VĂN HÓA

Nơi lưu giữ vẻ đẹp Việt tại Bảo tàng áo dài Việt Nam

DDVN • 22-11-2019 • Lượt xem: 5811
Nơi lưu giữ vẻ đẹp Việt tại Bảo tàng áo dài Việt Nam

Sỹ Hoàng là tên tuổi của một Nhà thiết kế gắn liền với áo dài. Ở mỗi trang phục áo dài của anh đều ẩn chứa những câu chuyện văn hóa thú vị quanh hình ảnh tà áo quen thuộc với phụ nữ Việt. Không chỉ là một nghệ sĩ, một nhà thiết kế đam mê với việc tạo nên những BST áo dài độc đáo, tinh tế, Sỹ Hoàng còn dày công tạo lập Bảo tàng Áo dài Việt Nam.

Bảo tàng này được tạo nên với mong muốn gầy dựng, bảo tồn và phát huy vẻ đẹp cũng như văn hóa của tà áo dài - hình ảnh ra đời và gắn bó với hơn ba trăm năm qua.

Suốt hơn 10 năm, trên nền tảng của khu nhà vườn Long Thuận (phường Long Phước, quận 9, TP.HCM), Sỹ Hoàng đã cần mẫn từng chút một để tạo nên không gian cho áo dài này.

Người tham quan dễ dàng tìm được vị trí muốn đến khi nhìn vào bản đồ của bảo tàng ngay ở lối vào.

Tới đây, bạn có cảm giác như trở về Hội An, lại cũng có những khoảng không gian đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ với nhà vườn, sông nước. Những vùng đất tưởng như đang rất xa nay lại hóa gần.

Gọi là bảo tàng Áo dài quả không sai chút nào, vì nơi này có rất nhiều áo dài trưng bày, mãn nhãn người xem.

Ngoài ra nón lá cũng có một kiểu trưng bày độc đáo, bắt mắt.

Những chiếc gài, guốc từ xa xưa mà phụ nữ Việt Nam đi vào chân khi mặc áo dài cũng 'tề tựu' về đây.

Áo yếm cũng được trưng bày tại đây.

Ở đây là nơi lưu giữ các câu chuyện riêng thú vị quanh từng thân phận áo dài. Áo dài từ khi hình thành tới khi " "bôn ba" cùng những thay đổi của thời thế vẫn giữ được vẻ đẹp, hồn cốt riêng của mình.

Đây là chiếc áo dài cổ thuyền, năm 1958.

Áo dài mang ảnh Quốc kỳ của nhiều quốc gia trên thế giới.

NTK Sỹ Hoàng đã vẽ lên thân áo dài này, đánh dấu hội họa đưa vào trong thời trang. Tác phẩm năm 1989.

Áo dài Vương triều nhà Nguyễn ( thế kỷ XIX).

Khi vào khu chính của Bảo tàng,cả một không gian chìm đắm trong vẻ đẹp mềm mại, thướt tha, hoài cổ của áo dài. Đây quả là thế giới áo dài. 

Bảo tàng Áo dài ra đời từ ý tưởng và sự công phu sáng tạo của họa sỹ - nhà thiết kế Sỹ Hoàng suốt hơn 10 năm trên nền tảng của khu nhà vườn Long Thuận (phường Long Phước, quận 9, TP HCM).

Công trình khánh thành ngày 22/1/2014. Đây là bảo tàng thứ 12 tại TP.HCM và là 1 trong 2 bảo tàng tư nhân của TP.

Tới đây bạn sẽ được trải nghiệm quy trình tạo tác áo dài từ khâu thiết kế, cắt may, vẽ, thêu trên tà áo.

Đây cũng là nơi để bạn gặp lại áo dài tứ thân thế kỷ 17, áo dài năm thân thế kỷ 18, áo dài vương triều nhà Nguyễn thế kỷ 19…

Đây cũng là nơi diễn ra nhiều triển lãm, trưng bày các loại hình nghệ thuật có cảm hứng từ áo dài.

Nơi đây còn có những bộ sưu tập áo dài gắn bó với những người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng như: Nữ anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà Ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, NSND Trà Giang, NSND Bạch Tuyết…

Bảo tàng còn trưng bày khoảng 3.000 hình ảnh phụ nữ Việt trong trang phục áo dài truyền thống.

Không gì khác, nơi này là điểm đến gợi lên những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Và cũng là nơi để bạn bè quốc tế công nhận chiếc áo dài chính là hồn cốt, vẻ đẹp, quốc phục Việt Nam.

Năm 2008, tôi và nhà báo Nguyễn Thế Thanh lúc đó đang là Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM đã đến Bảo tàng Kimono ở Tokyo, Nhật Bản. Tại đây, trong Triển lãm ngàn năm Trung Quốc, ở tủ trang phục của họ, chúng tôi phát hiện ra một chiếc áo dài màu xanh ngọc, đi kèm guốc mộc và nón lá của Việt Nam nhưng lại được chú thích là “Trang phục hiện đại Trung Quốc”. Chúng tôi đã vô cùng tức giận về điều đó. Theo tôi, chúng ta có 54 dân tộc với trang phục truyền thống của nhiều dân tộc. Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó có dân tộc Kinh, vậy nên nếu họ có âm mưu khuyếch trương chiếc áo dài, nón lá của người Việt mình, biến nó thành của họ là trong tầm tay.

Thế nên, khi trở về nước, tôi luôn cảnh báo về điều này từ hơn 10 năm qua, luôn nhắc về câu chuyện này trong rất nhiều buổi nói chuyện về áo dài của tôi ở khắp các nơi nhưng có vẻ cảnh báo này không được chú ý đến. Và đến nay, dường như nó đã thành sự thật. Tôi luôn nhấn mạnh với các em trẻ, các em học sinh sinh viên rằng việc mặc áo dài không phải chỉ là đẹp hay xấu, mà nó còn là trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc. Mỗi người hãy xem lại trong tủ đồ của mình có chiếc áo dài chưa, bản thân mình đã từng mặc áo dài chưa.

Bản thân tôi sau phát hiện năm 2008, trở về nước cũng nhanh chóng có hành động, cố gắng thành lập Bảo tàng Áo dài một cách nhanh nhất, tất cả tên miền có tên bảo tàng áo dài tôi đều mua hết. Và tôi đã ra mắt được Bảo tàng áo dài của mình vào năm 2012.

(NTK Sỹ Hoàng)

NTK Sỹ Hoàng