VĂN HÓA

Những làng nghề truyền thống Việt rộn ràng mùa Tết

Cẩm Chi • 12-01-2023 • Lượt xem: 1403
Những làng nghề truyền thống Việt rộn ràng mùa Tết

Dịp Tết cận kề, những làng nghề truyền thống lại tất bật chuẩn bị những sản phẩm phục vụ Tết, tạo nên màu sắc đậm đà bản sắc dân tộc, và giúp hương vị truyền thống thêm phần ý nghĩa.

Làng nghề bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết khắp 3 miền. Nhiều nơi ở Việt Nam giữ gìn được làng nghề truyền thống như bánh chưng Tranh Khúc (Hà Nội), Bờ Đậu (Thái Nguyên), Hùng Lô (Phú Thọ), Vĩnh Hòa (Nghệ An), bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), Phước Hòa (Kiên Giang)…

Nghề gói bánh ở những nơi đây đã có từ lâu đời, cha truyền con nối, tạo nên thương hiệu đặc trưng. Trong khoảng 10 ngày cận Tết (20-30 Tết), nhà nào cũng làm việc luôn tay, luôn chân để hoàn thành nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi. Trung bình tại các khu vực này, người dân gói 1.000-2.000 chiếc bánh mỗi ngày.

Các làng nghề tất bật gói bánh chưng bánh tét ngày Tết 

Những chiếc bánh ngon nức tiếng được tạo nên bởi sự tỉ mỉ, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, kỹ thuật gói, nấu bánh và cái tâm của những người làm nghề. Hàng trăm tấn gạo nếp thơm ngon được bà con nhập về từ Lào, Thái Lan. Đặc biệt, bánh chưng Bờ Đậu dùng nếp nương đặc sản vùng Định Hoá. Lá dong rừng nên có mùi thơm đặc trưng của vùng núi rừng. Nước luộc bánh được lấy từ suối trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu để tạo ra hương vị độc đáo của bánh chưng.

Ở miền Nam, bánh tét thơm ngon của làng Trà Cuôn (Trà Vinh) hay Phước Hòa (Kiên Giang) nổi tiếng bởi hương vị đặc trưng. Nếp sáp được vo 6-7 lần rồi để ráo nước, trộn với nước rau ngót để tạo màu xanh tự nhiên và mùi thơm đặc trưng. Nhân bánh được làm từ thịt nạc, thịt mỡ, đậu xanh loại ngon và lòng đỏ trứng vịt muối, tạo hương vị độc đáo. Ngoài nhân đậu xanh, thịt còn có thêm loại bánh có nhân chuối và còn được gia giảm thêm nước cốt dừa cho bánh có thêm độ béo, ngậy.

Làng nghề bánh mứt

Bánh kẹo, mứt là những món quà vặt không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Tại Hà Nội, làng nghề Xuân Đỉnh thuộc Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được nhiều người biết đến với truyền thống sản xuất kẹo mứt từ bao đời nay. Điều đặc biệt ở đây chỉ làm mứt kẹo vào khoảng tháng 1 dương lịch, gần sát Tết cổ truyền. Các sản phẩm chủ yếu của làng nghề là những loại mứt truyền thống như: mứt bí, mứt dừa, mứt gừng,... hay mứt trái cây như: quất, cà chua, lê, sầu riêng,...  Bao bì đơn giản, quá trình sản xuất hầu như được làm thủ công nên có vị đặc trưng rất riêng so với nhiều loại mứt công nghiệp trên thị trường.

Những hộp mứt Xuân Đỉnh làm nên đặc trưng ngày Tết cho nhiều gia đình

Nhắc đến bánh in (bánh ngũ sắc) trưng bàn thờ ngày tết, không thể không nhắc tới làng nghề Kim Long nằm bên bờ sông Hương (Huế). Thứ bánh truyền thống đặc trưng gói bằng giấy bóng có năm màu gồm hồng, xanh, vàng, cam, đỏ. Hiện nay, khoảng chục hộ còn theo nghề vì công việc vất vả, một hộ trung bình một ngày làm ra khoảng năm - sáu nghìn chiếc bánh. Nhiều năm về trước, họ giã đậu xanh bằng tay. Bây giờ, dùng máy móc rang, xay, giã bột, còn việc in, gói bánh vẫn làm bằng tay.

Người dân trộn bột chuẩn bị làm bánh ngũ sắc ở Huế

Làng bánh pía Vũng Thơm nổi tiếng tỉnh Sóc Trăng với nguyên liệu được tuyển chọn kỹ lưỡng cùng kỹ thuật tạo ra chiếc bánh giòn, dai, ngọt, béo, thơm hấp dẫn, lớp vỏ bánh mềm và dẻo, ôm lấy phần nhân ngọt lịm ở bên trong. Nhân bánh pía Vũng Thơm là sầu riêng miền Tây hảo hạng được chế biến tỉ mỉ và không có phụ liệu. Ngoài ra, bánh pía còn có nhân hảo hạng như đậu xanh, khoai môn, thơm, dứa…

Làng hoa, cây cảnh

Chơi hoa, cây cảnh là thú chơi tao nhã của người Việt Nam trong Tết cổ truyền. Những chậu cúc, đào, mai và các loại hoa rực rỡ khoe hương sắc tô điểm cho mùa xuân về và hi vọng vào một năm mới an khang thịnh vượng.

Nhắc đến những làng nghề nổi tiếng là vựa hoa cây lớn nhất miền Bắc phải kể đến: Nhật Tân, Quảng Bá, Tây Tựu (Hà Nội). Các loại hoa chủ yếu phục vụ Tết gồm: đào, đồng tiền, cúc, thược dược, huệ, hồng, cây quất…. Hàng năm, các làng này được người dân đưa ra thị trường hàng chục tấn hoa chất lượng. Hoa được trồng quanh năm, nhưng để phục vụ hoa cho thị trường Tết, có những loài hoa được trồng từ tháng 9, và được người dân chăm sóc rất cẩn thận.

Người dân chăm sóc kỹ lưỡng để có những cành hoa đẹp nhất tới tay khách hàng

Tại miền Nam, Tân Quy Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp) là một làng hoa đẹp và lớn nhất Miền Tây với khá nhiều những loài hoa xinh đẹp, đủ màu sắc như hoa hồng, hoa cúc, hoa mai, hướng dương, lan hồ điệp…Du khách còn được trải nghiệm không khí sôi động của những người nông dân chuẩn bị cho mùa hoa tết, sẽ được những nghệ nhân chỉ cách chăm sóc và bón phân để hoa ra đẹp và đúng thời điểm. Với những du khách nào đam mê chụp ảnh thì làng nghề còn là một trong những “phim trường” chụp ảnh đẹp lãng mạn nổi tiếng.

Xuân về rực rỡ trên cánh đồng hoa ở miền Tây

Làng nghề làm hương, tranh dân gian

Làng hương Yên Phụ (Hà Nội), Cao Thôn (Hưng Yên), hương trầm Quỳ Châu (Nghệ An), Thủy Xuân (Huế) với lịch sử làm hương hàng trăm năm,

Với nguyên liệu thảo mộc, bí quyết pha trộn riêng biệt, hương nổi tiếng thơm lâu, bền màu và đẹp mắt. Bột hương là tập hợp của nhiều loại thảo mộc và các vị thuốc Bắc: tùng bạch chỉ, trắc bách diệp, trầm, hồi, quế, cam thảo… Theo các nghệ nhân lành nghề, để làm được loại bột hương nguyên chất, họ phải cân bằng tỉ lệ giữa các loại thảo mộc như thày lang bốc thuốc, có như vậy, nén hương mới đạt chất lượng như Ý, mang tới mùi thơm nức mũi, mang đến cảm giác thư thái, tĩnh tại.

Nghề làm hương cổ truyền phục vụ gia đình Việt, cơ sở thờ tự và xuất khẩu

Trong đó, hương trầm Quỳ Châu chuyên dùng cho ngày Tết được làm rất tỉ mỉ trong mọi công đoạn. Người ta xe hương bằng giấy bản nhiều kích cỡ (trong đó loại đặc biệt dài 1m, còn loại thông thường là 50cm) để hương cháy đượm, thơm dịu, khói mỏng và tàn hương cong tròn tuyệt đẹp. 

Tranh là món đồ Tết được nhiều người quan tâm, mua để treo trong nhà, bởi màu sắc tươi mới, sinh động. Nhờ đó, mà các làng tranh như Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Sình (Huế) có lịch sử hàng thế kỷ cứ đến Tết lại nhộn nhịp hoạt động in, vẽ tranh. Những bức tranh được thực hiện trên các chất liệu thiên nhiên gần gũi, tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường về phong cảnh làng quê, các loài vật, qua đó gửi gắm những tâm tình, ước mơ về cuộc sống no ấm, tươi vui.

Hiện có rất ít nghệ nhân còn giữ được nghề làm tranh truyền thống 

Màu sắc tươi tắn, sống động, đường nét và bố cục tự nhiên đã làm nên nét đẹp rất riêng cho dòng tranh dân gian đất cố đô. Các nghệ nhân trải qua nhiều công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, điểm nhãn. Để bức tranh đẹp, bền màu, người dân làng Sình thường quét điệp lên giấy dó. Vỏ điệp được nhập từ phá Tam Giang, được giã, nghiền nhỏ, trộn với bột gạo thành một lớp mịn quét đều lên giấy. Tranh làng Sình được chia làm 3 dòng chính: Tranh nhân vật, đồ vật và súc vật, phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của người Việt. Tranh thờ cúng thường được dùng vào lễ cúng ông Táo, Giao thừa, tổ tiên theo tín ngưỡng của người Việt. Các gia đình cúng tranh để cầu cho người yên, vật thịnh, may mắn, sức khỏe…