VĂN HÓA

Phải chăng chúng ta đã quên nói lời cảm ơn con trẻ?

HaoKhanh • 20-09-2024 • Lượt xem: 394
Phải chăng chúng ta đã quên nói lời cảm ơn con trẻ?

Nhiều ba mẹ vẫn tâm niệm rằng mình là người sinh thành, nuôi dưỡng con cái nên thường áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con trẻ. Con phải làm như thế này mới là đúng, làm như thế kia mới là ngoan. Nhưng khi nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rằng con trẻ cũng có thế giới riêng và ngược lại con cũng dạy chúng ta rất nhiều điều. Chúng ta phải đặt suy nghĩ của mình vào con để nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực hơn.

Có bạn nào cũng đang là “ một bà mẹ bỉm sữa chính hiệu” giống như mình?

Hôm nay là một ngày dài đối với mình, vừa bận rộn với công việc online tại nhà vừa chăm con nhỏ. Nhữnng việc không tên cứ nối tiếp nhau làm hoài mà không hết. Từ những cuộc gọi gấp của khách hàng, những hợp đồng còn đang dang dở đến dọn dẹp nhà cửa rồi nấu ăn, tắm rửa cho con. Nhiều lúc cảm thấy vừa mệt mỏi và stress vì bé nhỏ quậy phá. Mới thu dọn cái này xong anh chàng lại bày cái khác ra, nghịch nước đổ ra sàn nhà, bới tung hết tủ quần áo, leo trèo lên ghế trượt chân té ngã rồi gào khóc lên ăn vạ. Nói hoài không nghe, sẵn bực bội trong người, tính “dạy dỗ” ảnh một trận thì trong tivi vang lên câu nói của Trấn Thành khiến mình dừng lại.

“Cha mẹ cho con nhiều hơn hay con cho cha mẹ nhiều hơn?”

Và tiếp theo như là một sự khẳng định: Con cái cho cha mẹ nhiều không kém những gì cha mẹ cho con cái.

“Nó cho anh biết vui mừng khi anh mang nó trong bụng, nó cho anh biết sự nhẫn nại chờ đợi nó chín tháng mười ngày. Nó cho anh sự cẩn trọng khi giữ gìn nó dưới hình dạng bào thai. Nó cho anh biết đau, biết vui mừng khi thấy nó ra đời. Nó dạy cho anh phải biết hi sinh, nó dạy cho anh phải biết nhẫn nhịn”

Nghe xong câu nói đó, tự nhiên làm mình thấy lặng người đi, ngồi lại tĩnh tâm mà suy ngẫm, chiêm nghiệm nhiều hơn.

Con cái là sự chờ mong, là sợi dây gắn kết tình cảm.

Nhờ có con mà chúng ta học được sự trưởng thành hơn. Mẹ thì biết vun vén tổ ấm gia đình, biết vào bếp học những món ăn ngon để nấu, mong mọi người có một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, mong con mau lớn, khỏe mạnh. Ba thì bỏ được những thói quen xấu, không cà phê thuốc lá, chia tay với những cuộc nhậu "thâu đêm suốt sáng", tan làm là nhanh chân về sớm phụ vợ chăm con.

Nhờ có con mà ba mẹ học thêm được nhiều kiến thức. Khi đến tuổi biết nói, bé thích khám phá, tò mò với mọi thứ xung quanh. Với “hàng vạn câu hỏi vì sao” con đặt ra: “Mẹ ơi vì sao vịt có thể bơi trên mặt nước?” “Vì sao hoa cũng có cánh như chim nhưng không biết bay?” “ Vì sao trái bắp lại có râu?”.  Những câu hỏi hóc búa luôn làm chúng ta cảm thấy vô cùng đau đầu vì nhiều khi chính chúng ta cũng không biết câu trả lời.  

Và rồi ba mẹ lại cùng con đi tìm đáp án bằng cách đọc những câu chuyện nhỏ, cùng con xem những bộ phim ngắn. Thế rồi cả nhà cùng trầm trồ reo lên “ À thì ra là như thế”, “Oa, thật là thú vị”. Phải chăng không phải chỉ có mình con học, mà chính ba mẹ cũng trở thành những cô cậu học trò nhỏ, cảm thấy ngạc nhiên, thích thú với những kiến thức khoa học và thực tế mà đó giờ mình chưa từng biết đến.

Nhờ có con ba mẹ học được cách nhường nhịn, kiễn nhẫn và thấu hiểu nhau hơn. Những áp lực về kinh tế, những mệt mỏi vì những đêm thức trắng trông con ốm hay những buổi tranh luận không hồi kết về nuôi dạy trẻ sao cho đúng,…khiến ba mẹ cảm thấy kiệt sức. Nhưng khi những giây phút căng thẳng đó qua đi, chúng ta thấy biết cảm thông, sẻ chia và hi sinh vì người khác. Đó là những trải nghiệm mà ba mẹ đã cùng vì con mà vượt qua để từ đó càng yêu quý và trân trọng tình cảm gia đình mình hơn.

Nhờ có con ba mẹ mới cảm thấy giá trị của việc chờ đợi, lúc nào cũng mong thời gian nhanh nhanh trôi qua để sớm kết thúc công việc trở về nhà, vì ở đó có một bạn nhỏ đang ngóng, gọi điện hỏi hoài “Mẹ ơi, khi nào mẹ về, con nhớ mẹ lắm?”. Và rồi chào đón chúng ta là sự ấm áp của tình yêu thương, là vòng tay con nhỏ lững chững chạy tới ôm chầm lấy mình.

Mình vẫn nhớ câu nói của bác sĩ trước khi dẫn mình đi sinh bé. “Sinh còn đi rồi mới biết tấm lòng của ba mẹ”. Và giờ đây nhìn con khôn lớn từng ngày mình cũng thấu hiểu được công ơn nuôi dưỡng của ba mẹ. Nhờ có con mình hiểu được phải biết hiếu thảo, yêu thương và quan tâm hơn đến ba mẹ mình hơn – những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta nên người, trao cho chúng ta tình yêu thương vô bờ bến.

Và mình tin rằng, khi ngồi nhớ lại bạn sẽ mỉm cười với những niềm vui nhỏ bé con đem lại, và nhận ra rằng con đang dạy ba mẹ còn nhiều hơn thế…

 “Khi con 0-3 tuổi, ba mẹ là tất cả những gì con có

Khi con 4-12 tuổi, ba mẹ là buổi tối của con

Khi con 13-18 tuổi, ba mẹ là những ngày cuối tuần

Đến lúc con 19-22 tuổi, ba mẹ còn là những kì nghỉ hè

Nhưng khi con 22 tuổi trở lên, ba mẹ chỉ còn là vài ngày Tết”

Con sẽ lớn rất nhanh và rời xa vòng tay của ba mẹ. Chúng ta cần phải kiên nhẫn với con hơn, dành thời gian bên con nhiều nhất có thể để sau này nhìn lại sẽ không có những tiếc nuối vì bạn đã cùng con trải qua những hành trình dài với những kỷ niệm đáng quý.

Trở lại với bạn nhỏ, mình dừng tất cả các hoạt động lau nuớc mắt cho con và ôm con vào lòng. Mình nắm tay dạy bé cầm khăn lau nước đổ trên sàn nhà, cùng con xếp lại những bộ quần áo bỏ ngăn nắp vào tủ để lần sau con học và làm theo, và hai mẹ con cùng vào bếp chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Có lẽ niềm hạnh phúc chỉ đến từ những việc nhỏ bé như thế. Cảm ơn các con vì đã xuất hiện và dạy ba mẹ những giá trị đích thực của cuộc sống.


Tag: dạy con