VĂN HÓA

Phù phép cỏ bàng thành những sản phẩm nghệ thuật đậm văn hoá Việt

Nguyễn Hậu • 23-11-2022 • Lượt xem: 837
Phù phép cỏ bàng thành những sản phẩm nghệ thuật đậm văn hoá Việt

Một làn gió mới thổi vào những sản phẩm thô mộc của làng nghề truyền thống hơn 500 năm tạo ra những sản phẩm nghệ thuật thời trang mang xu hướng thiên nhiên nhưng lại có yếu tố hiện đại. Thế giới sẽ biết nhiều hơn về Việt Nam thông qua những sản phẩm này.

Ngày xưa, cỏ bàng là loại cây có giá trị kinh tế không cao. Cây cỏ bàng thường được người dân trồng ở những thửa ruộng hoang, nghèo chất dinh dưỡng, bạc màu, đất bị nhiễm phèn nhiễm mặn. Mục đích là để giữ đất bởi cỏ bàng có sức sống mạnh mẽ dễ thích nghi, không cần chăm sóc nhiều nhưng chúng luôn phát triển xanh tốt. Những sản phẩm làm từ cỏ bàng còn thô sơ, đơn giản, mộc mạc phục vụ cuộc sống hàng ngày. Giá trị sản phẩm thấp vì còn thô sơ, thiếu khác biệt, chưa đáp ứng được thị hiếu của người dùng.

Chị Hồ Sương Lan và người nông dân trên cánh đồng cỏ bàng 

Chị Hồ Thị Sương Lan, một người làm du lịch trong một lần đi công tác ở Indonesia. Chị Lan đội một chiếc nón lá làm từ lá sen và được nhiều bạn bè quốc tế khen ngợi và tỏ ra bất ngờ với sản phẩm độc đáo này. Chị suy nghĩ rồi tự hỏi: tại sao mặt hàng đẹp như thế nhưng lại có quá ít, thân thiện môi trường nhiều người thích nhưng không biết mua ở đâu. Chị bắt đầu tìm hiểu về các làng nghề truyền thống và các nguyên liệu đặc trưng ở Huế như lá sen, cỏ bàng, xương lá bàng.

Chị Lan đã đến thăm làng nghề truyền thống từ cỏ bàng Phò Trạch, Xã Phong Bình, Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế có tuổi đời hàng trăm năm. Sau đó, chị đã ra tận Ninh Bình rồi vào đồng bằng Sông Cửu Long để tìm hiểu cỏ bàng ở nơi đây và học hỏi kiến thức. Chị vui mừng nhận ra rằng cỏ bàng ở Huế có sự khác biệt. Cỏ bàng Huế rỗng ruột, không xốp bên trong, kích thước nhỏ nên bền, ít hút ẩm, thanh mảnh hơn so với cỏ bàng ở các vùng khác.

Từ tình yêu đối với sản phẩm thiên nhiên và suy nghĩ phải cải tiến sản phẩm thủ công. Chị đã quyết tâm mang đến cho cỏ bàng một diện mạo mới trở thành những sản phẩm cao cấp hơn. Chị nhập hàng thô từ làng Phò Trạch, đưa tranh màu acrylic phối chất liệu da và chất liệu vải vào để tạo ra sự khác biệt cho cỏ bàng, hướng tới sự thời trang, hiện đại phù hợp với khách hàng nữ có điều kiện kinh tế có nhu cầu làm đẹp.

Chị Lan đã tìm những họa sĩ, thợ may nổi tiếng để cùng chị hoàn thiện sản phẩm. Mới đầu chị đã gặp nhiều khó khăn khi những họa sĩ đều nói chất liệu này khó vẽ, thợ may thì bỏ việc vì may trên cỏ bàng khó hơn, đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn. Vượt qua rất nhiều khó khăn sản phẩm của chị cuối cùng cũng hoàn thiện. Những chiếc nón, mũ, túi cỏ bàng được vẽ chân dung, logo, đình, chùa, hoa, bản đồ thế giới... những chiếc túi còn được kết hợp thêm với dây túi làm từ chất liệu da, hoặc vải, khóa kéo, cúc... tạo nên sự độc đáo, thời trang phong cách hiện đại.

Chị bắt đầu giới thiệu sản phẩm của mình lên facebook khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú hỏi mua: “Cỏ bàng sao lạ vậy?, hay “Như một bức tranh có thể mang theo khắp nơi mình đi đến”...

Sau 2 năm xây dựng và phát triển đội ngũ chị Hồ Sương Lan đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 phụ nữ. Thu nhập trung bình cho nhân viên từ 4-5 triệu đồng/ 1 tháng, các nghệ nhân vẽ, may, đan thu nhập trung bình khoảng 10-20 triệu đồng/ tháng. Chị Lan cho biết: "Tôi hy vọng thông qua những sản phẩm này sẽ truyền tải thông điệp sống xanh, giữ gìn những sản phẩm truyền thống đến người Việt nói chung và mọi người trên thế giới nói riêng. Những sản phẩm thời trang làm từ cỏ bàng thiên nhiên tinh xảo ở xứ Huế sẽ cạnh tranh được với các sản phẩm truyền thống trên thế giới".