ĐỜI SỐNG

Những điểm đến kiến trúc cheo leo, gần gũi thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất ở Việt Nam

Nguyễn Hậu • 14-09-2023 • Lượt xem: 8323
Những điểm đến kiến trúc cheo leo, gần gũi thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất ở Việt Nam

Trên thế giới có không ít những công trình xây dựng có vị trí nguy hiểm không phải ai cũng có thể chinh phục được. Tại Việt Nam cũng có một số công trình nằm ở những ngọn núi, vách đá với độ cao hàng nghìn mét thách thức sự bền bỉ và quyết tâm chinh phục của các du khách.

Hang Múa – Ninh Bình

Ninh Bình là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng với quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hang Múa nằm trong vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An cách Hà Nội 90 km và cách thành phố Ninh Bình khoảng 10km. Hang Múa được vua Trần Thái Tông đặt tên khi vua về vùng Hoa Lư lập Am Thái Vi.

Hang Múa nhìn từ trên cao.

Đường lên đỉnh Hang Múa.

Bức tượng rồng bằng đá và tượng thờ Quan Thế Âm.

Điểm thu hút đặc biệt của Hang Múa đó là nằm trên một vùng núi đá vôi có tuổi đời lên đến hàng triệu năm tuổi. Các công trình kiến trúc độc đáo phải kể đến là con đường dẫn lên núi gồm 486 bậc thang đá uốn lượn nhìn từ trên cao giống như dải lụa trắng. Hai bên bậc thang đá là những bức tượng đá được điêu khắc với nhiều hình thù đặc trưng trong văn hóa Việt như rồng, phượng... Lên đến đỉnh núi  ở vị trí cao nhất là một ngọn tháp chọc trời được xây dựng theo kiến trúc bảo tháp Phật giáo. Ngoài ra còn có tượng Phật Bà Quan Âm được xây dựng phía trước tượng đá rồng chầu. Hang Múa đã trở thành điểm chụp ảnh check in siêu đẹp và là nơi chụp ảnh cưới của nhiều cặp đôi.

Chùa Đồng – Yên Tử, Quảng Ninh

Chùa Đồng

Chùa Đồng nằm trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh nổi tiếng với bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Tọa lạc trên đỉnh Yên Sơn cao nhất dãy Yên Tử có độ cao 1.068 m so với mặt nước biển, chùa được xây dựng vào thế kỷ 17 thời Hậu Lê. Để lên được chùa Đồng du khách phải vượt qua hàng nghìn bậc đá gập ghềnh xuyên qua rừng tùng, rừng trúc rất khó đi đặc biệt là vào mùa xuân có mưa phùn khiến cho đường trơn trượt, sương rơi che khuất tầm nhìn. Hiện nay ban quản lý khu danh thắng Yên Tử đã lắp đặt hệ thống cáp treo lên chùa Đồng rất thuận tiện cho du khách ngắm cảnh núi non hung vĩ.

Chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh


 

Chùa Ngọc

Chùa Ngọc nằm ở trung tâm, nơi cao nhất trục thần đạo của chùa Tam Chúc nên từ chùa Ngọc có thể nhìn thấy toàn bộ cảnh quan của chùa Tam Chúc. Chùa có tên là chùa Ngọc vì trong chùa có đặt một bức tượng Phật bằng hồng ngọc nặng gần hai tấn. Chùa được xây dựng hoàn toàn bằng đá Granit đỏ do các nghệ nhân Hindu giáo đến từ Ấn Độ chế tác và vận chuyển sang lắp đặt theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam. Để lên được chùa Ngọc du khách phải leo qua 299 bậc đá, tuy nhiên khi lên đến đỉnh du khách cảm thấy thư thái dễ chịu ngay vì phong cảnh núi non hung vĩ, sông nước mênh mông bao quanh.

Bức Tượng Phật bằng ngọc trong chùa Ngọc.