VĂN HÓA

Những bộ phim để đời của điện ảnh Việt Nam sau 1975

Châu Anh • 30-04-2019 • Lượt xem: 3201
Những bộ phim để đời của điện ảnh Việt Nam sau 1975

Dưới đây là những bộ phim nổi bật nhất và đến nay vẫn là các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam một thời. 

Mối tình đầu, 1977

Đạo diễn Hải Ninh là một trong những tên tuổi nổi bật của điện ảnh cách mạng Việt Nam thập niên 1970. Sau 2 bộ phim mang màu sắc sử thi về 2 vùng đất chịu nhiều mất mát trong cuộc chiến tranh chống Mỹ là Quảng Trị với "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (1972) và thủ đô Hà Nội với "Em bé Hà Nội" (1974), ông chọn Sài Gòn - TP HCM thời điểm trước và sau ngày 30-4-1975 với bộ phim lớn thứ 3 trong thập niên này là "Mối tình đầu".

Vẫn với những gương mặt quen thuộc trong 2 bộ phim trước của đạo diễn Hải Ninh là Trà Giang, Thế Anh và Lan Hương, "Mối tình đầu" lấy bối cảnh Sài Gòn trước năm 1975 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ sắp chấm dứt và thân phận những người trẻ tuổi trước các biến động của thời cuộc, sự lựa chọn của họ trước những ngã rẽ cuộc đời…

"Mối tình đầu" gây ấn tượng nhờ mô tả đời sống của những thanh niên miền Nam trước sự biến động của thời cuộc và sự hoang mang, vô định trước chuyện lựa chọn cuộc sống của họ.

Tội lỗi cuối cùng, 1978

Trong số những bộ phim thực hiện sau khi chiến tranh kết thúc (1975), "Tội lỗi cuối cùng" mang một sắc thái và cách kể chuyện, tạo dựng nhân vật, không khí thời cuộc khá riêng biệt. Phim kể về thân phận một cô gái giang hồ hoàn lương và con đường trở về với cuộc sống đời thường đầy nhọc nhằn của cô.

Bộ phim đầu tay của Trần Phương với cả hai vai trò biên kịch và đạo diễn dù có hơi hướng một tác phẩm giải trí về đề tài tội phạm nhưng vẫn có những dấu ấn nghệ thuật, đặc biệt là nhờ diễn xuất tỏa sáng của Phương Thanh với vai Hiền "cá sấu" và Trần Quang, một ngôi sao của điện ảnh miền Nam trước 1975, với vai tướng cướp Lê Vân.

"Tội lỗi cuối cùng" có kịch bản đơn giản nhưng vẫn phản ánh được không khí thời cuộc của những năm sau chiến tranh, đặc biệt là mô tả khá sắc sảo cuộc sống, tâm trạng của những người thuộc xã hội cũ. Phương Thanh, dù là diễn viên miền Bắc, đã thể hiện rất thành công hai mặt đối lập trong con người Hiền "cá sấu". Vai diễn đầy thuyết phục này đã mang lại cho Phương Thanh giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam năm 1980.

Ván bài lật ngửa, 1982 - 1987

Ra mắt tập đầu tiên vào năm 1982, "Ván bài lật ngửa" lập tức gây chấn động với khán giả. Với sự dàn dựng công phu, bối cảnh cầu kỳ tái hiện không khí của Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Nam thời Mỹ - Diệm, dàn diễn viên chính hay phụ đều gây ấn tượng, đặc biệt là Chánh Tín với nhân vật Nguyễn Thành Luân và cách kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh trầm tĩnh, chậm rãi mà sang trọng của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, bộ phim lập tức tạo nên một cơn sốt trong thập niên 1980 với 8 tập nối tiếp nhau (1982-1987). "Ván bài lật ngửa" gắn bó với nhiều thế hệ khán giả toàn quốc và đến nay vẫn giữ kỷ lục là bộ phim điện ảnh dài tập nhất, ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam.

"Ván bài lật ngửa" lấy cảm hứng từ những năm hoạt động tình báo của ông Phạm Ngọc Thảo dưới thời Mỹ - Diệm. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã biến loạt phim 8 tập này trở thành một xê-ri phim điệp báo thiên về hư cấu và đạt được những thành công vang dội - một mốc son của điện ảnh Việt Nam trong thời gian khó mà ngay cả khi điện ảnh và đời sống phát triển như bây giờ, khó có đạo diễn nào tạo được.