Người Sài Gòn còn nổi tiếng với tính cách hào sảng, dễ chấp nhận cái mới, ít để bụng và hay giúp đỡ người khác. Đặc biệt, có những cách hành xử đáng yêu mà chỉ có thể bắt gặp được ở Sài Gòn.
Bàn này có người tính giùm rồi
Đừng bất ngờ nếu bạn đi ăn nhìn thấy chủ quán nói với một khách hàng: “Thôi khỏi. Bàn này có người tính giùm rồi”.
Người Sài Gòn rất tốt bụng và không tính toán chi ly. Vì vậy nhiều lúc đi ăn gặp người quen thì khi người ăn xong trước rất nhiều khả năng sẽ tính tiền luôn cho người kia. Có lúc người trả tiền giúp sẽ lên tiếng chào hỏi, nhưng cũng lắm khi quay xe về luôn. Cái hay là chủ quán tuyệt đối sẽ không “ăn gian” số tiền đó. "Hổng" ai làm vậy hết.
Lý giải cho chuyện này, nhiều người cho rằng bắt nguồn từ việc nhiều lúc trong túi không còn tiền lẻ. Trả bằng tiền chẵn (cộng thêm vốn hào sảng) nên sẽ trả luôn bàn của người quen.
Nhiều lúc mải mê thưởng thức tô hủ tiếu, tới lúc tính tiền thì bất ngờ khi có ai đó đã tính tiền rồi.
Người được trả giúp sẽ ghi nhận và trả bằng cách mời lại bữa sau (chứ thường không trả lại tiền mặt vì mất lòng). Tuyệt nhiên cũng không ai có ý định “ăn quỵt”. Nhưng cũng có lắm lúc người được nhận cũng không biết ai đã trả giúp mình do người kia đi nhanh quá. Khi đó, luật bất thành văn, người này sẽ trả bằng cách mời lại một người già bán vé số bữa ăn, hay mua giúp vài bông hoa cho em nhỏ sớm được dọn hàng...
Đó là cách mà lòng tốt, sự hào sảng ở Sài Gòn được lan truyền bao đời nay.
Thôi đi đi, bữa nào có thì trả
Những ai... não cá vàng nhiều khả năng đã từng gặp trường hợp này. Chạy xe vào cây xăng đổ đầy bình sau đó phát hiện... quên mang tiền. Thậm chí quên mang cả ví (giấy tờ). Nếu đi mua hàng hóa khác thì cùng lắm gửi lại lần sau mua, thế nhưng đằng này xăng đã lỡ đổ vào bình.
Lúc này mới khó xử. Thật ra vẫn có thể hút ra được. Nhưng các cây xăng chẳng mấy ai làm vậy. Thường thì họ sẽ cười nói: “Thôi đi đi. Mai rảnh ghé qua trả”.
Ở Sài Gòn có thể giàu, có thể nghèo, nhưng kiểu gì cũng sống được.
Hoặc một trường hợp khác là các quán ăn, nhất là quán ăn ở khu lao động thường hay cho thiếu với khách quen. Lắm khi cuối tháng chưa kịp lãnh lương, nhiều chủ quán sẵn lòng cho người lao động ăn thiếu bằng câu: “Thôi ăn đi. Bữa nào có thì trả.” Hay “bữa nào lãnh lương rồi trả”.
Họ cũng chẳng sợ bị gạt. Vì “có mấy đồng đâu mà”. Người được bán chịu cũng sẽ hết sức tuân thủ lời hứa. Thậm chí có trường hợp nhiều người bỏ xứ đi làm ăn xa. Vài năm sau thành đạt trở về mới trả. Thế nhưng chủ quán cũng sẽ chỉ lấy đúng số tiền thiếu năm xưa. Lợi tức cũng không nhận, hoặc có nhận cũng sẽ chỉ lấy tượng trưng cho người kia không áy náy.
Đưa nhiêu cũng được
Xe ôm công nghệ lên ngôi dẫn đến việc xe ôm truyền thống ngày càng ít đi. Những con đường Sài Gòn dần vắng bóng các bác tài chờ khách ở ngã tư đường. Họa hoằn chỉ còn những bác tài già, không thể tiếp thu việc sử dụng smartphone mới tiếp tục gắn bó với nghề. Điều này cũng dẫn đến một nét đẹp hành xử ở Sài Gòn dần mất đi.
Điều khiến nhiều người không thích ở xe ôm truyền thống chính là hét giá. Trong khi đó, các app xe ôm thông báo giá cuốc xe rõ ràng khiến người đi đỡ phải mệt mỏi trả giá.
Thế nhưng bên cạnh việc hét giá, cũng có nhiều bác tài truyền thống tốt bụng thường sẽ giảm giá cho người già, học sinh hay khi muốn chạy nốt cuốc xe cuối vào đêm khuya trước khi về nhà. Khi đó họ sẽ chỉ lấy tượng trưng một phần tiền xăng, hoặc nói thẳng khách hàng “ngoại (cô, dì) đưa nhiêu cũng được.”
Xe ôm truyền thống đã từng là một nét đẹp văn hóa của Sài Gòn.
Một phiên bản khác của chuyện “đưa nhiêu cũng được” hiện vẫn còn có thể bắt gặp ở các quán ăn bình dân. Nhất là thời điểm tối khuya khi nhiều người lao động tay chân kết thúc một ngày làm việc. Họ tìm một bữa ăn nuốt vội để về nhà trọ ngủ lấy sức ngày mai đi làm.
Nhiều quán ăn bình dân biết vậy nên thường trước khi đóng cửa, chủ quán sẽ cố tình bán cho những vị khách đặc biệt này phần ăn nhiều hơn một chút để họ có sức làm việc. Tuy nhiên giá tiền mỗi suất ăn thì vẫn vậy. Nhiều khi chủ quán còn nói thẳng với khách “đưa nhiêu cũng được”.
Có ai thắc mắc sao bán rẻ vậy sẽ nhận được câu trả lời “cộc lốc” đại loại “bán để dọn dẹp đóng cửa nghỉ ngơi”.
Dẫu biết thế sự vật đổi sao dời, mọi thứ rồi cũng có thể thay đổi theo thời gian. Thế nhưng có những nét đẹp hành xử người Sài Gòn đã gìn giữ và lan tỏa trong rất nhiều năm qua. Chẳng những vậy, nhiều người đến đây lập nghiệp sinh sống qua thời gian cũng sẽ dần dần nhập gia tùy tục và cảm nhiễm những cách hành xử rất “Sài Gòn” này.