VĂN HÓA

Những công trình huy hoàng của nhân loại dưới đáy đại dương

Cẩm Chi • 16-09-2023 • Lượt xem: 1421
Những công trình huy hoàng của nhân loại dưới đáy đại dương

Đại dương sâu thẳm không chỉ là cái nôi của sự sống trên Trái đất mà chúng còn lưu giữ những dấu vết của nền văn minh nhân loại. Nhiều thành trì từng phát triển rực rỡ trong quá khứ nhưng giờ đây chỉ còn lại tàn tích nằm yên dưới đáy biển. Chúng là những kho tàng vô giá để nhân loại có thể ngược dòng thời gian tìm hiểu được phần nào cuộc sống của tổ tiên cách đây nhiều ngàn năm về trước.

Cổ thành DWARKA (Ấn Độ) – thành phố của thần Krishna

Dấu vết của một trong những thành trì cổ xưa nhất của nhân loại được phát hiện dưới đáy biển chính là thành phố Dwarka ở Ấn Độ. Theo các nhà khoa học, cổ thành này có thể được xây dựng từ cách đây 12.000 năm, tức khoảng 10 ngàn năm trước Công nguyên.

Theo truyền thuyết dân gian Ấn Độ, Dwarka là quê hương của thần Krishna (phân thân thứ 8 của thần Vishnu). Vì vậy, thành phố này từng cực kỳ giàu có trong quá khứ. Ở thời điểm cực thịnh, các công trình kiến trúc nơi đây được xây dựng hoàn toàn bằng vàng bạc, đá quý và những loại vật liệu quý giá khác. Tuy nhiên, cũng vì vinh quang thành phố gắn liền với thần linh, vì vậy khi thần Krishna qua đời thì Dwarka cũng suy tàn theo.

Tàn tích còn sót lại của một công trình kiến trúc ở cổ thành Dwarka chìm dưới đáy biển.

Tàn tích cổ thành được phát hiện vào năm 2000 ở vịnh Cambay, bang Gujarat phía tây Ấn Độ. Các nhà khoa học cho rằng một trận động đất dữ dội trong quá khứ đã nhấn chìm cả thành phố xuống biển. Khi lặn xuống nơi này, nhiều người đã tìm thấy các mảnh vỡ đá và kim loại quý hay thậm chí cả đồ trang sức bằng ngà voi bị vùi lấp trong đống đổ nát.

Kim tự tháp Yonaguni Jima, Nhật Bản

Kim tự tháp do người Ai Cập cổ đại xây dựng. Đây là một quan niệm không hoàn toàn chính xác. Bởi vì vào năm 1985, một nhà thám hiểm người Nhật tên Kihachiro Aratake đã tìm thấy một quần thể kim tự tháp rất lớn nằm ở phía nam đảo Yonaguni.

Nhiều người già ở đảo Yonaguni hay kể về một quần thể kiến trúc khổng lồ nằm dưới biển. Nghe được điều đó, Kihachiro Aratake đã quyết định đi tìm hiểu sự thật. Và sau cùng, ông đã tìm thấy được quần thể kim tự tháp Yonaguni Jima nằm ở phía nam hòn đảo khoảng 40km.

Các nhà khoa học sau khi thực hiện nhiều nghiên cứu đã kết luận đây là một công trình có tuổi đời ít nhất khoảng 10 ngàn năm trước Công nguyên (ngang với cổ thành Dwarka). Dấu vết còn lại dễ thấy nhất là những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau như kiểu kim tự tháp.

Cấu trúc như kim tự tháp còn giữ được vẻ ngoài khá rõ ràng.

Người ta cũng khai quật được các vật dụng bằng đá ở nơi đây, thậm chí còn có cả một số tư liệu (khắc vào đá) bằng chữ tượng hình. Với những manh mối tìm được, các nhà khảo cổ cho rằng kim tự tháp Yonaguni Jima được dùng như một cung điện hoặc đền thờ tương tự kim tự tháp ở châu Mỹ. Nó không phải là một nơi chôn cất như kim tự tháp ở Ai Cập.

Tuy nhiên tên của quần thể kiến trúc, cũng như ai (thế lực nào) đã là người xây dựng thì vẫn còn là điều bí ẩn. Vì vậy công trình này được đặt theo tên hòn đảo Yonaguni gần đó.

Ngày nay khi lặn xuống độ sâu 10m, du khách có thể dễ dàng quan sát được những tàn tích còn sót lại của kim tự tháp độc nhất nằm trong lòng đại dương.

Thành phố “vô danh” - Pavlopetri, Hy Lạp

Những ai yêu thích nền văn hóa Hy Lạp sẽ không thể không tìm hiểu về nơi này, tàn tích thành phố Pavlopetri. Sở dĩ gọi đây là thành phố vô danh là vì cho đến hiện tại, các nhà khảo cổ vẫn không thể xác định được tên gọi của nó. Thậm chí cả trong lịch sử dường như chưa từng đề cập đến nơi này.

Cổ thành được đặt tên theo hòn đảo Pavlopetri ở gần đó. Tàn tích thành phố được phát hiện vào năm 1967 bởi  một người tên Nicholas Flemming.

Vị trí của nó nằm ở độ sâu vẻn vẹn 4 mét dưới đáy biển gần đảo Pavlopetri.

Các công trình kiến trúc này đây được xây dựng theo phong cách La Mã. Tổng thể tòa thành được quy hoạch rất đẹp với những ngôi nhà, con đường đá, quảng trường, đền thờ... và thậm chí có cả một nghĩa trang. Tất cả hiện trạng vẫn còn khá nguyên vẹn cho thấy nơi đây từng là một trong những đô thị phồn vinh bậc nhất vùng biển Địa Trung Hải.

Công cuộc khảo cổ đã cho ra kết quả là thành phố có thể đã bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ 8 (sau Công nguyên) do nước biển dâng lên. Có thể đã không có các trận động đất quá lớn xảy ra bởi tổng thể kiến trúc vẫn còn khá nguyên vẹn. Khi khai quật tàn tích, các nhà khoa học đã tìm được một số hiện vật có từ khoảng 2800 năm trước Công nguyên.

Hòn đảo bị chìm Antirhodos (Ai Cập)

Cái tên Antirhodos có thể không gây ấn tượng cho nhiều người. Thế nhưng nó cực kỳ nổi tiếng vào những năm 300 trước Công nguyên. Bởi vì hòn đảo là một phần của thành phố Alexandria vĩ đại của Ai Cập, nơi có ngọn hải đăng Alexandria – một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại.

Bản đồ thành phố Alexandria cổ đại. Vị trí số 2 chính là đảo Antirhodos.

Hòn đảo được các nhà khảo cổ phát hiện vào năm 1998 sau khi họ cố gắng tìm tòi những tư liệu cổ xưa về thành phố Alexandria.

Antirhodos đã bị những trận động đất (hay thậm chí cả sóng thần) nhấn chì vào khoảng 1500 năm trước. Khi khai quật tàn tích dưới đáy đại dương, giới khảo cổ đã phát hiện ra nhiều hiện vật cực kỳ giá trị. Nó cho thấy quá khứ huy hoàng của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Thậm chí, người ta còn phát hiện được cả mộ phần của nữ hoàng Cleopatra trong đền thờ thần Isis trên đảo.

Một bức tượng nữ hoàng Cleopatra tìm thấy ở Antirhodos

Do là một phần của thành phố vĩ đại Alexandria, đảo Antirhodos được quy hoạch xây dựng cực kỳ xinh đẹp. Các công trình kiến trúc của chính quyền, đền thờ, cung điện và khu nhà dân... được bố trí vô cùng khoa học và thẩm mỹ.