VĂN HÓA

Ốc gác bếp - Đặc sản chân chất của người miền Tây

Tam Nguyên • 23-02-2023 • Lượt xem: 2143
Ốc gác bếp - Đặc sản chân chất của người miền Tây

Ốc gác bếp là món ăn dân dã, truyền thống của nhiều gia đình ở vùng quê sông nước Tây Nam Bộ. Với hương vị đặc trưng, độc đáo, món ăn này dễ dàng khiến bất cứ ai ăn rồi cũng đều sẽ xiêu lòng. 

Ốc gác bếp là gì?

Không ai nhớ rõ, món ốc gác bếp hay ốc treo giàn bếp này có tự bao giờ. Chỉ nghe người lớn kể lại rằng cứ vào mùa lũ rút, nội đồng bắt đầu khô cạn bà con đi bắt ốc để dành bằng cách treo trên giàn bếp chờ những tháng khô hay những ngày Tết mới dùng đến. Với hương vị thơm ngon, giòn giòn, béo béo, móc ốc gác bếp dần trở thành đặc sản vùng đất phương Nam.

Để làm món này, người làm phải chọn con ốc thật bự, không bể, không nát, sau đó sẽ đem rửa cho sạch lớp bùn trên vỏ, cho vào cái giỏ bằng tre và lót trấu. Loài ốc tốt nhất được chọn chính là ốc Lác. Đây là loại ốc khá giống ốc bươu vàng, dáng to, vỏ màu vàng, loài này như khác biệt nằm ở phần thịt ngọt và giòn, không bở mềm như thịt ốc bươu, sống dai. Bên cạnh đó, loài ốc Lác ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ có đặc tính ngủ vùi trong đất vào mùa khô và sống trong thời gian dài. 

Những người đi làm ruộng bắt được ốc lác thường mang về nhà, bỏ vào giỏ tre rồi treo lên giàn bếp để xông khói. Bằng cách làm như vậy, con ốc như “ngủ” suốt nhiều tháng nên to mập, thịt ốc trắng sạch, chế biến được nhiều món ăn ngon và giàu dinh dưỡng. 

Thường ốc treo giàn bếp khoảng một tuần trở lên là đạt yêu cầu và có thể đem chế biến thành các món ăn khác. Khi cần sử dụng đến, hãy lấy số lượng ốc vừa đủ rửa sạch lớp bụi dính trên vỏ. Lưu ý nên chọn những con ốc mím miệng cạy khó ra, mình ốc có màu xám như đang thiếu nước. Đem ốc đi rửa sạch, sau đó ngâm ốc vào hỗn hợp sữa và trứng gà hoặc trứng vịt để ốc dậy “uống nước” rồi mới đem đi chế biến thành các món ăn hấp dẫn khác. 

Những con ốc đã chín sẽ tróc mày, mình ốc có một màu trắng giống như màu của hoa bưởi, mề của ốc thì có màu vàng. Món ốc này ăn chung với nước mắm sả ớt thêm chút chanh thì không gì ngon bằng. Ốc gác bếp là món ăn đòi hỏi người dùng phải thưởng thức một cách từ từ để có thể cảm nhận từng chút một hương vị của nó. Ốc mềm ngọt kết hợp với hương vị của sả ớt quả thực là hoàn hảo cho một ngày xuân.

Cách chế biến ốc gác bếp ngon

Cách làm ốc gác bếp rất đơn giản, trước tiên phải chọn những con ốc thật bự, không bể, không nát, làm sạch để loại bỏ hết bùn đất và nhớt.

Bước 1: Ốc sau khi mua về, ngâm trong nước khoảng 20 phút cho nhả hết bùn đất, mẹo dân gian là ngâm trong nước vo gạo để ốc trắng hơn. Sau đó, đổ ra rổ cho ráo nước. Kế đến là cho tất cả ốc vào giỏ, sóc đều, rồi treo lên giàn bếp, nơi có khói xông củi xông qua. Ốc được để trên giàn bếp từ 1 tuần - 2 tháng.

Bước 2: Sau khoảng thời gian gác bếp, mang ốc xuống, ngâm ốc vào hỗn hợp trứng sữa. Pha 700ml sữa tươi và 5 quả trứng gà, khuấy đều. Ngâm ốc trong khoảng thời gian từ 10 - 20 phút để ốc to tròn và thơm vị sữa hơn. 

Bước 3: Ốc sau khi uống sữa, rửa sạch một lần nữa rồi bắt đầu chế biến. Đối với món ốc luộc, nên cho 1-2 củ sả đập dập vào nồi để tạo hương thơm và khử mùi ốc. Lưu ý, chỉ cần cho một ít nước vào nồi vì ốc rất dễ ra nước rồi tiến hành nấu trong 15 phút. 

Bước 4: Ốc gác bếp thường ăn kèm với nước chấm cơm mẻ. Cho 1/2 muỗng canh cơm mẻ vào chén, pha cùng 80ml nước ấm. Cho sả, ớt bằm nhuyễn vào cơm mẻ để gia tăng hương vị. Nêm nếm đường, muối tùy theo sở thích của gia đình bạn. 

Thưởng thức ốc gác bếp chấm cùng cơm mẻ sẽ giúp làm mới khẩu vị của gia đình bạn, đặc biệt là những dịp cuối tuần.

Từ một món ăn dân giã nhà nghèo, với vị ngon đặc trưng ốc gác bếp giờ trở thành đặc sản mà không chỉ người dân miền Tây yêu thích mà còn hấp dẫn du khách phương xa. Để ai đã từng niếm thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi.