VĂN HÓA

Những điều đặc biệt về đội quân đất võ Tây Sơn

Cẩm Chi • 24-10-2023 • Lượt xem: 3994
Những điều đặc biệt về đội quân đất võ Tây Sơn

Tuy là một vương triều tồn tại với thời gian ngắn ngủi, thế nhưng nhà Tây Sơn đã đạt được những thành tích vô cùng đáng nể. Một trong số đó chính là nghệ thuật quân sự dưới thời Tây Sơn đã phát triển cực kỳ hiện đại; thậm chí còn không thua kém các quốc gia châu Âu thời bấy giờ.

Những thành tựu vượt bậc nhất của quân đội nhà Tây Sơn có thể kể đến là thủy quân, tượng binh và hỏa khí.

Thủy quân Tây Sơn – Lực lượng ít được nhắc đến

Có thể vì bộ binh Tây Sơn quá hùng mạnh; hay cũng có thể vì những chiến dịch nổi tiếng nhất của Tây Sơn phần lớn do bộ binh tiến hành thế nên lực lượng thủy quân Tây Sơn ít được nhắc đến. Nhưng trên thực tế, đây là một lực lượng rất mạnh và được trang bị tối tân.

Barizy, một người Pháp phục vụ trong quân đội của chúa Nguyễn Ánh, đã nhận xét về thủy quân Tây Sơn như sau: "Hạm đội này có gần 700 chiến hạm, trong đó có những chiếc trang bị tối tân với đại bác. Nó có thể chở thủy thủ còn nhiều hơn cả những chiến hạm phương Tây”.

Mô hình tàu Định Quốc - loại tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Tây Sơn.

Lời nhận xét trên của Barizy là về nhánh thủy quân Tây Sơn do tướng Vũ Văn Dũng chỉ huy đóng cảng Thị Nại (Bình Định) năm 1801. Và hạm đội trên có thể xem như là toàn bộ sức mạnh dưới nước của Tây Sơn khi đó.

Thủy quân Tây Sơn có hơn 50 ngàn lính. Chiến hạm thì gần 700 chiếc chia làm 5 loại chính. Trong số đó, chiến hạm loại 1 – 2 – 3 tổng cộng khoảng 300 thuyền. Mỗi chiếc chứa từ 150 đến 700 lính kèm với đại bác loại lớn. Nhiệm vụ của những tàu này là chận đường đại quân của địch, công kích tầm xa, yểm trợ cho các cánh quân khác tiến lên.

Tàu chiến loại 4 – 5 tổng cộng khoảng 400 đơn vị và thường chỉ chở lính (một số chiếc có kèm đại bác loại nhỏ). Đây là loại tàu đột kích dùng để đổ bộ, hoặc lao đến tiếp cận tàu lớn của địch, hoặc dùng ở những chiến trường cần xoay trở tốt như trên sông.

Phần lớn thủy quân Tây Sơn bị xóa sổ sau trận hải chiến Thị Nại năm 1801.

Trong trận đánh này, gần như toàn bộ thủy quân Tây Sơn được điều động tham gia. Thế nhưng đây lại là một trận thua và toàn bộ lực lượng không còn.

Tượng binh – Đội quân voi bất khả chiến bại

Đây là lực lượng gắn liền với những chiến thắng vang dội nhất của nhà Tây Sơn. Truyền thống sử dụng quân voi đã có từ hàng ngàn năm trước trong lịch sử Việt Nam. Từ thời Hai Bà Trưng cho đến nhà Lý, nhà Trần, tượng binh luôn là một “quân át chủ bài” trong hệ thống quân sự của người Việt.

Hình ảnh Hai Bà Trưng trên lưng voi biểu tượng cho tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam.

Nhà Tây Sơn không những tiếp nối truyền thống trên mà còn thăng hoa nó lên một tầm cao mới bằng việc gắn hỏa khí lên lưng voi. Trận đánh ấn tượng nhất của tượng binh Tây Sơn là chiến dịch tấn công quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu 1789. Chiến dịch này có đến 300 voi chiến tham gia.

Voi chiến được lắp đặt đại bác cỡ nhỏ lẫn hỏa dược. Binh lính trên lưng voi sẽ có nhiệm vụ bắn phá tầm xa với súng hỏa mai và đại bác. Còn ở cự li gần thì họ sẽ ném hỏa cầu (một loại lựu đạn) để diệt địch.

Tượng binh Tây Sơn là nỗi khiếp sợ của quân nhà Thanh năm 1789.

Sử nhà Thanh có đoạn chép về thất bại mùa xuân năm Kỷ Dậu: "Đại doanh quân ta tan vỡ vì bị đội voi chiến đốt cháy. Trên lưng mỗi con voi có 3-4 tên lính địch chít khăn đỏ, ngồi ném hỏa cầu lưu hoàng ra khắp nơi đốt cháy cả doanh trại."

Chiến thắng năm 1789 cũng có thể xem là dấu son cuối cùng của tượng binh trong lịch sử. Càng về sau này vũ khí càng tối tân, đội quân voi cũng dần bị đào thải theo thời gian.

Hỏa khí Tây Sơn – Nỗi khiếp sợ của quân xâm lược

Ngay từ thế kỷ 17, hỏa khí đã được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam trong cuộc nội chiến giữa hai nhà Trịnh – Nguyễn. Hai chủng loại vũ khí chủ yếu thời đó là đại bác và súng hỏa mai. Đại bác đặc biệt lợi hại trong việc phòng thủ. Khi cần phải di chuyển thì dùng voi kéo.

Súng thần công nhà Tây Sơn được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định).

Đến thời Tây Sơn, hỏa khí được phát triển thêm các chủng loại mới như hỏa hổ (súng phun lửa), hỏa cầu lưu hoàng (lựu đạn), hỏa tiễn (một loại tên lửa dùng thuốc nổ đẩy để nâng cao tầm bắn)... Đặc biệt là nhà Tây Sơn đã tiến hành đặt hỏa khí trên mình voi chiến khi xung trận. Nhờ vậy, lực lượng pháo binh Tây Sơn rất cơ động.

Nhất là khi tiến công, quân Tây Sơn từ khắp nơi khai hỏa khiến cho kẻ địch vô phương chống trả. Xa thì có đại bác tầm xa, gần thì có lựa đạn và súng phun lửa từ voi chiến. Trong trận đánh quan trọng cuối cùng của triều đại ở lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) năm 1802, nhà Tây Sơn đã dốc hết lực lượng huy động cả ngàn khẩu pháo tham chiến.