VĂN HÓA

Những công trình bằng tre độc lạ và thân thiện với môi trường

Cẩm Chi • 02-10-2023 • Lượt xem: 3502
Những công trình bằng tre độc lạ và thân thiện với môi trường

Những "thiết kế xanh" từ tre ngày càng phổ biến trong xu hướng thiết kế bền vững, bảo vệ môi trường. Các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và cả người tiêu dùng đã nhận thức rõ vai trò tác động lâu dài của loại vật liệu tự nhiên này với đời sống.

Chất liệu thân thiện

Tre là một vật liệu đặc biệt thân thiện với môi trường được được mệnh danh là thép xanh trong xây dựng với tính chất dẻo dai hơn gỗ và không tỏa nhiệt như bê tông. Đặc tính này vô cùng phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Theo Bambou Habitat, nhà bằng tre có độ bền vững không thua kém gì các nhà gỗ. Ở Nhật, có những căn nhà tre tuổi thọ hơn 200 năm. 

Ngoài các công dụng trong kết cấu, nội, ngoại thất, tre, nứa còn là một giải pháp vật liệu hữu hiệu trong việc chống nóng, giảm nhiệt cho công trình. Kết hợp với tính dẻo dai vốn có, các công trình làm bằng tre có thể tạo ra các không gian thoáng mát, cởi mở. Nội thất từ tre không kém phần sang trọng mà lại mang cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng, đảm bảo tính thẩm mỹ và làm tăng giá trị công trình nhờ tính địa phương của vật liệu.

Trong văn hóa Á Đông, tre còn mang nhiều ý nghĩa hơn khi được xem là biểu trưng cho cốt cách thanh cao, tính triết lý của người quân tử. Chính vì vậy, các công trình bằng tre luôn có sức hút đặc biệt tại các quốc gia châu Á. Ngày nay, các chính phủ quốc gia đang phát triển đặc biệt khuyến khích sử dụng tre làm vật liệu xây dựng và trang trí - một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững nhất và là xu hướng vật liệu của tương lai. 

Ứng dụng trong nhiều công trình

Một nhà hát tại Pháp nổi tiếng khắp thế giới mang tên Hardelot được thiết kế kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố truyền thống và phong cách hiện đại. Tổng thể công trình gợi nhớ đến những ngôi đền Nhật Bản và kiến trúc bằng gỗ châu Âu thời Trung cổ. Đây cũng là tòa nhà đầu tiên ở Pháp sử dụng tre làm vật liệu ốp tường.

Nhà thiết kế Søren Korsgaard (Đan Mạch) đã đưa vật liệu truyền thống, bền vững làm nguyên liệu để xây dựng một cấu trúc cực kỳ hiện đại. Ngôi nhà mà ông tạo ra có hình dạng bất thường được gọi là Nhà đan giống như tổ của con chim sâu. Các bức tường, sàn và trần chạy được thiết kế và ứng dụng hết sức thông minh để phục vụ cho mục đích cách nhiệt, đồng thời cũng có những cửa sổ và bậc thềm rất tiện lợi.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, những ngôi nhà được lấy cảm hứng từ nghệ thuật gấp giấy. Nhà thiết kế đã lấy cảm hứng từ nếp gấp nhà tre được sử dụng như là nơi trú ẩn tạm thời trong những hậu quả của trận động đất. Những nơi trú ẩn này được xây dựng từ cột tre vững chắc trước khi lắp ráp thành các dạng hình học vững chãi nhưng vẫn có thể được gấp lại thành nhiều hình dạng. Đây là mô hình mà chính phủ đã kêu gọi các kiến trúc sư thiết kế cho hàng triệu nhà tạm phục vụ cho cộng đồng không may bị động đất nhấn chìm toàn bộ nhà cửa.

Tại Indonesia, Biệt thự tre Sharma Springs Residence - đảo Bali là một công trình bằng tre tiêu biểu. Biệt thự độc đáo này gồm sáu tầng, bốn phòng ngủ, rộng hơn 8.000m2 nhìn ra thung lũng sông Ayung. Biệt thự bao gồm nhiều không gian như: sảnh chính, thư viện, phòng khách chung, phòng chơi cho trẻ em, phòng tập yoga ven sông, bể bơi riêng, spa ngoài trời. Bên cạnh đó là một không gian dành cho những bữa tiệc nướng bên hồ bơi, nằm gọn trong khu vườn uốn lượn tuyệt đẹp. 

Ngoài ra, Arc in Green School là một trong những công trình nổi bật của Ibuku sử dụng vật liệu tre mang đến những góc nhìn ấn tượng và trở thành một tài liệu tham khảo cho cấu trúc nhẹ hoàn toàn trong kiến trúc và xây dựng. Được xây dựng từ một loạt các vòm tre cao 14m giao nhau, kéo dài tới 19m, ngôi trường này có lịch sử 12 năm với những ưu điểm đột phá, mở rộng tầm nhìn. Dự án Arc là điểm sáng mới nhất nhằm nâng cao tiêu chuẩn cho nền giáo dục bền vững trên toàn thế giới.

Ở Thái Lan, Khu thể thao đặc biệt làm từ tre phải kể đến Bamboo Sports Hall. Đây là công trình kiến trúc lấy cảm hứng từ hoa sen, có hình dạng nhấp nhô, phản ánh địa hình đồi xung quanh. Rộng 782 m2, khu thể thao đa năng có các mái vòm hình tròn có thể giúp thông gió và đón ánh sáng tự nhiên, với khả năng có thể chống chịu được động đất mạnh.

Tại Việt Nam, nổi tiếng nhất trong việc sử dụng vật liệu tre vào kiến trúc là KTS Võ Trọng Nghĩa. Ông đã tận dụng lợi thế của tre là vật liệu nhẹ, linh hoạt nhưng rất mạnh mẽ, để thiết kế hàng loạt công trình độc đáo: Cafe Gió và Nước ở Bình Dương, Kontum Indochina Café, Nhà hàng Vedana.

Bằng cách kết hợp kỹ thuật làm khớp nối tre truyền thống của người Việt, tính dẻo dai của cây tầm vông, ông đã tạo ra được phương pháp riêng để xây dựng các công trình hoàn toàn không sử dụng khớp nối kim loại. Các đoạn thân tre được liên kết bằng chốt một cách uyển chuyển, và chuyển tiếp đầy nhịp điệu. Đây là một trong những cấu trúc rất thú vị và hấp dẫn với giá rẻ nhưng hiệu quả tối đa nhằm sử dụng ánh sáng và gió là những lợi thế địa phương.

Đầu năm 2021, ông lại tiếp tục khiến giới mộ điệu dậy sóng khi thực hiện công trình điểm nhấn tại Phú Quốc mang tên Huyền thoại Tre từ 32.000 thân tre tầm vông. Với thiết kế đậm bản sắc Việt, đây là công trình bằng tre lớn nhất Việt Nam và một trong những công trình tre lớn nhất khu vực. Tác phẩm rộng 700m2 cao 15m, duyên dáng xõa bóng mát xuống mặt hồ tĩnh lặng.

Không chỉ tre mà các biểu tượng khác như hoa sen – biểu trưng cho cốt cách thanh cao, tính triết lý đậm nét Á Đông, Trống Đồng – hiện thân của nền văn minh đặc sắc, độc lập cũng được gắn kết trong công trình. Các công trình giúp KTS Võ Trọng Nghĩa là người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Vàng tại giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á, giải thưởng danh giá nhất (Grand Prize) và nằm trong danh sách tại Festival Kiến trúc Thế giới 2013.