VĂN HÓA

NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong

DDVN • 31-08-2021 • Lượt xem: 413
NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong

NSƯT Thanh Nguyệt có gương mặt hết sức phúc hậu. Và những vai diễn người mẹ của bà luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.

Một đêm khi đang diễn ở thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa), Thanh Nguyệt nghe tin mẹ mất, muốn ngất xỉu ngay trên sân khấu, nhưng cô phải gắng gượng tròn vai. Khi màn nhung khép lại cũng là lúc cô đào chính lật đật sửa soạn hành lý về lại quê nhà Bạc Liêu. Đường xa xôi vạn dặm, phải mất chín ngày đêm, Thanh Nguyệt mới về đến ngôi nhà có chiếc võng quen thuộc mà mẹ vẫn hay nằm, nhưng người không còn nữa…

“Mẹ về diễn cùng con, nghe mẹ!”

NSƯT Thanh Nguyệt có gương mặt hết sức phúc hậu. Và những vai diễn người mẹ của bà luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Lời ca nét diễn thanh thoát nhẹ nhàng, tự nhiên như không, vậy mà dễ dàng lấy nước mắt người xem.

Tạo hình người mẹ của NSƯT Thanh Nguyệt thường gợi nhớ đến hình dung chung về những người mẹ Việt Nam hiền lành, chịu thương chịu khó, hoặc có số phận đau khổ, vẫn hy sinh và bao dung hết mực vì chồng con. Có lẽ vậy mà mãi về sau này, khán giả một thời vẫn không thể quên dấu ấn Thanh Nguyệt với những vai diễn: bà mẹ mù trong vở cải lương Áo cưới trước cổng chùa, bà Cử trong Lan và Điệp, Thị Bình trong Lôi Vũ, bà Mai trong Lời ru của biển, bà Hai Hương trong Đời cô Lựu…


NSƯT Thanh Nguyệt thời trẻ - Ảnh: NVCC

NSƯT Thanh Nguyệt nói, mỗi lần đóng vai mẹ, bà đều nhớ đến người mẹ đã khuất của mình. “Cho đến khi qua đời, mẹ tôi vẫn chưa một lần được xem con gái diễn trên sân khấu. Đó là điều khiến tôi luôn day dứt. Cứ mỗi lần nhận vai, tôi thường khấn mẹ ở trên trời: “Mẹ hãy về diễn cùng con, nghe mẹ!”, để suốt chặng đường nghề, vẫn luôn được cảm thấy mẹ đang bên cạnh” - NSƯT Thanh Nguyệt tâm tình.

Ngày rời nhà đi theo đoàn hát, Thanh Nguyệt mới 16 tuổi, hành trang mang theo có vài bộ đồ là của mẹ may cho. Biết bao lần đoàn lưu diễn qua các tỉnh miền Tây lại chưa một lần dừng ở quê nhà. Có lần đoàn Trưng Vương về dựng rạp hát ở Diễn Trường (Mỹ Tho, Tiền Giang), Thanh Nguyệt bất ngờ thấy dáng mẹ từ xa, cô mừng đến bật khóc nức nở. Trên đường từ Bạc Liêu lên Sài Gòn thăm người con đầu, tình cờ thấy tấm biển quảng cáo đêm diễn có ghi tên Thanh Nguyệt, người mẹ già đi xe lôi vào thăm con. “Lúc đó tôi vẫn mặc áo bà ba, quần đen như những ngày còn ở quê. Mẹ tôi nói bà nhìn thích lắm, mong con gái cứ giản dị nếp quê như thế. Bà ở lại một hôm dự định xem tôi hát, nhưng chẳng may đêm đó đoàn lại không có suất diễn” - NSƯT Thanh Nguyệt bùi ngùi. 

Từ đó về sau, bà không có thêm dịp nào ghé đoàn hát thăm con gái nữa. 

Người mẹ già lặng lẽ qua đời trong đêm sau thời gian bệnh nặng. Thanh Nguyệt nhận tin khi đang diễn vở Người mẹ Việt Nam tại thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Đó là khoảng cuối năm 1963. “Khi về đến nhà, tôi cứ nghĩ cả nhà phải đang họp mặt đông đủ anh chị em và bà con lối xóm. Nào ngờ không khí lặng như tờ, bước vào nhà chỉ thấy bàn thờ mẹ nghi ngút khói hương. Gắng gượng đi ra mộ thì thấy anh tôi đang ngồi khắc tên lên mộ mẹ. Khoảnh khắc đó, tôi không thể nào quên được” - NSƯT Thanh Nguyệt nhớ lại. 

Tóc bà giờ cũng đã bạc, nhưng ký ức của ngày về mà không thể nhìn được mặt mẹ lần cuối mãi mãi in sâu trong tiềm thức bà. Yêu thương và nỗi đau nằm lại trong sâu thẳm đáy lòng, để đến khi hóa thân thành những người mẹ trên sân khấu, người nghệ sĩ ấy đã diễn như thể mẹ cũng đang trở về bên cạnh xem con gái diễn, khóc cười cùng con gái trên sân khấu. Có lẽ, nỗi đau và thương nhớ khôn nguôi ấy đã hòa cùng cảm xúc của các nhân vật, khiến cho những hóa thân người mẹ trên sân khấu của NSƯT Thanh Nguyệt, với lối diễn cứ nhẹ nhàng, giản dị mà luôn có sức nặng, đằm sâu. 


Những vai diễn người mẹ của NSƯT Thanh Nguyệt luôn tạo dấu ấn trong lòng khán giả - Ảnh: Tư liệu

Có tài, có tâm và tận sức 

Trong ngôi nhà nhỏ ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) của vợ chồng NSƯT Thanh Nguyệt - Quốc Nhĩ, ngoài những bức ảnh chụp các vai diễn, NSƯT Thanh Nguyệt còn cất giữ rất nhiều kỷ vật của một thời hào quang: những trâm cài, lược giắt của những vai diễn tỏa sáng một thời. Tên tuổi Thanh Nguyệt từ những năm 1990 đến về sau này, thường gắn liền với hình ảnh người mẹ buồn thương. Nhưng tuổi trẻ của cô đào năm xưa “lừng lẫy” đến mức mà khi nghe kể lại, có thể hình dung một thời hồng nhan tài sắc đẹp như một ánh trăng trong.

Trước năm 1975, bà hát ở nhiều đoàn: Hoa Sen, Kim Chưởng, Kim Chung, Thái Dương, Tiếng Hát Dân Tộc… đảm nhận vai chính trong những vở cải lương kinh điển: Đường Minh Hoàng - Dương Quý Phi, Thiên hạ đệ nhất kiếm, Song long thần chưởng, Nhà sư và tướng cướp, Mạnh Lệ Quân, Con gái nữ thần… Năm 1965, Thanh Nguyệt được trao huy chương vàng giải Thanh Tâm (giải thưởng năm trước đó thuộc về hai nghệ sĩ Thanh Sang và Lệ Thủy). Sau năm 1975, bà tiếp tục đi đoàn Tiếng Hát Dân Tộc của ông bầu Năm Cư, đoàn này quy tụ toàn những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng: Thanh Nga, Hương Lan, Út Bạch Lan, Hùng Cường, Hùng Minh, Thành Được… sau đó là các đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, đoàn 2-84, Trần Hữu Trang…

Trong vở Chuyện tình An Lộc Sơn, nghệ sĩ Thanh Nga đóng vai Dương Quý Phi, nghệ sĩ Hùng Cường vai An Lộc Sơn, thì Thanh Nguyệt đảm nhận vai Ngô Phi. Khi về đầu quân cho đoàn cải lương 2-84, Thanh Nguyệt cùng với NSƯT Thanh Vy khi ấy thay phiên nhau đảm nhận vai chính trong các vở: Thái hậu Dương Vân Nga, Hòn đảo thần vệ nữ… “Có lần đi lưu diễn miền Trung, đoàn diễn ngày hai suất vở Thái hậu Dương Vân Nga, cứ thế mà 17 ngày đêm ròng rã. Được khán giả yêu thích, anh em nghệ sĩ say mê phục vụ, không ai biết mệt là gì” - NSƯT Thanh Nguyệt nhớ lại.


NSƯT Thanh Nguyệt và chồng – nghệ sĩ Quốc Nhĩ (nguồn ảnh: cailuongvietnam)

Dù có không ít lần quá mệt, ngất xỉu phải đi cấp cứu trong đêm, nhưng người nghệ sĩ ấy đã mang lời ca tiếng hát của mình rong ruổi trên khắp nẻo đường lưu diễn từ miền Nam ra miền Trung, đến Hà Nội và cả Thái Nguyên, Quảng Ninh bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đâu đâu cô đào Thanh Nguyệt cũng nhận được sự yêu thích mến mộ của đông đảo khán giả. Năm 1990, Thanh Nguyệt được trao huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990 với vai bà Mai trong vở Lời ru của biển.

Một thời hào quang của Thanh Nguyệt mà cũng là một thời vàng son của sân khấu cải lương. Mấy mươi năm sau nhắc lại, nhiều tên tuổi của ngày xưa đã mất. NSƯT Thanh Nguyệt nói, cả đời bà nhìn lại, chỉ thấy những duyên may và yêu thương mà Tổ nghiệp dành cho.

Tuổi xế chiều bình yên

Ngày người viết trò chuyện, là lúc hai vợ chồng NSƯT Thanh Nguyệt - Quốc Nhĩ vừa tiêm vắc-xin về. Ông bà gặp nhau khi cùng diễn vở Tiếng trống Mê Linh mấy mươi năm trước. Hai vợ chồng nghệ sĩ còn đóng cùng nhau vở Trắng hoa mai (Thanh Nguyệt vai hoàng hậu, Quốc Nhĩ vai ông tiên). Giờ ông là người “kết nối công nghệ” giúp bà. “Cô chú đơn giản lắm con ạ, cuộc sống cũng bình thường, san sẻ lo lắng cho nhau” - NSƯT Thanh Nguyệt nói vậy. Nhưng sự quan tâm tận tụy mà ông dành cho bà, chính là những đêm khuya lắc lơ xách xe đến phim trường đón bà về. Và sự lo lắng bà dành cho ông là cân nhắc sức khỏe của chồng trước khi nhận bất kỳ vai diễn nào trên màn ảnh. Tuổi xế chiều bình yên và hạnh phúc của hai người già, có lẽ cũng là quả ngọt của đời nghệ sĩ.

Ngày xưa, con nhà nghèo không một phút giây nào tơ tưởng đến việc sẽ trở thành nghệ sĩ, vậy mà rồi giọng ca của cô gái nhỏ từ Thánh thất Cao đài Bạc Liêu đã “lọt vào mắt xanh” của một người trong đoàn hát. Cô được giới thiệu đến ông bầu Bảy Cao của đoàn cải lương Hoa Sen. Rồi sau đó có duyên với bà bầu Kim Chưởng và gặp nghệ sĩ Tuyết Mai - hai người đàn chị mà NSƯT Thanh Nguyệt nói họ đã “đem hết nhiệt tình để đào tạo” cho cô đào trẻ. “Tôi luôn nhớ hoài câu nói của những người đi trước, là nghệ sĩ có tài thôi chưa đủ, còn cần phải có tâm, có đức. Và làm việc gì thì cũng phải tận tâm tận sức mới có được thành quả” - NSƯT Thanh Nguyệt tâm sự. 

Cuộc đời bà giờ đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, nhìn lại như “cổ tích ánh trăng” vì cuộc đời ấy quá đẹp. Sau này, mỗi lần xem lại những vở diễn xưa hay được bước lên sân khấu với lớp nghệ sĩ trẻ, NSƯT Thanh Nguyệt nói bà luôn cảm thấy hạnh phúc vì đã được sống và cống hiến trọn vẹn đời mình cho nghệ thuật cải lương. Những vai diễn hay không kể hết, rất nhiều vở cải lương xưa không được ghi hình, nhưng trong ký ức bà, mãi mãi không thể nào quên được lúc cất lên lời ca tiếng hát cùng những vai diễn cũng có thể gọi là “để đời”, qua các vở: Nước biển mưa nguồn, Quỷ Bảo, Người gọi đò bên sông, Tuyệt tình ca, Qua cầu đắng cay, Bụi mờ ải nhạn… 

Theo Bùi Tiểu Quyên/Phunuonline.com.vn