ĐỜI SỐNG

'Nữ hoàng trà' giúp nông dân Ba Chẽ lãi đậm dịp Tết Nguyên đán

Minh Nhân • 13-01-2024 • Lượt xem: 953
'Nữ hoàng trà' giúp nông dân Ba Chẽ lãi đậm dịp Tết Nguyên đán

Được mệnh danh là "nữ hoàng của các loại trà", trà hoa vàng được biết đến là một trong những loại dược liệu quý, với loạt công dụng tốt cho sức khỏe như phòng, chống ung thư, hỗ trợ điều trị huyết áp... Nhờ giá trị kinh tế cao mà những năm gần đây, trà hoa vàng được bà con huyện miền núi Ba Chẽ, Quảng Ninh xem như báu vật vì không ngừng giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Trà hoa vàng (hay còn có tên gọi khác là kim hoa trà) có tên khoa học là Camellia Chrysantha, là một loài thực vật hạt kín thuộc họ Theaceae. Riêng trà hoa vàng tại Ba Chẽ thuộc loại cuống tím, có tên khoa học là Camellia Chrysantha Tuyama. Vốn ưa ẩm nên trà hoa vàng phát triển đặc biệt tốt ở địa hình có độ ẩm cao như vùng núi huyện Ba Chẽ (với độ ẩm khoảng 83%).

Theo chia sẻ của lãnh đạo UBND huyện Ba Chẽ, trước đây trà hoa vàng là loại cây mọc dại trong rừng, ít được quan tâm. Tuy nhiên, kể từ khi nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế của giống cây này, bà con nông dân đã tích cực khai thác, mở rộng quy mô trồng trà hoa vàng một cách bài bản hơn, đồng thời xem đây là loại cây kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 150ha diện tích trồng trà hoa vàng, trong đó có hơn 100ha đang vào vụ thu hoạch, đáp ứng cho nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Được biết, thời điểm hiện tại đang vào mùa trà hoa vàng và càng cận Tết cổ truyền sẽ càng rơi vào chính vụ, thông thường người dân có thể thu hoạch kéo dài đến khoảng tháng 3 âm lịch. Hiện tại, giá trà hoa vàng loại 1 được thương lái thu mua với giá khoảng 500.000 đồng/kg tươi và khoảng 15 triệu đồng/kg khô. Riêng lá tươi cũng được bán cho thương lái với giá 50.000 đồng/kg, lá khô thì cao hơn, khoảng 300.000 - 500.000 đồng/kg. Theo bà con nơi đây, trung bình một ngày mỗi người có thể thu hoạch được từ 7 - 10kg trà hoa vàng tươi, thậm chí những ngày cận Tết có thể lên đến 20kg/ ngày. Như vậy, cứ vào mỗi vụ thu hoạch, bà con tại địa bàn huyện Ba Chẽ lại có cơ hội kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Chia sẻ về vấn đề đầu ra hiện tại, đại diện chính quyền địa phương, ông Phạm Thế Hiền (Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn) cho hay: "Do khan hiếm trà hoa vàng thời điểm gần Tết Nguyên đán nên thương lái túc trực ở vườn để mua luôn sau khi người dân hái xong. Bình quân mỗi hộ trồng trà hoa vàng thu nhập khoảng 5 triệu đồng/ngày, những hộ gia dân trồng nhiều và phải thuê nhân công thì sẽ thu nhập nhiều hơn."

Là một trong những hộ dân có diện tích trồng trà hoa vàng lớn nhất vùng, ông Đàm Văn Cường (trú tại thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn) chia sẻ, hiện tại gia đình ông đã có khoảng 5.000 cây trà đang cho thu hoạch trên tổng diện tích 2,5ha đất đồi của gia đình. Thông thường, để có thể thu hoạch được những bông trà loại 1 cho thương lái, gia đình ông thường phải hái vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, ví dụ như vào sáng sớm hoặc cuối giờ chiều. "Gần Tết Nguyên đán hàng năm là tất cả mọi người trong gia đình tôi và nhân công thuê bên ngoài tất bật thu hái hoa, kể cả vào ban đêm. Thời điểm này có bao nhiêu trà hoa vàng là thương lái mua hết", ông Cường cho biết thêm.

Hiện tại, không ít thì nhiều, ai nấy sinh sống tại huyện Ba Chẽ đều dành một khoảng đất trống để trồng trà hoa vàng với hy vọng kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Đối với những vườn có diện tích trồng lớn, bà con còn nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng cả hệ thống phun tưới tự động nhằm tối ưu chi phí. Tuy nhiên, dù không đòi hỏi nhiều công chăm sóc hoặc kỹ thuật trồng phức tạp nhưng cây trà hoa vàng cần ít nhất 5 năm mới bắt đầu cho hoa. Nhưng để hoa đạt tới chất lượng cao nhất thì cây cần phải có tuổi đời từ 8 đến 10 năm.