ĐỜI SỐNG

Quá nhiều tour ngắm cá voi tự phát ở Đề Gi, liệu đàn cá voi có rời đi ?

Thúy Vy • 24-08-2022 • Lượt xem: 382
Quá nhiều tour ngắm cá voi tự phát ở Đề Gi, liệu đàn cá voi có rời đi ?

Hơn nửa tháng qua, hình ảnh đàn cá voi ở vùng biển Đề Gi, Bình Định đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Từ đầu tháng 7, ở gần bờ biển Đề Gi, thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, những chú cá voi liên tục xuất hiện, bơi lượn, thậm chí lao lên trên mặt biển, cách bờ chỉ 1 đến 3 hải lý để săn mồi. Bỗng chốc nơi đây đã trở thành địa điểm tham quan du lịch mới của du khách khắp nơi trên cả nước đến thưởng ngoạn. Việc đàn cá voi chọn vùng biển Đề Gi để kiếm ăn là tín hiệu đáng mừng vì nó cho thấy môi trường biển tại đây có nhiều thức ăn và đang dần cải thiện. Theo người dân địa phương, trước đây cá voi cũng từng xuất hiện ở khu vực này vào mùa cá cơm, cá trích và thường vào đến sát gần bờ.

Được biết, đây là loài cá voi Bryde xuất hiện ở các vùng biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Tuy nhiên, chúng thường sinh sống và kiếm ăn tại những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, chúng nằm trong danh sách các loài thủy sinh quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

Điều đáng lưu ý là đã có một số tổ chức, cá nhân tự phát, tổ chức các tour ngắm cá voi tràn lan tại địa phương với giá vé đắt đỏ nhằm trục lợi riêng, gây mất trật tự, an ninh của khu vực biển Đê Gi. Ngoài các tổ chức du lịch lữ hành tự quảng bá hình ảnh cá voi để thu hút du khách, những ngư dân địa phương cũng đã tận dụng cơ hội này biến tàu thuyền để đánh bắt cá thành phương tiện chuyên chở du khách ra biển ngắm cá voi.

Ban đầu, chi phí là 600.000 đồng/người, nhưng do lượng khách ngày một đông hơn, đến nay mức giá đó đã tăng vọt lên đến 1,5-2 triệu đồng/người. Khi mua vé với mức giá này, du khách sẽ được ngồi trên tàu chạy quanh biển tìm kiếm cá voi trong hai tiếng, nếu thời gian tăng lên, mức chi phí sẽ tiếp tục được cộng thêm. Du khách đến tham quan không chỉ để ngắm nhìn cá voi mà còn lưu giữ cho mình những bức hình “sống ảo” bên chúng.

Những hoạt động du lịch tự phát như vậy sẽ gây tổn hại rất lớn đến môi trường sống của cá voi. Việc các tàu thuyền nhỏ lũ lượt đi lại trên biển hoặc tiếp cận quá gần cá voi (dưới 20m) sẽ vô tình khiến chúng căng thẳng, mất phương hướng, kích hoạt bản năng tự vệ của cá mẹ, có thể dẫn đến hành động tấn công du khách, gây nguy hiểm cho khách tham quan. Hoặc nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, đàn cá voi có thể bỏ đi khu vực khác có môi trường không phù hợp chỉ để tránh xa con người.

Theo các chuyên gia, vấn đề mở các tour ngắm cá voi tự phát đang cần được quan tâm quản lý. Sự xuất hiện của loài cá quý hiếm này là niềm vui chung của người dân trên khắp cả nước. Nếu các hoạt động du lịch về cá voi được tổ chức và quản lý tốt, sẽ là nguồn lợi lớn cho tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung.