vị Vua Hùng.

Giỗ Tổ Hùng Vương hay còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng là một trong những ngày lễ quan trọng và đặc biệt của dân tộc Việt Nam, được tổ chức định kỳ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Vào ngày này, hàng ngàn người dân từ khắp mọi miền trên tổ quốc nô nức cùng nhau hướng về đất Tổ, ghé thăm Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ) để thắp nên nén nhang, dâng lễ, châm đèn thành kính, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ đi trước.

Hình ảnh minh họa (Internet)

Một trong những bài học vỡ lòng mà chúng ta đã được dạy không thể không kể đến truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên”. Câu chuyện kể về vị vua đầu tiên của đất Việt là Kinh Dương Vương, người đã truyền ngôi cho con trai là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên cùng nàng Âu Cơ, sinh hạ được một bọc trăm trứng. Trăm trứng nở thành một trăm người con - chính là tổ tiên của người Bách Việt.

Vì Lạc Long Quân là nòi Rồng, Âu Cơ là giống Tiên khó lòng chung sống lâu dài, nên năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển xây dựng cơ nghiệp. Người con trai trưởng được Lạc Long Quân phong làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương. Các đời vua Hùng nối tiếp nhau trị vì, có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chính là ngày tri ân sâu sắc công lao của các vị Vua Hùng.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một ngày tưởng niệm mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại một hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, ôn lại lịch sử hào hùng của ông cha. Để có được nền hoà bình như hôm nay, ông cha ta đã trải qua biết bao cuộc cách mạng, đổ biết bao là mồ hôi, nước mắt, xương máu. Bao anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh, đánh đổi cả tính mạng của mình vì nền độc lập, tự do. Trải qua những thời kỳ thăng trầm khác nhau mới gây dựng được thành quả như ngày hôm nay.

Từ đó, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta cần ghi nhớ công lao to lớn ấy để không ngừng nhắc nhở bản thân phải cố gắng phấn đấu học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - đúng như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn:

“Các vua Hùng đã có công dựng nước,

 Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”

Hình ảnh minh họa (Internet)

Nhớ về cội nguồn còn là biểu tượng văn hoá tinh thần vô cùng độc đáo, tôn vinh giá trị truyền thống dân tộc, đặc biệt là lòng biết ơn. Lòng biết ơn luôn là một trong những bài học ý nghĩa và sâu sắc được cha ông truyền dạy cho thế hệ sau, thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ như “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Qua đó, giáo dục các thế hệ người Việt Nam được giáo dục phải luôn ghi nhớ công ơn của những bậc tiền nhân, từ đó bồi dưỡng lòng yêu nước, nâng cao tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc. Chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên, tự hào là con cháu các vị Vua Hùng, mạnh mẽ, kiên cường và bản lĩnh vượt qua mọi chông gai thử thách.

Nhìn lại để đi tới, bởi lịch sử là một dòng chảy liên tục, mang tính kế thừa. Ngày hôm nay vẫn ẩn chứa trong mình những tư tưởng của ngày hôm qua; quá khứ vẫn tác động mạnh mẽ đến hiện tại và định hương tương lai. Hướng về cội nguồn cũng chính là cách chúng ta đặt nền móng vững chắc cho hiện tại, sẵn sàng tiến bước vào tương lai, mở ra thời kỳ hưng thịnh cho đất nước.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, dân tộc Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - phát triển kinh tế bền vững, xã hội phồn vinh, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Người Việt Nam đoàn kết, chung sức chung lòng dựng xây quê hương, đất nước. Và mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, lực lượng nòng cốt của xã hội cần luôn là những người tiên phong đi đầu trong các cuộc cải cách, không ngừng học tập và tiếp thu tri thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm vượt qua mọi gian khố, tích cực công tác, lao động, sản xuất. Đó là nguồn sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước Việt Nam vươn ra hội nhập quốc tế, sánh vai với các cường quốc năm châu.


 

 

Tag: