ĐỜI SỐNG

Những hệ luỵ không ai có thể ‘trốn thoát’ khi ăn tối vào đêm muộn

Diễm Chi • 13-09-2023 • Lượt xem: 2646
Những hệ luỵ không ai có thể ‘trốn thoát’ khi ăn tối vào đêm muộn

Nhịp sống vội vã khiến mọi người quên đi việc chăm sóc cho bản thân mình, những bữa ăn sơ sài cho qua ngày, thời gian ăn uống thì kéo dài, đặc biệt, một số người còn ăn tối vào đêm muộn. Tuy nhiên, thói quen xấu này đang góp phần bào mòn cơ thể từ ngày này sang ngày khác, sau đây là những hệ luỵ không ai có thể “trốn thoát” khi ăn tối quá muộn.

Xem thêm:

4 cách chữa lành khi gặp phải tình trạng kiệt sức

Cùng với sự phát triển, cuộc sống của con người ngày càng trở nên áp lực hơn bao giờ hết. Đa phần mọi người đều phải thay đổi và thích nghi với nhịp sống hiện đại nhưng không kém phần vội vã. 

Trong số đó không thể không nhắc đến hiện tượng thay đổi về thói quen ăn uống, đặc biệt sau giai đoạn COVID-19, thói quen xấu này càng được khắc họa một cách rõ nét hơn bao giờ hết.

Để có thể bắt kịp và theo đuổi nhịp sống hiện tại, nhiều người phải thức dậy vào sáng sớm với một bữa ăn tạm bợ, một buổi trưa đơn giản tại văn phòng hay bất kỳ nơi đâu và một buổi tối phong phú, đa dạng. Sở dĩ có một buổi tối đa dạng là vì sau khi tan ca, mọi người có thời gian để chuẩn bị và nấu nướng. Tuy nhiên, việc sơ chế và chuẩn bị bữa tối lại tốn khá nhiều thời gian, khiến buổi tối bị đẩy xuống rất muộn so với thời gian quy chuẩn đề ra.

Một số công việc mang tính chất đặc biệt với khung giờ làm việc linh động, nhân sự thậm chí còn phải tăng ca đêm. Vì vậy, buổi tối của họ cũng không được đảm bảo tại một khung giờ cố định, đôi khi còn phải kéo dài đến tận đêm khuya.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học, cơ thể chúng ta được thiết lập quy trình hoạt động tinh vi, chuẩn xác và đúng giờ như một cỗ máy được lập trình tỉ mỉ. 

Việc cơ thể được cung cấp đầy đủ ngày ba bữa ăn phong phú khiến cơ thể thiết lập thành một thói quen cố định. Chính vì vậy, ngay khi bất ngờ bị cắt ngang, thay vào đó là những bữa ăn sơ sài, đặc biệt là ăn tối vào lúc đêm muộn khiến cơ thể không thể thích nghi, sinh ra nhiều tác động tiêu cực với sức khỏe, tàn phá cơ chế tự chữa lành vốn có.

Dẫu vậy, nhiều người lại không thật sự ý thức và nắm được những tác hại nguy hiểm của việc ăn tối vào đêm khuya. Sau đây, hãy cùng điểm qua một số hậu quả mà thói quen này mang đến để từ đó rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho bản thân mình một chế độ ăn uống hợp lý.

Các bệnh về dạ dày và đường tiêu hóa

Các cơ quan và bộ phận trong cơ thể chúng ta được thiết lập hoạt động với một thời gian cụ thể và chi tiết. Tượng tự, dạ dày sẽ hoạt động tràn đầy năng suất vào ban ngày và “bật” chế độ thư giãn vào ban đêm. 

Tiêu hóa là một quá trình diễn ra vô cùng phức tạp với sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan, trong đó, dạ dày đóng vai trò không kém phần quan trọng. Trong dạ dày, thức ăn gặp và tiếp xúc với acid dạ dày và enzym pepsin để tiến hành tiêu hóa một số protein và một ít chất béo. Bên cạnh đó, dạ dày cũng có vai trò trong việc tiêu diệt vi khuẩn có thể gây bệnh trong thức ăn.

Vào đêm tối muộn, ngay khi cơ thể chuẩn bị bước vào chu kỳ nghỉ ngơi sau một ngày hoạt động, dạ dày cũng sẽ chuyển sang chế độ thư giãn. Việc nạp thức ăn quá trễ hoặc gần với giờ đi ngủ khiến dạ dày phải làm việc liên tục bất kể thời gian nghỉ ngơi, từ đó, gây ra các triệu chứng như đầy bụng và khó chịu.

Việc tiêu thụ thức ăn trong một khoảng thời gian gấp gáp còn tạo ra áp lực lên dạ dày, tạo điều kiện cho reflux dạ dày - thức ăn và axit dạ dày quay trở lại thực quản, gây ra cảm giác cháy rát và một số các hệ lụy nghiêm trọng như niêm mạc không kịp tái tạo, dễ bị viêm loét, đau dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.

Nhóm các nhà nghiên cứu, trực thuộc Đại học Tokyo của Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, có 38,4% dân số mắc phải căn bệnh ung thư dạ dày do ăn tối quá muộn. Bởi lẽ, các mô tế bào trong dạ dày thường có tuổi thọ rất ngắn và được thay mới sau khoảng thời gian từ 2-3 ngày. Việc ăn tối muộn khiến dạ dày phải liên tục làm việc, gây ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, nâng cao nguy cơ gây ung thư.

Nếu không muốn mắc phải bệnh đau dạ dày hay các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hoá khác, việc mỗi người cần làm là sắp xếp thời gian ăn uống hợp lý, cố gắng không ăn tối vào lúc quá muộn, ít nhất là 2-3 giờ trước khi đi ngủ để cơ thể có thời gian tiêu hóa thức ăn.

Tăng đường huyết dẫn đến tiểu đường

Việc ăn tối quá muộn đặc biệt là khi tiêu thụ một lượng thức ăn lớn có chứa nhiều carbohydrate có thể gây tăng đường huyết. Việc ăn tối ngay trước khi đi ngủ khiến cơ thể có ít cơ hội để tiêu hóa glucose một cách hiệu quả. Từ đó, dẫn đến sự tăng đột ngột của đường huyết sau bữa tối, gây áp lực lên hệ thống insulin để điều chỉnh đường huyết.

Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến khả năng làm giảm đáng kể lượng tế bào insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Tăng cân dẫn đến béo phì

Có thể nói, một trong những hậu quả của việc ăn đêm mà không ai không ý thức được đó chính là gây tăng cân.

Khi tiêu thụ một lượng thức ăn vào một khoảng thời gian quá muộn trong ngày, cơ thể có ít thời gian để sử dụng năng lượng từ thức ăn trước khi đi ngủ. Dưới điều kiện này, calo được tích trữ từ bữa tối không được tiêu hao một cách hiệu quả và thường sẽ được tích trữ dưới dạ dày và trong các tế bào mỡ, gây tăng cân.

Rối loạn giấc ngủ

Cơ thể của mỗi người đều có một hệ thống đồng hồ sinh học nội tại gọi là hệ thống hồi quy thần kinh cơ học, hệ thống này góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh giấc ngủ. Khi thói quen ăn uống bị thay đổi, đặc biệt là khi ăn tối quá muộn, hệ thống này có thể bị rối loạn, dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Bên cạnh đó, thức ăn và thời gian ăn là hai nhân tố có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone, bao gồm hormone phục vụ cho giấc ngủ như melatonin. Việc ăn tối quá muộn có thể làm thay đổi sự cân bằng hormone, làm giảm sự sản xuất melatonin, gây ra tình trạng thường xuyên bị giật mình tỉnh giấc và khó chìm vào giấc ngủ.

Gia tăng nguy cơ đột quỵ

Trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội châu Âu diễn ra vào năm 2011 cũng chỉ ra rằng, việc ăn tối quá muộn có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao. 

Có thể nói, nguy cơ đột quỵ là diễn biến nặng hơn của triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Bởi lẽ giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể nghỉ ngơi và khôi phục năng lượng. 

Việc ăn tối quá muộn có thể gây ra rối loạn giấc ngủ, từ đó gia tăng nguy cơ đột quỵ. Bởi lẽ, rối loạn giấc ngủ là tình trạng lý tưởng cho việc hình thành cục máu đông trong mạch máu, làm tắc nghẽn dòng máu và gây ra đột quỵ.