VĂN HÓA

Những tòa nhà cổ còn lưu giữ kiến trúc Pháp tại Hà Nội

Quyên Hà • 11-12-2020 • Lượt xem: 1844
Những tòa nhà cổ còn lưu giữ kiến trúc Pháp tại Hà Nội

Dù đã trải qua nhiều thời kỳ và theo thời gian, Hà Nội vẫn lưu giữ được bản sắc và nét cổ kính của một thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nhưng không thể phủ nhận, qua nhiều thời kỳ lịch sử, kiến trúc phương Tây, đặc biệt là kiến trúc Pháp đã ảnh hưởng không nhỏ tới những công trình, tòa nhà cổ nơi đây.

Lang thang trên những con phố cổ ngang dọc của Hà Nội, giữa những hỗn loạn xô bồ của màu sắc, không khó để bắt gặp những tòa nhà có nét kiến trúc kiểu Pháp, vốn được xây dựng và giữ gìn từ thời Pháp thuộc.

Từ Nhà hát lớn cổ kính cho tới khu Phố cổ với những cánh cửa chớp và ban công xinh đẹp, sự pha trộn của văn hóa như làm tăng thêm vẻ đẹp độc đáo của thành phố thủ đô xinh đẹp.

Nhà hát lớn Hà Nội

Một trong những kiến trúc Pháp nổi bật nhất tại Phố Pháp chính là Nhà hát lớn Hà Nội. Với những cột trụ và mái vòm duyên dáng, Nhà hát lớn là một ví dụ tinh túy của kiến trúc bán cổ điển kiểu Pháp.

Khách du lịch có thể sẽ để ý công trình này có nét tương đồng với Nhà hát lớn Paris hay Palais Garnier.

Hai đồng thiết kế của Nhà hát lớn Hà Nội, Broyer và Harley cho biết, họ đã được truyền cảm hứng từ Nhà hát lớn Paris.

Và nguồn cảm hứng này đã được thể hiện không thể rõ ràng hơn qua điểm chung là vẻ đẹp vừa tinh tế nhưng không kém phần huy hoàng của cả hai công trình vĩ đại.

Nhà hát lớn Hà Nội được mở cửa vào năm 1911 và ban đầu là nơi dành cho các sĩ quan Pháp và một bộ phận nhỏ tư sản Việt lui tới giải trí.

Đây được xem là sân khấu của những buổi diễn nghệ thuật đậm chất Việt cũng như các sự kiện quan trọng. Nhờ vai trò lịch sử quan trọng đó, Nhà hát lớn Hà Nội đã và vẫn luôn là một trung tâm hội nghị quốc gia quan trọng cho các cuộc họp cũng như các buổi biểu diễn nghệ thuật.

Với du khách, đây sẽ là một điểm tham quan tuyệt vời để trải nghiệm sự pha trộn giữa ý nghĩa lịch sử và nét đẹp nghệ thuật trong một không gian kiến trúc bán cổ điển kiểu Pháp.

Cổng chính của Nhà hát chỉ dành riêng cho các chuyến tham quan và buổi biểu diễn riêng tư.

Mặc dù quang cảnh bên trong cực ấn tượng, chỉ ngắm nhìn kiến trúc bên ngoài của Nhà hát cũng xứng đáng để bạn bỏ thời gian tới thăm. 

Bên cạnh tòa nhà cũng có một khu vườn thanh bình, với vài chiếc bàn và đèn trang trí cùng ánh sáng vàng ấm áp như không gian cổ tích, cùng những ly cà phê sữa đá Việt Nam hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những buổi cà phê lãng mạn.

Nhà thờ lớn Hà Nội

Nhà thờ lớn còn có tên gọi khác là Nhà thờ công giáo Thánh Guise.

Đây là nhà thờ cổ nhất Hà Nội, được cho là một trong những công trình kiến trúc đầu tiên xây bởi người Pháp sau khi chinh phục Đông Dương.  

Với thiết kế Gô-tích, màu xám của công trình và thiết kế với hai tòa tháp chuông hùng vĩ được cho là phản ánh hình ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris.

Bạn sẽ nhận ngay ra sự tương đồng khi vừa nhìn thấy nó, mặc dù phiên bản Việt Nam nhỏ hơn và không có những bức tượng đá nổi tiếng của phiên bản Paris.

Nhà thờ lớn được xây dựng trên địa điểm của Chùa Bảo Thiên cũ. Nhà thờ được hoàn thành năm 1887, nhưng không đến một thế kỷ sau đã bị đóng cửa vào năm 1955.

Cho đến đêm giáng sinh năm 1990, sau 45 năm Nhà thờ lớn lần đầu tiên mở cửa chào đón người dân chúc mừng ngày lễ lớn nhất của Công giáo.

Đến nay, Nhà thờ lớn vẫn là nơi cầu nguyện của dân địa phương và tổ chức các buổi lễ lớn.

Kiến trúc của nhà thờ vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn, với những ô cửa kính đầy sắc màu và những mảng tường đá ấn tượng.

Dáng vẻ hoài cổ của nhà thờ khiến nó dường như hài hòa tuyệt đối với khung cảnh của những quán cà phê và những ngôi nhà bạc màu quanh đó.

Ngồi trầm ngâm trong những quán bar và cà phê hoài niệm khu phố cổ trong không gian ồn ã nhộn nhịp của khu Phố Cổ phía nam hồ Hoàn Kiếm sẽ cho bạn những cảm xúc lẫn lộn, là ví dụ tuyệt vời cho sự pha trộn văn hóa Pháp Việt vẫn bổ trợ lẫn nhau thật hài hòa trong lòng thủ đô hiện đại.

Văn phòng Chủ tịch nước

Đây là một công trình kiến trúc có thể coi là biểu tượng, với màu vàng và các ô cửa lá sách phong cách Pháp. Xây dựng từ năm 1906, đây từng là nơi ở của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương.

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi nước ta và Bác trở thành Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam, Người đã từ chối lời đề nghị sống trong tòa nhà xa hoa, nơi Toàn Quyền từng ở và ở một căn nhà khiêm tốn hơn xây trong khu vườn thanh bình bên cạnh tòa nhà này.

Mặc dù tòa nhà này vẫn được dùng cho các phòng ban chính phủ, khu vườn và ngôi nhà giản dị của Bác đã trở thành điểm tham quan cho du khách.

Cả hai công trình này đều đẹp, thanh bình và là nhân chứng sống cho lối sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Du khách đến thăm Lăng Chủ Tịch và Viện Bảo Tàng, cũng như Chùa Một Cột thường cũng sẽ thăm Văn phòng Chủ tịch nước và nơi Bác ở.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Có chút nét chấm phá của kiến trúc Pháp và Hoa kết hợp trong công trình kiến trúc này, đây là sự kết hợp khá hiếm hoi trong kiến trúc Việt.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mất đến 7 năm để xây dựng, dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Ernest Hebbard.

Nơi từng là Trường Pháp tại Đông Dương này giờ là bảo tàng lưu trữ với bộ sưu tập đa dạng các hiện vật từ năm 300 TCN đến các hiện vật thời kỳ cách mạng.  

Tràng Tiền Plaza

Nằm trên góc phố Hai Bà Trưng, ngay bên hồ Hoàn Kiếm là Tràng Tiền Plaza, một trong những trung tâm mua sắm đầu tiên và tiêu biểu nhất tại Việt Nam.

Được xây dựng vào năm 1901 và từng được biết đến dưới cái tên Cửa hiệu bách hóa Goddard, nơi này đã được xây dựng lại thành một trung tâm thương mại hàng xa xỉ vào năm 2013.

Tòa nhà với những khung cửa sổ cao này được truyền cảm hứng từ thiết kế kiểu Pháp duyên dáng, với sảnh cao rộng và những chi tiết thanh lịch như thanh vịn cầu thang với họa tiết phức tạp.

Trung tâm thương mại này có 6 tầng thiết kế ấn tượng với các cửa hàng, cà phê, nhà hàng để tận hưởng những giây phút nuông chiều bản thân trong khung cảnh hoài cổ của kiến trúc Pháp.

Theo Culture Trip