VĂN HÓA

Phân viện sinh học – điểm check-in hoài cổ Châu Âu ngay Đà Lạt

Cẩm Chi • 24-11-2022 • Lượt xem: 843
Phân viện sinh học – điểm check-in hoài cổ Châu Âu ngay Đà Lạt

Phân viện sinh học Đà Lạt là một địa điểm nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Năm 2019, ca sĩ Sơn Tùng bất ngờ đăng một tấm ảnh chụp tại đây. Từ đó, công trình kiến trúc hơn 70 năm tuổi đã trở thành một địa điểm chụp hình check-in nổi tiếng được giới trẻ tìm đến khi có dịp ghé thăm xứ sở ngàn hoa.

70 năm thầm lặng bỗng dưng nổi tiếng

Phân viện sinh học Đà Lạt còn có tên khác là Viện nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (hoặc Bảo Tàng Sinh Học). Công trình được khởi công xây dựng năm 1950 trên một ngọn đồi nhỏ phía bắc thành phố Đà Lạt. Lúc bấy giờ, nơi đây là một tu viện thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Vì vậy, nơi đây mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc Pháp. Nhiều điểm tương đồng có thể bắt gặp ở các công trình được người Pháp thiết kế và xây dựng nhiều năm về trước ở Việt Nam. Đây là một trong những công trình lâu đời bậc nhất của Đà Lạt và được bảo tồn, giữ gìn gần như nguyên vẹn như khi thuở ban đầu.

Tấm hình nổi tiếng Sơn Tùng M-TP check in tại đây.

Đến năm 1985, công trình chính thức mang tên Phân viện sinh học Đà Lạt và đi vào hoạt động. Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, nơi đây còn đóng vai trò một viện bảo tàng lưu giữ rất nhiều tiêu bản, mô hình động thực vật phong phú của Việt Nam. Vì lẽ đó, phân viện mở cửa tham quan nhằm mang đến cho du khách (đặc biệt là các em học sinh, sinh viên) kiến thức về thiên nhiên, về môi trường sống xung quanh.

Vẻ đẹp ma mị như một tòa lâu đài cổ ở châu Âu

Công trình được xây dựng bởi người Pháp. Vì vậy nó mang đậm phong cách kiến trúc cổ điển của đất nước hình lục lăng: nhiều ô cửa kính, các bức tường được xây từ đá, các đường cong , mái vòm, ban công... Tòa nhà cao bốn tầng với hàng trăm gian phòng nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Do đó nơi này có tầm nhìn cực đẹp xuống những cánh rừng thông và thung lũng xung quanh.

Với góc nhìn từ xa, cả công trình không khác gì một lâu đài ở châu Âu.

Khoảng sân mênh mông xung quanh tòa nhà cũng góp phần tôn lên vẻ đẹp tổng thể. Gần như toàn bộ kiến trúc được làm từ đá. Vì vậy chất lượng công trình vẫn tốt sau hơn 70 năm sử dụng. Chẳng những thế, qua năm tháng, các viên đá bên ngoài đã bị rêu phong bao phủ tạo nên một khung cảnh ma mị như những tòa lâu đài bị thời gian bỏ quên giữa rừng sâu.

Một góc sống ảo lung linh với nét cổ kính từ bức tường đá phủ đầy rêu xanh.

Mặc dù không được xây dựng từ đầu với mục đích du lịch, thế nhưng nơi đây đã được thiết kế cực kỳ tỉ mỉ với nhiều dấu ấn kiến trúc độc đáo. Du khách có thể chụp được rất nhiều ảnh đẹp bởi mỗi góc có một nét đặc trưng riêng: các mái vòm độc đáo, hầm rượu (nay là hầm chocolate), ban công nhuốm màu thời gian, hàng cây cổ thụ...

Bảo tàng trưng bày các loại chocolate nằm ngay ở phía cổng


Ít ai có thể biết rằng nơi đây là nơi trưng bày của hàng trăm loại chocolate khác nhau

Bên trong phân viện là một quán cà phê với không gian hoài cổ

Nơi đây từng là không gian trưng bày các tác phẩm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với tên gọi "Nhà Việt Nam"

Nơi này là địa điểm dường như mang theo tất cả những gì đặc trưng của Đà Lạt: kiến trúc Pháp cổ điển, một chút bí ẩn của các ngôi nhà lâu năm, vẻ ma mị từ các bức tường rêu phong, lịch sử từng là một tu viện, hoa dã quỳ, rừng thông... Và ở đây du khách có thể tự do tạo dáng chụp những bức ảnh đẹp mà không sợ phải chờ đợi đông đúc. Bởi khoảng cách nó lệch khá xa so với khu trung tâm nên thường sẽ không có quá nhiều người đến thăm.

Con đường dẫn vào Phân viện sinh học Đà Lạt nở rộ dã quỳ vàng rực.

Phân viện Sinh học Đà Lạt đã từng có những gì?

Phân viện chính thức hoạt động năm 1985 và đã từng lưu giữ rất nhiều hiện vật quý hiếm. Tòa nhà bốn tầng được phân chia thành nhiều khu vực trưng bày về động vật, thực vật, thậm chí cả mô hình các hành tinh trong vũ trụ. Bảo tàng là địa điểm yêu thích của rất nhiều người ham mê học hỏi đến thăm viếng.

Hình ảnh một phòng trưng bày năm xưa khi bảo tàng còn hoạt động.

Thế nhưng hiện nay Phân viện sinh học Đà Lạt đã ngừng bán vé tham quan. Mặc dù du khách vẫn có thể vào (miễn phí), thế nhưng các phòng trưng bày những mẫu vật đã không còn xem được.

Một hành lang phía trong tòa nhà dẫn vào các phòng trống trải vắng người.

Một số căn phòng nhìn từ hành lang vào có thể thấy đã từng bị dọn dẹp chỉ còn lại một số lọ thủy tinh và các vật dụng linh tinh. Hiện chỉ có hai hoạt động còn phục vụ là hầm socola và quầy bán cây cảnh. Một nhân viên ở đây cho biết nơi này đã ngừng bán vé kinh doanh và chưa hẹn ngày trở lại.

Cổng vào không soát vé và ô cửa bán vé cũng đóng kín.

Nếu Phân viện sinh học Đà Lạt ngừng hoạt động (như một bảo tàng) thì quả thực là một sự mất mát đáng tiếc. Bởi những người yêu thích tìm hiểu, học hỏi sẽ mất đi một địa điểm đáng để đi khi đến với thành phố Đà Lạt.