VĂN HÓA

Những đặc sản chưa chắc bạn đã biết của miền Tây

Tam Nguyên • 15-06-2023 • Lượt xem: 1349
Những đặc sản chưa chắc bạn đã biết của miền Tây

Những đặc sản chưa chắc bạn đã biết của miền Tây là những kho tàng ẩm thực độc đáo và đa dạng, mang trong mình hương vị và hồn quê thuần khiết. 

Nằm ở miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, vùng đất này không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn là một điểm đến lý tưởng để khám phá và thưởng thức những loại đặc sản chỉ có tại địa phương.

Hồng quân rừng đỏ thắm

Hồng quân núi hay còn gọi là quả mận quân, quả bồ quân và được nhiều người coi là cherry Việt. Mùa hồng quân thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Có vị chua ngọt hơi chát đặc trưng, màu sắc tươi tắn, hồng quân đã trở thành loại trái cây đặc sản, được du khách gần xa nhắc đến mỗi khi có dịp về Bảy Núi tỉnh An Giang vào mùa mưa.

Hồng quân là loại cây mọc hoang tự nhiên hoặc được người dân vùng núi trồng xen canh trong những tán rừng hay ở vùng đồi núi cao không được tưới nước, nên loại quả này cho trái theo điều kiện tự nhiên. Vì sinh trưởng và phát triển mạnh nên loại cây này rất sai quả.

Quả hồng quân núi có hình dạng giống như quả nho. Khi còn xanh, quả có màu đỏ tươi, khi chín chuyển sang màu đỏ sẫm. Lúc ăn có vị chua ngọt. Vỏ mỏng, hạt ít, thơm ngọt. Đặc biệt, do phát triển dưới tán rừng và ở vùng đồi núi cao nên loại quả này không có sâu, không phải phun thuốc, vì vậy loại quả này rất được người theo đuổi “lối sống xanh” ưa chuộng.

Mùa trâm chín trong tuổi thơ

Trái trâm còn có tên gọi khác là trâm mốc, trâm vối hay vối rừng vốn là loại cây mọc dại, lâu dần được bà con tận dụng trồng ở bờ ruộng để lấy bóng mát lúc nghỉ trưa. Khi cây trồng được 4 đến 5 năm sẽ cho trái và chín rộ từ khoảng cuối tháng 3 – 6 âm lịch tùy năm. 

Thường vào mùa hè, khi trời bắt đầu mưa cũng là lúc cây trâm đơm hoa kết trái. Trái trâm thường kết lại từng chùm, trái to bằng đầu ngón tay, có màu xanh; khi chín, vỏ căng bóng, màu tím. Trâm còn là loại trái khá đặc biệt, mỗi khi ăn thì miệng, răng, lưỡi đều có màu tím rất đặc trưng. Thông thường, trái trâm được ăn kèm với muối ớt.

Vị ngọt xen lẫn vị chua và chát, trái trâm là một loại trái rừng mọc hoang dã ở miền Tây đã trở thành ký ức tuổi thơ. Đây có thể được xem là món quà thiên nhiên của núi rừng ban tặng, nó là món ăn yêu thích làm ngất ngây bao người và đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân. 

Mùa nước nổi nhớ quả cà na

Miền Tây mùa nước nổi không chỉ mang đến nguồn cá tôm dồi dào mà còn xuất hiện nhiều loại cây trái đặc trưng, đậm chất miền quê. Vào thời điểm này, khi đi dọc các cung đường miền Tây sẽ bắt gặp một loại quả được bày bán khắp nơi, đó chính là cà na. Loại quả bình dị, mộc mạc của tự nhiên ban tặng và được người dân tận dụng để chế biến thành nhiều món ngon.

Cà na không phải là loại quả có quanh năm mà nó có theo mùa vụ. Mùa cà na hay còn gọi là mùa trám xanh có vào thời điểm lũ nước dâng cao tại vùng đồng bằng sông cửu long. Trái cà na có hình bầu dục, kích thước to gần bằng đầu ngón tay cái và lớp vỏ trơn láng căng mịn. Khi còn non, cà na có màu xanh mướt và ngả về vàng nhạt khi đạt đến độ chín. Mùa lũ về người dân miền Tây lại cùng nhau thu hoạch cà na để chế biến thành nhiều món cực kì hấp dẫn. 

Trời ngập sắc hồng cây ô môi

Dù không ai trồng những cây ô môi lại có mặt khắp nơi ở miền Tây Nam bộ. Chẳng ai để ý đến, cũng không dễ nhận ra chúng nếu không phải mùa cây nở hoa và mùa trái chín. Dân gian giải thích rằng ô là đen, môi là một bộ phận trên miệng người. Khi ăn loại trái này môi người từ đỏ hồng chuyển sang đen thẫm. Vì thế mà có tên gọi ô môi.

Trái ô môi còn non có màu xanh lục, cho đến những cơn mưa mùa đổ hột, khoảng sau tiết thanh minh là trái chín. Vỏ trái ô môi cứng, màu nâu đen, có gân nổi ôm tròn từng khía chạy dài từ đầu đến cuối, cong như mảnh trăng lưỡi liềm.

Thịt trái ô môi xếp thành từng múi tròn mỏng đều nhau và được phủ bởi lớp mật màu đen, có vị ngọt, hơi nồng cay, mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu. Mỗi múi có chứa một hạt màu vàng ở một bên mặt.

Lía tươi ngon những ngày lũ về 

Nhắc đến những món đặc sản ở đầu nguồn biên giới Tân Châu (An Giang), không ai là không biết đến các món ăn vặt được làm từ lía thì không thể bỏ qua, bởi nó góp phần tạo nên danh tiếng ẩm thực ở xứ lụa. 

Lía Tân Châu có hình dạng tương đối giống với con hến. Đây là loài hải sản thường sống ở các vùng nước lợ cửa sông. Đặc biệt, vào những mùa nước lên, đầu nguồn lũ Tân Châu, lía xuất hiện nhiều vô cùng. Lía được cào trên sông, các con kênh, trước đây chỉ ăn theo mùa, giờ đã được bán quanh năm, trở thành món ăn vặt quen thuộc. 

Lía có vỏ ngoài bao bọc cứng. Tuy nhiên, so với hến, lía có vỏ mỏng hơn. Kích thước của Lía chỉ lớn hơn đầu ngón tay người trưởng thành một chút. Vỏ của Lía đa phần là hình bầu dục. Tuy nhiên, một vài con đặc biệt hơn lại có hình tam giác, hình tròn. 

Cá lau kiếng nhìn “dị” mà ngon không tưởng

Cá lau kiếng, là một loài sinh vật được sử dụng nhiều trong mục đích dọn bể kính, ao hồ,… có hình dạng xấu xí, thân hình to, lớp vảy da thô cứng, nhưng nó lại là một món ăn yêu thích của người dân miền Tây.

Trước đây, cá lau kiếng vốn được nuôi trong các bể cá cảnh với mục đích dọn sạch rong rêu, tạp chất, giữ cho bể cá được sạch. Tuy nhiên, từ khi loài cá này xâm nhập vào môi trường tự nhiên, chúng trở thành mối nguy hại lớn với các loại sinh vật. Chúng sinh trưởng nhanh và ăn sạch nguồn cá tôm nhỏ dưới lòng sông khiến nguồn lợi thủy sinh gần như cạn kiệt. Để diệt loài cá lau kiếng, các biện pháp phòng ngừa và xử lý đã được đưa ra. Và giải pháp đầu tiên chính là biến chúng thành món ăn ngon, đặc trưng của người miền Tây.