ĐỜI SỐNG

Những loại mứt Tết cực dễ làm tại nhà

Anh Thư • 20-12-2022 • Lượt xem: 812
Những loại mứt Tết cực dễ làm tại nhà

Một khay mứt trong nhà mỗi dịp Tết đến xuân về đã trở thành nét văn hóa của hầu hết gia đình Việt. Mỗi loại mứt trong khay mang một mùi vị, một màu sắc và ý nghĩa khác nhau. Mứt cũng thể hiện văn hóa vùng miền hoặc sở thích, khẩu vị của gia chủ. Vì vậy, những loại mứt Tết dễ làm luôn là mục tiêu tìm kiếm của hội chị em để trổ tài khi cuối năm về.
 

Mứt dừa

Xuất hiện nhiều nhất trong khay mứt Tết của mỗi gia đình chắc hẳn không thể thiếu mứt dừa. Đây là loại mứt rất được ưa chuộng bởi độ ngọt vừa phải, beo béo bùi bùi và sự đa dạng màu sắc. Mứt dừa mang ý nghĩa sum vầy hạnh phúc trong gia đình. Cách làm ra một mẻ mứt dừa cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần dành một chút thời gian để cho ra lò một phần mứt dừa thơm ngon, đảm bảo vệ sinh.

Nguyên liệu chế biến mứt dừa bao gồm:
-  Cùi dừa
-  Đường cát trắng 
-  Sữa đặc
- Các gia vị thông thường và dụng cụ để nạo dừa. 
Cách làm:
- Dừa sau khi mua về, bạn tách vỏ và chỉ dùng phần thịt. Bước này sẽ cần một chút kỹ thuật vì vỏ dừa khá cứng, bạn có thể nhờ người bán tách sẵn.
-  Dùng dụng cụ nạo dừa để nạo phần thịt dừa thành từng sợi mỏng và dài. Bạn cũng có thể sử dụng dừa bào sợi bán sẵn.
-  Mang sợi dừa ngâm với nước sạch khoảng 2 – 3 tiếng để dừa ra bớt dầu. Sau đó vớt dừa ra rửa sạch thật kỹ và để ráo nước.
-  Kế tiếp, bạn cho phần dừa đã ráo nước vào ngâm với đường theo tỉ  lệ 1 kg dừa bào sợi sẽ ngâm với khoảng 500 – 600 gam đường. Cho vào một ít sữa đặc để tăng độ ngọt và béo. Bạn có thể gia giảm phần đường và sữa đặc tùy theo khẩu vị gia đình.
-  Bạn ngâm dừa trong khoảng 2 - 4 tiếng cho đường tan hết và phần dừa chuyển sang trong, không còn trắng đục như ban đầu là được. Ở bước này, nếu muốn mứt dừa có nhiều màu sắc, bạn có thể thêm màu tự nhiên từ lá dứa, củ dền,… và tiếp tục ngâm đến khi dừa lên màu đẹp.
-  Bạn bắc chảo lên bếp, cho toàn bộ phần dừa và nước đường vào sên với lửa vừa để phần mứt dừa ráo dần.
-  Khi quan sát thấy phần nước đường đã cạn, để lửa nhỏ cho phần mứt không bị vàng. Dùng đũa đảo đều tay liên tục để mứt không bị cháy cho đến khi thấy sợi dừa tách rời nhau, phần đường đã bám đều lên sợi dừa thì tắt bếp, để nguội và bảo quản nơi thoáng mát khoảng một ngày là dùng được. Nên cho vào hũ bảo quản để mứt giữ trọn vị thơm ngon.

mứt dừa

Mứt quất

Mứt quất hay còn được gọi là mứt tắc, đây là loại mứt đặc sản của vùng đất Hội An với sự kết hợp tuyệt vời của vị chua chua, ngòn ngọt cùng hương thơm quất đặc trưng. Trông thấy những quả mứt quất màu cam sặc sỡ căng phồng thơm ngào ngạt như thấy mùa xuân đã đến rất gần rồi.
Để bắt tay vào chế biến món mứt quất, cần chuẩn bị:
-  Quả quất chín
-  Đường vàng, có thể thay bằng đường cát trắng
-  Khoảng một thìa cà phê vôi bột
-  Nước lọc và muối ăn.
Cách làm:
- Đầu tiên, rửa sạch phần quất và ngâm với nước muối khoảng 30 phút, sau đó lấy ra rửa lại với nước sạch một lần nữa rồi để yên cho ráo.
- Tiếp theo, bạn cho phần vôi bột đã chuẩn bị vào một cái bát, đổ thêm vào khoảng 1 lít nước rồi khuấy đều để vôi lóng cặn và chắt lấy phần nước.
-  Bạn tiếp tục dùng một con dao nhỏ khứa những đường dọc theo muối quả quất để tạo ra những khe nhỏ. Ấn quả quất, tạo hình giống như chiếc lồng đèn để loại bỏ bớt phần nước và hạt quất.
- Tiếp tục cho phần quất này vào nước vôi ngâm khoảng 6 tiếng rồi vớt ra rửa thật sạch và để ráo.
-  Sau đó, bạn cho quất và đường vào một tô lớn để trộn đều ngâm cho thấm.
-  Sau khi ngâm khoảng 2 – 3 tiếng, bạn cho hỗn hợp này vào chảo sên đến khi sôi thì vặn nhỏ lửa, đảo đều tay cho mứt quất có màu trong và phần hỗn hợp đã khô lại thì tắt bếp.
- Bạn có thể mang mứt quất ra phơi nắng để mứt được dẻo hơn, không bị dính tay. Phần mứt nên được bảo quản trong lọ thủy tinh và nhiệt độ thoáng mát.

mứt quất

Mứt vỏ bưởi

Mứt vỏ bưởi là một cái tên còn khá mới trên thị trường mứt Tết, tuy nhiên đã chiếm được cảm tình của nhiều thực khách khó tính bởi sự ngọt bùi lạ miệng. Cách làm mứt vỏ bưởi cũng rất đơn giản, lại có thể bảo quản được lâu nên bạn có thể trổ tài để gia đình dùng dần.
Nguyên liệu rất đơn giản:
- vỏ bưởi
-  Một ít đường trắng
-  Một bát nước vôi trong
-  Một ít muối ăn và nước lọc.
Cách làm:
-  Để sơ chế phần vỏ bưởi, bạn rửa sạch, loại bỏ các phần sơ màu trắng xung quanh rồi cắt thành từng sợi có chiều ngang khoảng 2 - 3 cm.
- Cho toàn bộ phần vỏ bưởi vào một tô lớn, trộn đều tay khoảng vài phút với muối cho vỏ bưởi được mềm rồi rửa lại thật sạch với nước. Trong lúc rửa, cần vắt sạch phần tinh dầu có trong vỏ bưởi để thành phẩm mứt không bị đắng.
-  Phần vỏ bưởi sau khi đã rửa sạch tinh dầu, mang đi ngâm với nước vôi trong khoảng 4 - 5 tiếng.
- Sau đó, cho một nồi nước lên bếp, cho thêm vào một ít muối rồi luộc phần vỏ bưởi đã ngâm khoảng 3 - 5 phút. Vớt ra, thay nước mới và lại tiếp tục luộc thêm 2 - 3 lần để đảm bảo vỏ bưởi hết đắng.
-  Cho phần vỏ bưởi vào ngâm với đường khoảng 4 - 5 tiếng. Cuối cùng, bạn cho phần hỗn hợp này lên chảo, sên đến khi sôi thì hạ lửa. Tiếp tục đảo đều tay đến khi phần nước đường cạn và đường bám đều trên phần mứt là hoàn thành.
-  Chờ mứt nguội hẳn rồi cho vào hũ thủy tinh dùng dần.
Nhiều chị em than phiền rằng mứt vỏ bưởi có vị đắng chát rất khó ăn, nhưng bạn thấy đấy, chỉ cần một chút kiên nhẫn nhất định sẽ cho ra một mẻ mứt vỏ bưởi thơm ngon, ngọt bùi không chê vào đâu được.

mứt vỏ bưởi

Một đĩa bánh mứt trong ngày Tết đã trở thành nét văn hóa ẩm thực của dân tộc. Mứt Tết không đơn thuần chỉ là những món ăn chơi, mà ấp ủ bên trong còn thể hiện sự đủ đầy, là lời cầu mong một năm viên mãn, ngọt ngào. Chính vì vậy, bên cạnh bánh chưng, dưa hấu đỏ hay chậu hoa mai vàng, một khay mứt Tết cũng là một trong những điều không thể thiếu để mùa xuân thêm  thi vị, tạo nên một vẻ đẹp riêng của ngày Tết Việt Nam.