VĂN HÓA

Phía sau rực rỡ

Khuê Việt Trường • 26-09-2022 • Lượt xem: 746
Phía sau rực rỡ

Pattaya là thành phố biển của Thái Lan, thuộc tỉnh Chon Buri cách Bangkok 165km. Một khoảng cách không xa, nhưng với Thái Lan thì kẹt xe là chuyện bình thường, cho nên đi từ Bangkok vòng vòng thăm một số điểm, tới chiều chúng tôi mới tới.

Joly - cô hướng dẫn viên du lịch bên Thái khá rành rẻ về đất nước Thái Lan kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện. Joly năm nay 35 tuổi, sinh ra và lớn lên ở An Giang, sau khi tốt nghiệp đại học đã làm hướng dẫn viên du lịch, cô có 2 năm làm việc trong nước và đã làm việc ở Thái Lan 8 năm. Joly kể về lịch sử của một làng chài nghèo có tên Pattaya. Sau đó, trong thời kì chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đóng quân ở U-Tapao và các căn cứ khác của Mỹ tại Thái Lan bắt đầu đến Pattaya để nghỉ ngơi và thư giãn.

Từ đó Pattaya đã phát triển thành một khu vực nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng. Đến nay, mọi người đến Pattaya bởi nơi này được gọi là thiên đường của những người chuyển giới. Thái Lan được xem là đất nước có nhiều người chuyển giới nhất trên thế giới. Hiện tại, có khoảng 600.000 người chuyển giới. Trong nhóm người này, có những người không có tiền nên họ chỉ có thể tiêm một lượng lớn estrogen (nội tiết tố tình dục nữ), nhưng trên thực tế họ vẫn là những người đàn ông.

Trong các điểm đến của du khách, chính là đi xem show diễn của những người chuyển giới, có thể coi đây là “đặc sản” không thể thiếu khi tới thành phố này. Trong các show tại Pattaya thì Alcazar được chọn với một rạp hát có sức chứa khoảng 1200 người, chủ yếu là du khách. Và đây không phải lần đầu tôi đến đây. Nhưng cái cảm giác tận chứng kiến những màn biểu diễn vô cùng công phu của các cô gái chuyển giới luôn là một cảm xúc vô cùng.

Chúng tôi đến chỉ vừa kịp giờ biểu diễn, ghế ngồi sát sân khấu nên có thể nhìn rõ từng nét mặt. Dễ chừng có cả trăm người cho chương trình kéo dài đúng một giờ đồng hồ, được đầu tư kịch bản khá công phu. Vì là một chương trình phục vụ khách nước ngoài, nên có cả các màn vũ đạo của Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và tất nhiên của cả Việt Nam. Sau ba năm, có vài tiết mục thay đổi, và vẫn là dàn diễn viên cũ.

Để có thể đứng trên sân khấu biểu diễn ấy, các cô gái chuyển giới phải qua phần chọn lọc rất khắc nghiệt. Và thấy rõ dẫu mỗi đêm phải diễn từ hai đến ba show diễn, nhận thấy ai cũng vui, như khi kết thúc chương trình họ hôn gió, vẫy tay chào khách. Để rồi trong 15 phút ngắn ngủi đợi diễn tiếp, họ lại ra bên hông nhà hát, mục đích chính là  tạo sức hút cho mọi người. Trong loang lổ ánh đèn đó, họ ăn mặc nguyên đồ biểu diễn, tất nhiên là hở hang, vẫy tay mời khách chụp hình chung. “On person 2 dolar”, đó là tấm bảng giương lên. Bạn chụp ảnh một người phải trả 2 dolar hoặc 100 bath tùy bạn có loại tiền gì.

Nếu trên sân khấu, lấp lóa ánh đèn và trong nền nhạc cùng với sự hóa trang bạn cảm nhận được những xúc cảm, những tràn vỗ tay tán thưởng, thì bên ngoài là một sự sòng phẳng. Có anh bạn chụp ảnh với bốn cô, tất nhiên phải trả đủ 400 bath. Bởi để có thể thành diễn viên trong cả mấy trăm ngàn người chuyển giới, bước vào thế giới giải trí Thái Lan - những cô gái chuyển giới phải có tiền.

Được biết, số tiền để chuyển giới và phải trải qua 30 lần phẫu thuật gần một tỷ bạc tiền Việt, sau đó họ phải liên tục uống thuốc, và thời gian đứng trên sân khấu giỏi lắm là 10 năm. Để sau đó rút vào hậu trường, hoặc về quê sống nốt phần đời còn lại.

Khát khao sống đúng với giới tính của mình, là một sự trả giá không hề nhỏ. Để nhận những tiếng vỗ tay trong hào quang rực rỡ kia là những đớn đau thể xác đã từng. Mọi người tìm đến Pattaya vì đây là thành phố có rất đông người chuyển giới. Bạn vào khu vui chơi Nong Nooc sẽ gặp họ mời gọi chụp hình, bạn đến Chợ nổi bốn miền cũng gặp họ. Và trong đêm Pattaya buông xuống, những quán bar là những người chuyển giới, có người rất đẹp, sẵn sàng uống bia cùng bạn.

Tôi đến Pattaya vào tháng có những cơn mưa đêm. Trong mưa chúng tôi vội lên xe trở về. Loang loáng mưa đó vẫn là những cô gái chuyển giới đợi người chụp ảnh chung để lấy ít tiền trong cuộc mưu sinh.


Bài và ảnh: Khuê Việt Trường