VĂN HÓA

Những địa danh gợi cảm hứng sáng tác cho Van Gogh

Châu Anh • 04-07-2019 • Lượt xem: 1178
Những địa danh gợi cảm hứng sáng tác cho Van Gogh

Sinh thời, danh họa Van Gogh đã đi qua khoảng 15 thành phố châu Âu. Chính những nơi này đã để lại trong ông rất nhiều ấn tượng. Chúng vừa là chất xúc tác cho cảm hứng nghệ thuật thăng hoa, vừa đóng góp vào cuộc hành trình để ông quên đi nỗi phiền muộn. Trong bức thư viết cho em trai Theo của mình, ông so sánh mình như “một kẻ du lịch đang đi đâu đó đến một cái đích”.

Đối với người sáng tác, khung cảnh ấn tượng, nên thơ hoặc độc đáo luôn là cảm hứng cho họ viêt lách hoặc vẽ. Van Gogh cũng không ngoại lệ. Cũng bởi thế mà trong cuộc đời tuy ngắn ngủi của mình nhưng ông đã để lại cho nhân loại rất nhiều kiệt tác.

The Hague - Hà Lan

Vào năm 1869, Van Gogh đến thị trấn ven biển Hà Lan – The Hague, đây cũng là lần đầu tiên ông đặt chân tới đây. Khi đó, ông chỉ mới 16 tuổi và đến đây để học nghề tại phòng trưng bày Goupil. Tại nơi này, lần đầu tiên ông được giới thiệu về tác phẩm của các họa sĩ châu Âu thế kỷ 19 khác, một trong số những người đó đã truyền cảm hứng cho các tác phẩm vẽ về phong cảnh sau này của ông.

Van Gogh bị ảnh hưởng đặc biệt bởi Anthonij Rudolf Mauve, một họa sĩ hiện thực người Hà Lan, thành viên hàng đầu của trường Hague. Vào cuối năm 1881, khi Van Gogh ở tuổi đôi mươi, nghệ sĩ trẻ đã dành 3 tuần tại studio của Mauve.

Những bức tranh sơn dầu trên nền giấy dày của ông đã ra đời trong thời điểm ấy.  Trong đó có View of the Sea at Scheveningen (1882), mô tả một ngày xám xịt ở bãi biển. Trên thực tế, tại thời điểm đó, trời rất nhiều gió. Bằng chứng là những hạt cát vẫn còn đọng lại trên bề mặt tranh vẽ cho tới ngày nay.

 View of the sea at Scheveningen (1882)

Nuenen - Hà Lan

Cuối năm 1883, Van Gogh chuyển đến sống tại ngôi nhà của gia đình tại làng Nuenen, Hà Lan. Lúc này, ông 30 tuổi. Dù mối quan hệ của ông và bố mẹ không được tốt cho lắm, nhưng chính cảnh vật làng quê thanh bình tại nơi này đã thu hút ông. Ông mở một studio nhỏ trong phòng giặt ủi và làm việc rất hăng say. Các nghiên cứu chính của Van Gogh vào thời điểm đó tập trung chủ yếu vào những người địa phương, phong cảnh nông thôn và kiến trúc nhà thờ nơi bố ông làm mục sư.

Mặc dù bận rộn với công việc nhưng Van Gogh không bán được tranh của mình. Do đó, ông phải phụ thuộc vào em trai Theo. Lúc ấy, em trai ông là một nhà môi giới tranh tại Pháp. Họ có một thỏa thuận rằng mỗi bức tranh của ông sẽ được trả 150 franc.

 Phong cảnh mùa Thu, được vẽ năm 1885

Do không bị vướng bận về nỗi lo tài chính, Van Gogh dành thời gian này để tập trung sáng tác tranh. Một trong những tác phẩm cuối cùng mà ông thực hiện khi còn ở Neuen là Autumn Landscape, tạm dịch là Phong cảnh mùa Thu (1885), thể hiện sự tự tin ngày càng tăng về bố cục, màu sắc và ánh sáng.

Paris - Pháp

Danh họa đã dành 2 năm ở thủ đô hoa lệ này, từ tháng 2/1886 đến tháng 2/1888. Tại đây, ông đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều họa sĩ lớn và bị ảnh hưởng bởi phong cách của họ. Đây cũng là thời điểm mà Van Gogh khám phá nhiều hơn về bản thân mình để tạo nên bản sắc riêng biệt. Các tác phẩm tiêu biểu khi ông ở Paris là 2 bức chân dung tự họa. Chúng đã làm nên tên tuổi cho Van Gogh, giúp ông định hình phong cách cá nhân.

Chân dung tự họa của Van Gogh