VĂN HÓA

Nón lá Việt - Những nét chấm phá mới in đậm bản sắc quê hương

Lan Hương • 20-05-2022 • Lượt xem: 1510
Nón lá Việt - Những nét chấm phá mới in đậm bản sắc quê hương

Khi nhắc đến nón lá chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh thân thương, bình dị của những người mẹ tảo tần, người chị đảm đang hay những thiếu nữ thướt tha bên tà áo dài duyên dáng. Trải qua nhiều năm tháng, chiếc nón lá đã trở thành nét đẹp truyền thống và ngày càng được sáng tạo trên nhiều chất liệu mang đậm văn hóa Việt.

Bên cạnh những chiếc nón truyền thống, ngày nay các nghệ nhân đã khoác lên mình chiếc nón lá bằng lớp áo mới độc đáo hơn, ghi lại dấu ấn đặc biệt cho người dân bản xứ cũng như khách du lịch quốc tế.

Nón sen xứ Huế

“Ai ra xứ Huế mộng mơ, mua về chiếc nón bài thơ làm quà”. Nón bài thơ chắc hẳn quá đỗi quen thuộc khi chúng ta nhắc đến vùng đất bình yên này. Tuy nhiên, xứ Huế không chỉ có chiếc nón bài thơ, các nghệ nhân nơi đây còn thổi hồn vào lá và tạo nên những chiếc nón lá sen vô cùng đặc biệt.

Nón lá sen mang hơi thở mới mẻ, độc đáo, để lại ấn tượng thú vị trong lòng du khách bởi vẻ đẹp đậm chất cố đô. Sản phẩm được sáng tạo bởi anh Nguyễn Thanh Thảo, một người con gốc Huế với mong muốn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Để hoàn thành một chiếc nón lá sen cần trải qua rất nhiều công đoạn. Sau khi chọn được những chiếc lá sen tươi có độ già vừa tới, phải đem lá ủ với nước javen, sau đó phơi khô rồi đem đi chằm nón. Lớp lá sen là lớp ngoài cùng, đòi hỏi công đoạn cắt tỉa phải rất cẩn thận để giữ được những đường vân và sóng lá. Đặc biệt hơn cả, mỗi chiếc nón là một sản phẩm độc nhất, vì đường vân của mỗi chiếc lá sen không có lá nào giống nhau. Đây là điểm khá thú vị tạo sự thích thú cho mọi người.

Nón lá sen không những mang lại giá trị sử dụng, đây còn là sản phẩm đem đến giá trị nghệ thuật đặc sắc mang đậm chất Huế, một sản phẩm gần gũi với thiên nhiên. Cảm giác khó tả khi cầm trên tay những chiếc lá sen xanh mát, khi đội nón lá sen, cái nắng như thể sẽ dịu đi trước sắc xanh dịu dàng.

Nón lá bàng trong suốt tinh khôi

Cố đô Huế luôn đem đến cho đất nước những bàn tay tài hoa sắc sảo, trên hành trình tìm kiếm sự khác biệt và mới mẻ, người nghệ nhân luôn có những sáng tạo không ngừng. Bởi thế, từ những chiếc lá bàng tưởng chừng đã kết thúc cuộc đời khi rụng xuống, nay lại được hồi sinh thành những chiếc nón đẹp như tranh.

Không giống những chiếc nón thông thường, nón lá bàng dùng để che mưa không che được nắng. Nhưng điểm nổi bật ở chỗ chiếc nón được thiết kế trong suốt, chất liệu hoàn toàn từ xương của những chiếc lá bàng nghe quen mà lạ. Chủ nhân của chiếc nón có một không hai này là ông Võ Ngọc Hùng, một người con xứ Huế luôn nung nấu trong lòng niềm đam mê kiến tạo vẻ đẹp cho đời.

Nón xương lá bàng được làm hoàn toàn thủ công tất cả các công đoạn. Lá dùng làm nón được chọn phải là lá bàng rừng, độ dài từ đầu lá tới cuống lá cũng phải đạt tiêu chuẩn, các lá nhỏ quá sẽ không sử dụng được. Theo ông Hùng cho biết, ngọn lá bàng rừng sẽ to và dày hơn, phù hợp để tạo hình nón và không bị rách trong quá trình sử dụng. Mỗi chiếc nón sẽ cần khoảng 13 – 15 lá ghép lại thật tỉ mỉ và khéo léo, sao cho các đường nét của gân lá nổi bật mới thể hiện được hết vẻ đẹp của chiếc nón.

Hình ảnh chiếc nón lá bàng trong suốt, nhẹ nhàng tinh khôi như một nét chấm phá độc đáo giữa lòng cố đô đặc sắc, thể hiện niềm khao khát của người nghệ nhân luôn mong muốn chạm đến trái tim những người yêu Huế, yêu quê hương đất Việt.

Nón lá bồ đề bất tử

Với mong muốn giữ gìn nét truyền thống của nón lá, đồng thời trau chuốt và sáng tạo hơn cho những chiếc nón đơn sơ đậm chất quê hương mình, anh Kiều Cao Dũng đã thổi hồn cho những chiếc lá bồ đề với một sức sống mới, độc đáo và sáng tạo. Để rồi khi nhắc đến Hà Nội, người ta lại biết thêm một nét đẹp, đó chính là nón lá bồ đề bất tử.

Từ những chiếc lá bồ đề rụng đến khi trở thành một chiếc nón đẹp đẽ quả thật không hề đơn giản. Với mỗi công đoạn, đều cần sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, từ kỹ thuật tách xương lá, làm sao để lá bền bỉ như mong muốn đến quá trình chằm lá công phu của những người thợ lâu năm làm nghề là cả một quá trình.

Nón lá bồ đề có chín tầng lá, các tầng được xếp từ nhỏ đến lớn. Ở hai tầng trên cùng, các lá xếp theo hình xoáy ốc để nón cứng chắc và che mưa nắng tốt hơn. Ngoài ra, với cách nhuộm xương lá, chiếc nón lá bồ đề được các nghệ nhân tạo hình như những hoa sen nhiều màu rực rỡ. Với ý nghĩa mong muốn đem lại sự bình an, sự chở che dưới tán bồ đề nhưng ở một hình thái thực tế hơn. Chiếc nón lá bồ đề thực sự mang ý nghĩa cao đẹp và sẽ là biểu trưng cho đất nước, con người Việt Nam bình dị, thân thương.