Nhà thơ, dịch giả, nhà báo Hàn Thủy Giang vừa bất ngờ bị đột quỵ trên đường phố Hà Nội nửa đêm (27/11) khi anh đi tác nghiệp về phải nhập viện khiến bao bạn bè đồng nghiệp tiếc thương. Anh phải mổ hộp sọ với vết thương khá nặng. Trước đó không lâu, anh đã gửi cho Ban biên tập DDVN bài anh viết cảm nhận về thế giới tranh, tượng - Điêu khắc và Hội họa của họa sĩ Đinh Phong từ Hà Nội.
Xin giới thiệu bài viết này của nhà thơ, dịch giả Hàn Thủy Giang. DDVN cầu chúc anh mau chóng vượt qua cơn đột quỵ hiểm nghèo để trớ về với cuộc sống tươi đẹp, bạn bè thân thương và trang viết.
Người ta vẫn nói, con người chẳng có cách nào để liên lạc với bản thể tiên thiên của chính mình, liên lạc với cha mẹ thần linh của nguyên thần mình, ngoại trừ tu luyện, cầu nguyện, và rất hiêm hoi, là qua các giấc mơ… Đinh Phong là người thuộc về phía những người hiếm hoi đó, ông liên lạc, và muốn nói lên nhiều điều qua giấc mơ…
Họa sĩ Đinh Phong, đến đây tôi gọi ông như thế, là người say mê và hoạt động trên cả hai lĩnh vực có đặc thù riêng về phương pháp tư duy, đó là điêu khắc và tranh hội họa. Và ông đã có triển lãm cùng nhiều tác phẩm trong cả hai thể loại này, thu hút được sự chú ý, cũng như gây ấn tượng cho các đồng nghiệp, cùng công chúng thưởng lãm.
Vì sao gọi Đinh Phong "vẽ’" những giấc mơ? Vì màu sắc ông sử dụng, chúng thật tự do, chúng chảy tràn ra trên toan, với những sự uốn lượn ngẫu hứng, giống hệt như những dòng sông đất Nam Bộ, với những cù lao đây đó, những mảng màu xanh đậm nhạt như hàng dừa nước, hàng cây bần, hay cây gì đó bên bờ nước… Viết đến đây thì ngôn ngữ dường như đã phản bội lại tôi, chúng làm cụ thể hóa tranh của ông, bởi tranh Đinh Phong không có gì cụ thể cả. Cái đẹp ông muốn nói nó vô hình, nằm sau các mảng màu kia…
Hay tôi viết thế này. Đinh Phong có những giấc mơ, những giấc mơ thật sự trong không gian ba chiều, minh chứng là ông đã làm ra các tác phẩm điêu khắc tượng tròn, những giấc mơ ấy tự vỡ ra vì tự do sáng tạo, chúng vỡ ra hàng ngàn mảnh có màu sắc khác nhau, và trôi dạt trong không gian hai chiều, là mặt phẳng của tấm toan, và thành tranh hội họa Đinh Phong…
Sắc màu trong tranh Đinh Phong trôi dạt, tự do, run rẩy… tiếc nuối vì đã rời xa nhau từ bản thể giấc mơ ban đầu… Như thế, những mảnh màu sắc ấy có khác gì cuộc đời nhân sinh của chúng ta đâu? Chúng ta không muốn bất cứ giấc mơ nào của kiếp người chúng ta tan vỡ, nhưng chúng vẫn tự tan vỡ vì tự do của sáng tạo… dù ta đôi lúc nhìn lại và tiếc nuối… Hội họa trên toan của Đinh Phong là thế, cái nhỏ bé nhất lại là cái đâm ta nhói nhất…
Ở trong không gia ba chiều, nơi ông cùng chúng ta tồn tại bằng thể xác, bởi thể xác là cái vỏ vật chất ẩn chứa những giấc mơ, ông cũng nhìn thấy trong cái vô hình của không gian kia những hình khối. Tôi ngỡ ngàng khi được ngắm một số tác phẩm điêu khắc của ông, trong đó có một tác phẩm thực sự đã lên tiếng trò chuyện với tôi.
Tôi sinh ra ở miền Bắc. Hình ảnh cổng tam quan trong các ngôi làng, đình chùa miếu quán… hay ngôi từ đường của nhà tôi, với vòng âm dương, mây ngũ sắc, thân rồng uốn lượn… đã đi vào tâm hồn tôi, thể hiện qua những câu thơ như hát ru của tôi. Rồi Đinh Phong đưa tôi về ngôi nhà ở Nam Bộ của ông. Hành trình đi ấy đã qua biết bao cái cổng, mái nhà… của xứ miền Tây… với nhiều nét kiến trúc khác nhau. Tôi ngắm chúng và tự hỏi, cái nào là nguyên gốc của người Việt Bắc Bộ, cái nào là Chăm, là Khơ Me, cái nào là của người Hoa, hay thậm chí cái nào là của nền văn mình Phù Nam xưa kia?
Muôn cơn gió đến từ muôn phương trời, rồi hòa vào nhau, đi qua cái cổng của Đinh Phong. Khi nhìn thấy cái cổng ấy, dù đã dựng trên thực tế, hay ở dạng một tác phẩm điêu khắc đồng của ông, những cơn gió muôn phương ấy chúng đã trò chuyện với tôi. Ngày hôm đó. Thơ mộng như những vần thơ.
Cái cổng đó, nếu ngắm dưới gốc cây si cổ thụ nhất vùng trong vườn của ông, nó là cổng làng Bắc Bộ. Nếu ngắm bên dòng sông mềm mại uốn lượn, cánh cổng cũng uốn lượn theo, nhắc ta nhớ ta đang ở Nam Bộ…
Cái cổng ấy, tác phẩm cổng ấy… Tôi ngắm Đinh Phong, gương mặt ông bình lặng như dòng nước Tiền Giang kia, và tự hỏi giờ cái cổng ấy đã tan ra dưới tay ông, và hiện lên ở bức tranh nào trong số rất nhiều bức tranh ông đang treo trên tường ở ngôi nhà Nam Bộ của ông, ở các cuộc triển lãm, hay trên tường của một nhà sưu tập xa xôi nào đó, thuộc một dân tộc không hề có những cái cổng làng…
Nhà thơ, dịch giả, nhà báo Hàn Thủy Giang
Một số sáng tác của họa sĩ Đinh Phong