ĐỜI SỐNG

4 cách chữa lành khi gặp phải tình trạng kiệt sức

Diễm Chi • 11-09-2023 • Lượt xem: 2299
4 cách chữa lành khi gặp phải tình trạng kiệt sức

Việc đối mặt với áp lực trong thời gian dài khiến mọi người thường xuyên gặp phải tình trạng “burnout” (kiệt sức) và đứng trên bờ vực “sụp đổ” về mặt cảm xúc. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ra những tác động tiêu cực về sức khỏe thể chất và tinh thần, vậy, chúng ta cần làm gì để thoát khỏi tình trạng “burnout”?

Xem thêm:

Tái đấu sau 14 năm: Cuộc đua vận chuyển dữ liệu giữa chim bồ câu và mạng Internet

Có thể nói, từ rất lâu trong quá khứ, thuật ngữ “burnout” đã bắt đầu xuất hiện và được nhiều người biết đến. Vậy “burnout” là gì mà người ta thường nhắc về chúng mỗi khi gặp phải quá nhiều áp lực?

Vào những năm 1970, thuật ngữ “burnout” lần đầu tiên được đề cập bởi hai nhà nghiên cứu người Mỹ là Herbert Freudenberger và Christina Maslach. 

Bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học và tâm lý học xã hội, trong xuyên suốt quá trình làm việc và nghiên cứu của mình, ông đã đưa ra nhiều định nghĩa cho thuật ngữ này và cũng như nhiều lần tái định nghĩa chúng.

Những năm đầu tiên, ông cho rằng “burnout” có nghĩa là những nguy cơ thường trực trong một môi trường làm việc khó khăn của các chuyên gia hay các người làm công tác xã hội ở các phòng khám và nhà tình thương. Năm 1974, Herbert Freudenberger đã xuất bản cuốn sách "Burnout: The High Cost of High Achievement", một trong những tác phẩm quan trọng đầu tiên giúp định nghĩa thuật ngữ “burnout”.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1999, Herbert Freudenberger đã tái định nghĩa lại thuật ngữ “burnout” là tình trạng kiệt sức về thể chất và tinh thần, không còn đủ sức lực để cố gắng đạt được những mục tiêu trong tương lai.

Theo “The Happiness Project”, một trong những tác phẩm bán chạy nhất của New York Times, Gretchen Rubin cho rằng “burnout” là cảm giác choáng ngợp vì bị kiệt sức. 

Bên cạnh đó, “burnout” là kết quả khi một nhân sự gặp phải tình trạng căng thẳng một thời gian dài trong môi trường làm việc, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thông qua định nghĩa, có thể nhận thấy, nếu “burnout” diễn ra trong một khoảng thời gian dài, trạng thái tinh thần của chúng ta có thể đứng trên bờ vực “sụp đổ” và khó có thể kiểm soát, nghiêm trọng hơn, nó còn có thể gây ra trầm cảm, rối loạn lo âu, về lâu dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất. Dẫu vậy, “burnout” lại không quá khó khăn để khắc phục và vượt qua nếu chúng ta áp dụng những cách sau đây.

Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh

Theo số liệu thu được từ khảo sát Deloitte cung cấp cho thấy, có 77% nhân sự sự có kinh nghiệm và thâm niên thường xuyên cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và kiệt sức trong công việc. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể là khối lượng công việc lớn, gánh nặng tài chính, sự kỳ vọng của bố mẹ hay thậm chí là do không được công nhận thành tựu và sự cố gắng trong công việc.

Chính vì vậy, có thể nhận thấy sự ảnh hưởng từ môi trường làm việc là khá lớn. Để khắc phục tình trạng “burnout”, một trong những cách đầu tiên mà chúng ta có thể áp dụng là khắc phục và xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh.

Trước tiên, chúng ta cần chủ động trong việc cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi để đảm bảo có đủ thời gian chăm sóc bản thân mình, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí. 

Để cân bằng thời gian và sắp xếp thời gian là việc một cách hợp lý, việc lập kế hoạch làm việc là cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể áp dụng một số kỹ thuật như Pomodoro, làm việc trong 25 phút, sau đó nghỉ 5 phút, để đạt được hiệu quả công việc, hoàn thành chúng trong thời gian quy định.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải cởi mở và học cách giao tiếp với những đồng nghiệp xung quanh, việc tạo một môi trường thân thiện và vui vẻ sẽ giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn.

Hãy nói “không” khi cần

Sự kỳ vọng từ mọi người là một trong những áp lực vô hình khiến chúng ta thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức khi không biết cách từ chối.

Việc đồng ý và chấp nhận mọi yêu cầu của những người xung quanh khiến chúng ta tiêu tốn quá nhiều thời gian cho những việc không cần thiết, từ đó dẫn đến tình trạng không có đủ thời gian làm việc mà bản thân mong muốn.

Tuy nhiên, nhìn chung, việc nói “không” khi cần thiết lại thực sự khó khăn để thực hiện. Chính vì vậy, chúng ta cần học hỏi, luyện tập và thực hành nó khi cần thiết. Để làm được điều này, trước tiên, bản thân mỗi người cần biết giới hạn của mình là ở đâu, từ đó, học cách từ chối những việc nằm ngoài tầm với của bản thân.

Khi làm được điều này, chúng ta có thể kiểm soát tốt thời gian để đầu tư cho những việc quan trọng, đời sống cá nhân, gia đình và bạn bè.

Cho phép bản thân làm điều mình thích

Cho phép bản thân làm điều mình thích là một trong những cách chúng ta chiều chuộng bản thân mình. Có thể nói, đây là một trong những việc hữu ích giúp chúng ta duy trình năng lượng sau một ngày dài làm việc mệt mỏi và căng thẳng.

Trong cuộc sống hiện đại, đa số mọi người thường xuyên gặp phải tình trạng căng thẳng và gánh vác nhiều gánh nặng. Cùng với khối lượng công việc “đồ sộ”, chúng ta bị kéo vào guồng quay công việc mà chẳng thể thoát ra, từ đó, quên mất bản thân mình cũng cần được nghỉ ngơi và “sạc” lại năng lượng.

Ai trong chúng ta đều ý thức rằng bản thân mình cần cố gắng phấn đấu vì công việc, tuy nhiên, sau những khoảng thời gian bận rộn, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi và làm những việc mình thích.

Việc dành thời gian làm những việc mình thích giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn, khai phá bản thân ở những lĩnh vực mới, từ đó, tăng khả năng tư duy, sáng tạo, ngay khi bắt đầu quay trở lại “đường đua”, công việc sẽ được hoàn thành ngày càng hiệu suất hơn.

Nếu một ngày không đủ, hay mạnh dạn kéo dài khoảng thời gian này, bởi lẽ, sức khỏe luôn là một trong những yếu tố quan trọng mà chúng ta cần đảm bảo.

Rèn luyện sức khỏe thể chất

Sức khỏe thể chất là một trong những yếu tố cần thiết mà mỗi người cần đầu tư để có thể phấn đấu theo đuổi mục tiêu mà bản thân đề ra. 

Việc tập thể dục và chơi thể thao còn giúp giảm mệt mỏi. Bởi lẽ, trong quá trình này, cơ thể sẽ tiết ra nhiều endorphin, các chất dẫn xuất từ não tạo cảm giác thoải mái, vui vè và làm giảm căng thẳng kéo dài.

Bên cạnh đó, việc luyện tập thường xuyên còn giúp mỗi cá nhân rèn luyện sự chống chịu, ngay cả khi trong tình trạng burnout, căng thẳng kéo dài, chúng ta cũng có thể duy trì sự kiên nhẫn để đối mặt và vượt qua nó.