Không còn trình diễn bó buộc trên sàn runway truyền thống, giờ đây nhiều sàn diễn thời trang để lại dấu ấn đậm nét khi được lấy cảm hứng từ các danh thắng nổi tiếng hay cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ như cánh đồng lúa, sa mạc, núi tuyết…
Lịch sử sàn runway
Sàn runway, hay gọi là sàn diễn thời trang (sàn catwalk) là một đường băng hẹp, với thiết kế chéo hoặc hình chữ Y là phần phân biệt giữa mặt sân khấu và hai bên khán giả theo dõi, được các người mẫu sử dụng để trình diễn trang phục và các phụ kiện trong suốt một buổi trình diễn thời trang.
Thập niên 1860, một nhà thiết kế ở Paris (Pháp) – ông Charles Frederick Worth, người được mệnh danh là “cha đẻ của thời trang cao cấp haute-couture” – đã lần đầu tiên giới thiệu ý tưởng về một show diễn thời trang, được trình diễn bởi những người mẫu sống động tại khu tổ hợp thể thao Longchamp Racecourse (Paris).
Đầu thế kỷ 20 là thời điểm xuất hiện khái niệm “diễu hành thời trang”. Ở London (Anh), nhà thiết kế nổi danh khi ấy – quý bà Duff Gordon thường giới thiệu những bộ sưu tập của mình tại salon riêng, nằm trên con phố Hannover thuộc khu trung tâm London. Ở Pháp, nhà thiết kế bắt đầu tổ chức những “dạ hội váy áo” để các khách hàng nữ có thể tới thử đồ và tham dự những buổi tiệc trà, dạ hội vui vẻ tổ chức ngay tại salon, tranh thủ giao lưu cùng với các “chị em thượng lưu” khác cũng đang sắm đồ.
Thời ấy, khi khái niệm “sàn catwalk” còn chưa xuất hiện, điểm nhấn của show chỉ là để bán được thiết kế cho khách dự, nhà mốt lúc này chưa đề cao việc tạo dựng hình ảnh, gây dựng thương hiệu. Nhiếp ảnh gia cũng không được mời tới dự. Nhưng đến năm 1947, nhà thiết kế người Pháp Christian Dior là nhà tạo mốt lớn đầu tiên chủ động mời nhiếp ảnh gia tới dự, để họ thoải mái chụp hình trong show nhằm giới thiệu bộ sưu tập một cách rộng rãi hơn. Từ đây, khái niệm show diễn thời trang hoàn toàn đổi khác, từ trong vòng bí mật đã bước ra trước ánh sáng đến đèn flash máy ảnh.
Quảng bá di sản thế giới
Năm 2007, nhà mốt nước Ý - Fendi đã làm được điều tưởng như không thể khi đã trình diễn BST Thu Đông tại Vạn Lý Trường Thành. Giữa không gian thiên nhiên hùng vĩ mang theo nó cả ngàn năm lịch sử, khán giả được hoà mình vào không khí thời trang nghệ thuật kịch tính, vừa hiện đại, vừa huyền bí, lại phảng phất yếu tố tâm linh. Ekip đã lựa chọn đoạn đường thích hợp nhất tại Vạn Lý Trường Thành để thuận tiện cho việc setup hai hàng ghế ngồi được kê dọc hai bên sàn diễn, đèn được thắp sáng toàn bộ sân khấu cũng như ba mặt đoạn thành.
Tại show diễn Jacquemus Thu/Đông 2014, thương hiệu nước Pháp đã biến cung điện Versailles thành sàn runway ra mắt bộ sưu tập. Sàn catwalk của các người mẫu chính là phần thảm đỏ trải theo dọc bờ sông, trong khi khách mời tham dự sẽ có trải nghiệm đặc biệt khi ngồi tại các thuyền nhỏ xem show từ bên dưới, cách bố trí thú vị này đã tạo nên màn trình diễn thời trang ấn tượng và kỳ thú cho người xem.
Nhằm tôn vinh nền văn hóa của những đế chế thời cổ đại, ngoài những gì mà thiết kế mang lại thì sàn catwalk cũng là một yếu tố góp phần tạo nên phút giây kỳ vĩ này. Sàn catwalk của Dolce&Gabbana Alta Moda 2019 chính là đền thờ Hy Lạp cổ đại Concordia, một trong những đền thờ cổ còn nguyên vẹn nhất tại Sicily, ở thành phố Agrigento. Vì một địa danh quan trọng với Ý nên nhà mốt cũng phải mất 2 năm để xin giấy phép thực hiện show diễn tại đây, và cũng phải đảm bảo giữ sự nguyên vẹn cho đền thờ.
Tại Việt Nam, các NTK Đỗ Mạnh Cường, Vũ Ngọc&Son, Long Kan được xem là có nhiều dấu ấn khi lựa chọn các địa điểm du lịch độc đáo cho show diễn của mình như dãy núi Trường Sơn, Đại Nội – Huế, catwalk giữa cánh đồng lúa, trên nước tại phố cổ Hội An, cầu Vàng (Đà Nẵng), đảo bàn chân (Vịnh Hạ Long), đảo ngọc Phú Quốc, ga tàu lửa leo núi Mường Hoa (Sa Pa).
Thời trang hòa với thiên nhiên
Không chỉ những danh thắng, những cây cầu, đồng lúa, bãi biển, sa mạc…được các nhà thiết kế “khai phá” thành sàn diễn độc đáo, góp phần quảng bá du lịch đến với đông đảo giới mộ điệu qua thời trang.
Nổi bật nhất phải kể đến BST 2021 của Anthony Vaccarello, Giám đốc Sáng tạo của Saint Laurent tại khung cảnh mênh mông cát sa mạc Sahara; hay show của Pierre Cardin tại Con đường tơ lụa huyền thoại, sa mạc Gobi gần Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Thay vì giẫm gót xuống sàn runway bóng bẩy, các người mẫu trực tiếp đi catwalk trong ánh nắng, cát vàng và gió. Hình ảnh những người mẫu catwalk trên những đồi cát đẹp như tranh vẽ không chỉ tạo ấn tượng mạnh mẽ tới thị giác mà còn phần nào gợi tới cho người xem cảm giác như đang được sống lại những ký ức về thời hoàng kim.
Với BST Thu Đông, NTK còn thử thách dàn mẫu cũng như giới mộ điệu với sàn runway khốc liệt – những phiến đá núi lửa bốc hơi nước, bãi biển đầy sỏi, hay những sườn núi trải thảm địa y với thác nước chảy cuồn cuộn phía sau giữa khí trời lạnh và khung cảnh âm u. Ngoài ra, BST Mùa Thu Đông - của thương hiệu Miu Miu phải làm làng mốt thán phục với chuyến dã ngoại trên đỉnh núi băng, cao 3,343m. Đây còn là sự đối lập giữa thời trang đời thường và thời trang mạo hiểm, thể hiện sự nhỏ bé của con người trước sự kì vĩ của thiên nhiên, tuyết trắng của dãy Alps hùng vĩ dưới trời xanh.
Nhà thiết kế Pháp Simon Porte Jacquemus đã tận dụng cánh đồng lúa mì ở Công viên quốc gia Vexin (Pháp) làm sàn diễn cho bộ sưu tập thời trang xuân - hè 2021 mang tên L’Amour (Tình yêu). Sân khấu của bộ sưu tập L’Amour dài 600m được đội ngũ thiết kế "vạch" ra giữa cánh đồng lúa mì hửng vàng bằng những tấm ván nối lại với nhau, tạo thành một đường uốn lượn. Với mỗi mẫu thiết kế, nhà mốt Simon Porte Jacquemus có cách sáng tạo độc đáo, thể hiện sự hòa trộn giữa thời trang, con người và thiên nhiên Pháp.
Giới thời trang tin rằng việc dần rời xa sàn diễn truyền thống (trong không gian kín) đến với sàn diễn gần gũi thiên nhiên không chỉ là xu hướng mà còn mang yếu tố bền vững của thời trang. Tuy nhiên việc tổ chức show thời trang ở không gian mở khá tốn kém chi phí và còn phụ thuộc vào thời tiết. Vậy nên các nhà thiết kế chịu chi tổ chức show diễn gắn với quảng bá du lịch là điều đáng trân trọng.