ĐỜI SỐNG

Orthorexia, hội chứng ám ảnh ăn sạch

Lan Hương • 22-08-2023 • Lượt xem: 1159
Orthorexia, hội chứng ám ảnh ăn sạch

Ám ảnh về việc ăn uống lành mạnh hiện đang khiến một số người trở nên quá nghiêm khắc trong việc chuẩn bị những bữa ăn hằng ngày, thậm chí vấn đề này còn có thể gây bất lợi cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của họ.

Ăn uống là một trong những khía cạnh chủ chốt trong vấn đề sức khỏe, điều này không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên hiện nay khi thực phẩm được sản xuất theo hướng công nghiệp hóa ngày càng nhiều, mối nghi ngờ về thực phẩm bẩn cũng gây lo lắng với không ít người. Từ đó mà dẫn đến tình trạng rối loạn ăn uống ở những người bị ám ảnh quá mức, hay còn gọi là hội chứng Orthorexia. Điều này tiềm ẩn rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực khó mà lường trước.

Hội chứng Orthorexia là gì?

Orthorexia còn được gọi là hội chứng rối loạn ăn uống lành mạnh hay chứng rối loạn liên quan đến ám ảnh của việc ăn uống, tên gọi này được đặt bởi Steve Bartman – một bác sĩ người Mỹ vào năm 1997.

Những người bị Orthorexia luôn mang nỗi ám ảnh về các loại thực phẩm lành mạnh như một lời cam kết, họ luôn tập trung vào chất lượng đồ ăn thức uống mọi lúc, chỉ ăn những thứ họ cho là không chứa chất độc hại, tinh khiết, tốt cho sức khỏe. Lâu dần thói quen này trở nên cứng nhắc, trở thành ám ảnh tâm lý mà người mắc phải không thoát ra được.

Những người mắc hội chứng Orthorexia luôn cảm thấy ám ảnh thái quá về việc phải ăn những thực phẩm sạch.

Những người mắc Orthorexia có thể luôn cảm thấy tội lỗi hoặc lo lắng khi nghĩ mình đang ăn phải những thực phẩm họ cho là không lành mạnh. Những thực phẩm nhóm người này lựa chọn thường là rau quả, trái cây, những thực phẩm thiết yếu như tinh bột có thể bị cắt bỏ, chỉ mua hàng ở những địa điểm cung cấp sản phẩm tốt cho sức khỏe và hiếm khi uống bia rượu.

Orthorexia có phổ biến?

Rất khó để xác định mức độ phổ biến chính xác những người mắc chứng Orthorexia bởi trong y khoa tình trạng này chưa được công nhận là một bệnh lý cụ thể. Tuy nhiên, hội chứng này có thể gặp nhiều ở các quốc gia phát triển như Anh, Đức, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ… những quốc gia mà phần lớn người ta có xu hướng chú trọng nhiều đến hình thể. Và đa phần thường gặp ở phụ nữ trẻ và các bé gái. Ngoài ra tình trạng này còn có thể gặp ở một số người có xu hướng cầu toàn, hoặc những người cần tập trung vào chế độ ăn vì công việc như ca sĩ, vũ công, vận động viên, người nổi tiếng....

Một nghiên cứu của trường University London vào 2017 đã phát hiện, tỷ lệ những người mắc Orthorexia cao hơn nhiều ở nhóm người thường sử dụng mạng xã hội. Cụ thể có đến 49% người dùng Instagram được khảo sát cho biết là có những triệu chứng này.

Một chế độ ăn uống lành mạnh để tốt cho sức khỏe là điều mà tất cả mọi người chúng ta đều được khuyến khích. Ăn uống lành mạnh giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chống lại một số bệnh ung thư, giúp cải thiện tâm trạng… Tuy nhiên khi thói quen ăn uống lành mạnh trở nên quá đà, nó có thể sẽ biến thành chứng rối loạn ăn uống.

Những người rơi vào Orthorexia thường bị giam cầm trong những quy tắc ăn uống mà họ đặt ra cho chính mình. Những nguyên tắc nghiêm ngặt này có thể khiến cho họ ám ảnh về việc phải ăn thực phẩm sạch, những thức ăn không bị ô nhiễm bởi chất hóa học. Một số người thậm chí còn không dùng đến thuốc men và tin rằng để có một sức khỏe tốt cần phải tránh xa tất cả các sản phẩm từ thịt, cá, trứng, sữa, cắt bỏ gluten trong các bữa ăn của mình.

Những người rơi vào Orthorexia thường bị giam cầm trong những quy tắc ăn uống mà họ đặt ra cho chính mình.

Ảnh hưởng tiêu cực của Orthorexia

Alex Everakes, nhà quản lý về quan hệ công chúng ở Chicago hiện 25 tuổi kể về những năm tháng đánh vật với sự thừa cân khi còn nhỏ. Sau khi học xong trung học, cân nặng lúc cao nhất của anh là 113kg, và một chế độ ăn kiêng được đặt ra. Anh chỉ ăn mười thứ bao gồm rau bó xôi, ớt đỏ, lòng trắng trứng, gà, cá hồi, măng tây, quả mọng, bí mì sợi, bơ hạnh nhân, sữa hạnh nhân hạt. Kết quả cân nặng anh trở về 63kg. Everakes đăng tải các hình ảnh về chế độ ăn uống cùng thân hình 6 múi của mình lên mạng xã hội và được nhiều người khen ngợi.

Tuy nhiên đến một ngày Everakes cảm thấy sợ hãi khi ăn một số món. Anh quyết định làm việc tại nhà để không phải tham gia những buổi tiệc tùng công sở, không còn muốn đi ra ngoài hoặc kết giao bạn bè vì không muốn giải thích chế độ ăn của mình với mọi người. Thì ra Everakes đang rơi vào tình trạng gọi là Orthorexia.

Họ từ chối mọi loại thức ăn mà họ cho là không tốt cho sức khỏe.

Mặc dù các nghiên cứu về Orthorexia còn nhiều hạn chế, tuy nhiên thường những người rơi vào Orthorexia sẽ gặp những hiệu ứng tiêu cực như:

+ Về vật lý: Do ăn uống hạn chế dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng, có thể gặp các vấn đề về suy dinh dưỡng, thiếu máu, các vấn đề tiêu hóa, nhịp tim chậm, mất cân bằng điện giải, rối loạn nội tiết tố hay xương bị suy yếu…

+ Về tâm lý: Người mắc Orthorexia có thể rơi vào cảm giác thất vọng, tội lỗi khi những thói quen khắt khe về ăn uống không được đáp ứng, từ đó dẫn đến chất lượng cuộc sống suy giảm. Họ sẽ tiêu tốn thời gian nhiều cho việc nghĩ ngợi về các bữa ăn trong ngày, lên kế hoạch cho việc ăn uống, kiểm tra các thực phẩm có đủ sạch hay không…

+ Về xã hội: Không muốn từ bỏ những suy nghĩ thái quá về thực phẩm, và họ sẽ tự đặt ra những nguyên tắc vô cùng nghiêm khắc. Chính những điều này làm cho họ không muốn tham gia các hoạt động xã hội bên ngoài như giao lưu với đồng nghiệp, vui chơi cùng bạn bè hay gia đình. Rất nhiều người mắc hội chứng Orthorexia tự cô lập mình với mọi người xung quanh, đây chính là dấu hiệu dẫn đến trầm cảm nếu không được phát hiện sớm và điều trị.

Các chuyên gia khuyên rằng, việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể với đa dạng thực phẩm chính là một trong những phương thức ăn uống lành mạnh. Cần ăn đúng bữa, cân đối các nhóm bột, đường, đạm, béo. Nếu bạn cảm thấy những dấu hiệu bất thường tiềm ẩn về hội chứng ăn uống cực đoan, hãy gặp gỡ các chuyên gia tâm lý để được kịp thời điều trị để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của hội chứng này đến cuộc sống và sức khỏe.