VĂN HÓA

Phi Nhung và điều còn lại: Cuốn phim ‘ướt lem chữ đời’

Tuấn Tuấn • 30-09-2021 • Lượt xem: 1476
Phi Nhung và điều còn lại: Cuốn phim ‘ướt lem chữ đời’

Cuộc đời của mỗi người chỉ sống đúng một lần duy nhất, nhưng số mệnh sẽ thay đổi nếu ta biết sống đúng và đủ. Như trong ca khúc “Bậu ơi đừng khóc” có câu: “Cuộc đời sinh ra mấy ai chọn nơi bắt đầu. Thế nhưng mình luôn nhắc mình, sống cho nghĩa tình, sống ra con người”. Lời bài hát trên như một lời nhắc nhở, đồng thời cũng chính như cuộc đời éo le của nữ danh ca Phi Nhung, một “đóa hồng lai” vươn lên từ nghịch cảnh.

*Tủi thân hai tiếng “mồ côi”

Sinh trưởng và lớn lên tại vùng đất Pleiku cằn cõi, Phi Nhung là kết quả mối tình lầm lỡ của mẹ cô và một quân nhân Hoa Kỳ trong thời chiến tại Việt Nam. Đã là lầm lỡ thì sự ra đời của cô cũng chẳng mấy dễ dàng. Không một người thân nào chấp nhận đứa cháu gái được chào đời. Ông ngoại ép buộc mẹ cô phá thai lẫn những trận đòn sinh tử vì sự sai lầm của cô con gái. Bất chấp những lời bàn ra tán vào, lòng bao dung và tình yêu của một người mẹ đã chiến thắng tất cả. Bà quyết định bảo vệ đứa con đầu lòng, trốn vào chùa sinh sống, chờ ngày đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. 


Phi Nhung thưở xuân thì sở hữu nét đẹp lai Tây với sống mũi cao, gương mặt thanh tú cùng đôi mắt biết nói vương chút u hoài.

Sau khi hạ sinh con gái, vì định kiến khắc nghiệt của xã hội, Phi Nhung không theo mẹ mà ở lại chùa dưới sự săn sóc của các vị sư cô. Một thời gian sau, cô được bà ngoại đón về nhà nhưng cũng không được ở gần mẹ là bao, vì mẹ cô đi thêm bước nữa. Kể từ giây phút ấy, Phi Nhung cô đơn trong chính ngôi nhà hiện tại. Cô khao khát cái ôm từ mẹ, thậm chí là một tiếng gọi “mẹ ơi” nhưng cũng chưa bao giờ được cất thành lời.

Sau 8 năm ở cùng bà ngoại, Phi Nhung như vỡ òa trong sung sướng khi được mẹ đón về ở chung với các em. Dẫu vậy, cô vẫn còn rất e ngại và sợ sệt mỗi lúc ở bên bà vì khoảng cách quá lớn trong suốt những năm đầu đời. Thế nhưng sâu thẳm trong lòng cô vẫn luôn dâng trào một cảm giác hạnh phúc. 


Tuy không có nhiều thời gian ở cạnh cùng mẹ ruột, nhưng với Phi Nhung, cô luôn xem mẹ của mình là một thần tượng lớn nhất trong cuộc đời. Trước khi mẹ mất, Phi Nhung hứa sẽ thay mẹ chăm sóc các em đến nơi đến chốn.

Khoảnh khắc hạnh phúc ấy chỉ kéo dài vỏn vẹn trong hai năm. Khi Phi Nhung lên 10 tuổi, mẹ cô không may qua đời, để lại 5 đứa em thơ phải chịu cảnh mồ côi. Giây phút nhìn thấy mẹ lần cuối, mãi là ký ức đọng lại trong cô suốt cả cuộc đời. Đó là lần đầu tiên cô ở bên mẹ mình gần nhất, được nắm lấy đôi chân tảo tần của bà, đẫm nước mắt người ở lại.

Sau khi mẹ ra đi, Phi Nhung không trở lại trường học, cô chuyển sang học nghề bắt đầu kiếm kế mưu sinh. Mặc nỗi đau còn đó, cô vẫn phải nén lại tất cả, thay mẹ gánh vác chăm lo cho các em. Không đơn thuần là một người chị cả nữa, Phi Nhung giờ đây trở thành trụ cột chính trong gia đình. Cô lao vào đời bất kể sự mệt mỏi, dù là nắng hay mưa nhưng vẫn quyết không đầu hàng số phận, bù đắp sự thiếu thốn cho các em khi rơi vào tình cảnh đau xót.

*Vượt khó nơi xứ lạ quê người

Năm 1989, Phi Nhung rời xa quê hương, bay sang Mỹ định cư theo diện con lai. Cô được một người mợ bảo lãnh và đến cư ngụ tại bang Florida. Đặt chân đến xứ người, Phi Nhung chẳng có gì trong tay ngoài ý chí kiên cường. Vừa học tiếng Anh, vừa làm việc, với cô một ngày 24 tiếng gần như không đủ thời gian. 

Cứ mỗi buổi sáng, cô dành ít thời gian đến lớp học tiếng Anh trong tổ chức từ thiện. Lớp học vừa kết thúc, cô chạy ngay đến khách sạn làm nhân viên dọn dẹp vệ sinh. Sau một ngày dài mệt mỏi, Phi Nhung còn nhận thêm việc làm thuê tại nhà. Với số tiền kiếm được, Phi Nhung tiêu xài tiết kiệm, cô dành dụm gửi về cho bà ngoại thay mình chăm lo các em. 


Phi Nhung và cô con gái đầu lòng trong một bức ảnh hiếm hoi được chia sẻ khi bé Wendy còn nhỏ.

Cuộc sống dần ổn định, Phi Nhung tiếp tục đối mặt với việc trở thành một người mẹ đơn thân. Cô một mình học hỏi và làm quen mọi thứ từ việc chăm sóc em bé, cách ăn uống của trẻ nhỏ, … để bước vào chặng hành trình mới. Đến ngày vượt cạn, Phi Nhung cũng không dám nói với ai. Cô vẫn đơn độc với túi đồ đã chuẩn bị sẵn và tự mình gọi xe đến bệnh viện.

Khi con gái đầu lòng cứng cáp, Phi Nhung nhanh chóng bắt lại guồng quay công việc. Cô không để con nhỏ ở nhà một mình mà luôn mang bé đến chỗ làm, sẵn tiện tay chăm sóc. Có thế cô mới an tâm làm việc lẫn bé không phải buồn vì không có mẹ ở bên.


Vốn là một ngôi sao kín tiếng, phải mất đến tận 20 năm sau khi con tốt nghiệp ngành Y tá tại Mỹ, Phi Nhung mới chịu lên tiếng công khai trước dư luận.

Từ khi trở thành một người mẹ đơn thân, Phi Nhung không còn cô đơn trên đất Mỹ. Con gái trở thành nguồn động lực lớn khiến cô dốc hết sức mình làm việc. Dù có khó khăn, cơ cực đến mấy, nhưng khi nhìn thấy con cười, mọi vất vả trong chị dường như tan biến. Đó như một món quà may mắn mà thượng đế ban tặng. Chị cũng hiểu được rằng, không có bắt đầu nào là quá trễ, chỉ cần có động lực thì bất cứ ai cũng có thể viết nên một kết cục mới kể từ ngày hôm nay.

*Vụt sáng trở thành “Nữ hoàng băng đĩa” 

Ngay từ nhỏ, Phi Nhung đã rất thích hát và luôn muốn được hát nhưng lại không có cơ hội. Nghe bà ngoại hát ru các em ngủ, cô nghe theo bắt chước lời hát ru của bà. Khi thay bà trông các em, cô cũng hát cho các em nghe. Mỗi khi phát hiện hàng xóm đi ngoài ngõ, cô cố tình hát to hơn để người đi đường được nghe và công nhận giọng hát của mình. 

Trong thời gian sinh sống tại Mỹ, Phi Nhung thường xuyên tham gia hát cầu nguyện tại chùa và một số nhà thờ trong dịp lễ Tết. Từ đây, cô tình cờ gặp gỡ nữ ca sĩ Trizzie Phương Trinh và được đàn chị phát hiện, dìu dắt bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Trizzie Phương Trinh đã nhiệt tình hỗ trợ cô em gái hết lòng, từ việc dạy thanh nhạc, thu âm ca khúc, chụp bìa làm đĩa lẫn ra mắt CD.


Nhắc về kỷ niệm lần đầu tiên được trở thành ca sĩ, Phi Nhung không tin vào mắt mình khi diện mạo của cô khác xa với thực tế qua lớp trang điểm và quần áo bắt mắt. Chính Trizzie Phương Trinh đã phải ép buộc cô em gái chụp hình để ra mắt CD giới thiệu đến khán giả.

Hai ca khúc đầu tiên Phi Nhung ra mắt thị trường là nhạc phẩm “Nối lại tình xưa” và “Nỗi buồn hoa phượng”. Vì là ca sĩ mới nên các CD của Phi Nhung chưa được người nghe quân tâm nhiều. Cứ có khách vào mua, cô lém lĩnh bật nhạc cho mọi người cùng nghe và ra sức giới thiệu sản phẩm trong vai trò nhân viên cửa hàng. Dần dần, CD của Phi Nhung bắt đầu bán chạy, các CD tái bản liên tục khiến Phi Nhung vô cùng bất ngờ.

May mắn gầy dựng thành công ngay từ đầu, Phi Nhung bắt đầu nhận show đi diễn. Cô bay xuyên suốt khắp trời Tây, từng bước đi lên trở thành ca sĩ tên tuổi được nhiều người mến mộ. Trong suốt những năm 90, những sản phẩm của Phi Nhung gây được tiếng vang lớn trên thị trường băng đĩa. Đặc biệt vào năm 1998, cô trở thành nữ ca sĩ sở hữu nhiều album nhất với mức doanh số tiêu thụ thuộc hàng kỷ lục. 


Từ một người hát bằng sự bản năng, trải qua một thời gian lăn lộn ở nhiều sân khấu, Phi Nhung từng bước gầy dựng tên tuổi tại thị trường âm nhạc hải ngoại. Không những thế, giọng ca “Bông điên điển” còn thống trị thị trường băng đĩa qua danh xưng “Nữ hoàng băng đĩa” trong những năm cuối thập niên 90.

Bên cạnh việc thống trị thị trường băng đĩa, Phi Nhung còn là quân “ác chủ bài” của các trung tâm biểu diễn hải ngoại. Thời kỳ hoàng kim nhất trong sự nghiệp của nữ ca sĩ là khi cộng tác cùng trung tâm Thúy Nga – Paris By Night. Chính nơi đây đã đưa tên tuổi Phi Nhung vươn lên vị trí hạng A với mức độ phủ sóng tuyệt đối tại hải ngoại lẫn quê nhà. 

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1999, tại số Paris By Night 49, đến nay Phi Nhung đã đứng trên sân khấu của trung tâm này 62 lần với nhiều phần trình diễn được đầu tư công phu. Chính nơi đây, Phi Nhung cũng tìm được bạn diễn ăn ý khi cô cùng nam ca sĩ Mạnh Quỳnh trở thành cặp song ca đình đám với nhiều nhạc phẩm để đời như “Dù anh nghèo”, “Căn nhà màu tím”, “Phận gái thuyền quyên”, “Hai đứa giận nhau”, …


Phi Nhung là một trong những linh hồn trụ cột của trung tâm Thúy Nga. Từ khi xuất hiện lần đầu tiên cho đến nay, cô luôn đều đặn góp mặt trong các show diễn của chương trình và được khán giả dành tình cảm đặc biệt mỗi khi xuất hiện.

Với khán giả yêu nhạc, Phi Nhung là một đại diện hoàn hảo cho dòng nhạc trữ tình quê hương. Những ca khúc do nữ ca sĩ thể hiện đều gây được tiếng vang lớn và tạo thành những tuyệt phẩm vượt thời gian trong lòng công chúng. Một trong số đó là “Bông điên điển”, “Phải lòng con gái Bến Tre”, “Chiều qua phà Hậu Giang”, “Ba tháng tạ từ”, … những nhạc phẩm đóng đinh tên tuổi của Phi Nhung mà sau nhiều thập kỷ vẫn chưa ai thay thế.

Có thể nói, Phi Nhung rất may mắn khi sở hữu một giọng hát trời phú. Nhưng đổi lại, chị đã nỗ lực và cống hiến rất nhiều cho dòng nhạc trữ tình nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung. Hành trình âm nhạc của Phi Nhung cũng giống như chuyến hành trình cuộc đời của chị. Không bao giờ là dễ dàng và cũng chẳng có điểm dừng nhất định. Cứ đi mãi, đi mãi, tự khắc mọi thứ trở nên rộng lớn hơn. Dẫu giông bão hay mất mác đi qua, chị vẫn không lùi bước mà cứ thế bước tiếp những nốt thăng trầm với tiếng hát sống mãi cùng thời gian.