ĐỜI SỐNG

Overthinking - Căn bệnh khiến người trẻ 'khó thoát'

Đinh Ngô Bá Phúc • 06-06-2023 • Lượt xem: 997
Overthinking - Căn bệnh khiến người trẻ 'khó thoát'

Trong cuộc sống hiện tại, khi phải đối mặt với nhiều vấn đề, người trẻ thường hay mắc kẹt vào “căn bệnh” tự sản sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực về một hay những sai lầm trong quá khứ và vì nó mà lo lắng thái quá trước viễn cảnh tương lai. Giới trẻ gọi căn bệnh đó là Overthinking.

Theo giảng viên khoa Tâm lý học của trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành giải thích, Overthinking là một biểu hiện của hội chứng rối loạn lo âu. Người mắc bệnh thường sẽ có cảm giác lo lắng quá mức khi phải đối mặt với một tình huống hay sự việc nào đó. Mặc khác, người bị mắc Overthinking trong một thời gian dài sẽ có nguy cơ suy giảm trí nhớ, trầm cảm, thậm chí là tự kỷ.

Nhiều bạn trẻ mắc phải bệnh Overthinking là vì do suy nghĩ quá nhiều đối với những vấn đề gây áp lực trong cuộc sống.

Bạn Nguyễn Như Quỳnh (21 tuổi), ngụ tại phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, bản thân thường hay lo lắng thái quá về kết quả học tập, định hướng tương lai và các mối quan hệ xung quanh.

Bạn chia sẻ, đôi khi bản thân hay bị cuốn vào trạng thái tiêu cực, thường xuyên kéo dài từ suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, chồng chất trong đầu khiến bạn mất tập trung. Hoặc có khi, bạn cảm thấy bản thân lo lắng quá nhiều đối với những chuyện chưa từng xảy ra làm cho bạn bị mất đi sự tận hưởng cho thành công ở hiện tại.

Quỳnh nói thêm, mỗi lần suy nghĩ thái quá bạn luôn tự suy diễn những điều không có thật hoặc có khi khiến cho bạn bè, người thân xung quanh cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, bạn do dự khi chia sẻ, dù có nghiên cứu và biết Overthingking là một hình thức tự làm khổ, trói buộc mình vào những suy nghĩ do bản thân áp đặt nhưng thực sự Quỳnh không có cách nào thoát ra được.

Lê Thị Thu Phương, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho hay, trước đây bản thân từng là có tính cách rất vui vẻ, yêu đời nhưng đột nhiên bị rơi vào trầm cảm và phải bảo lưu kết quả học tập do suy nghĩ quá mức.

Bạn Phương kể, do nhiều áp lực bởi học tập, bạn bè cùng trang lứa khiến cho bản thân thường xuyên phải suy nghĩ và mất ngủ trong một khoảng thời gian khá dài. Bạn nói thêm, tình trạng hay suy nghĩ và lo lắng thái quá trong độ tuổi đang trưởng thành khiến bản thân không thể thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực.

Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành cho biết, nếu người trẻ để căn bệnh Overthinking kéo dài và lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ có nguy cơ làm giảm chất lượng cuộc sống, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, bởi chúng có thể đi kèm với những vấn đề sức khỏe tinh thần khác.

Overthinking có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và cũng như đi kèm về những vấn đề sức khỏe tinh thần khác.

Ngoài ra, bác sĩ Thành nói thêm, căn bệnh này thường hay đi kèm với một số loại rối loạn lo âu tổng quát như: rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, lạm dụng thuốc; rối loạn stress sau chấn thương.

Do đó, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ Thành đưa ra lời khuyên, người mắc Overthinking cần phải học cách thích nghi đối với cuộc sống hiện tại, cân bằng những mục tiêu trong từng giai đoạn của cuộc đời; chấp nhận khó khăn, thử thách; rèn luyện tư duy tích cực bằng cách quan sát đa chiều hoặc đặt bản thân vào nhiều vị trí khác nhau để nhận định chính xác sự việc.

Bênh cạnh đó, nếu trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần phải nhờ vào sự hỗ trợ bằng các liệu pháp từ các chuyên gia tâm lý.

Hình ảnh: Internet