ĐỜI SỐNG

Quán karaoke ở các nước châu Á hết thời

Bá Phúc • 03-03-2023 • Lượt xem: 2782
Quán karaoke ở các nước châu Á hết thời

Trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ số, Internet là phương tiện thông dụng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất, không đơn thuần là các hoạt động giải trí như game, nhắn tin trực tuyến mà còn có cả các dịch vụ karaoke trực tuyến.

Karaoke lần đầu xuất hiện vào thập kỷ 70 ở Nhật Bản, nó nhanh chóng trở thành loại hình giải trí, món ăn tinh thần dành cho những người đam mê âm nhạc. Điểm hấp dẫn ở karaoke là phù hợp với nhiều đối tượng tham gia bất chấp mọi độ tuổi cũng như thu hút được những khán giả thích nghe hát.

Karaoke dần trở thành loại hình giải trí ở các nước trên Thế giới, đặc biệt là châu Á (Hình ảnh: Internet)

Trải qua bao thập kỷ, ngành dịch vụ karaoke đã ngày càng lan tỏa rộng và phổ biến không chỉ duy nhất ở các nước châu Âu, châu Mỹ mà còn có cả châu Á.

Tuy vậy, hình thức giải trí này đang có dấu hiệu sa sút dần trong 5 năm trở lại đây, nhất là đối ở các quốc gia châu Á từng yêu thích karaoke như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam,... bởi một số các nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh Covid-19, văn hóa hoặc các xu hướng giải trí thay đổi.

Karaoke ở Hàn Quốc và Trung Quốc lần lượt đóng cửa

Năm 2011, mô hình quán karaoke tại Hàn Quốc phát triển rất mạnh mẽ với hơn 35.000 cơ sở kinh doanh trên khắp địa phương, ưa chuộng nhất loại hình như hát trong phòng riêng hoặc phòng bạn bè, được gọi chung là noraebang.

Điều khiến cho mô hình noraebang ở Hàn Quốc trở nên phổ biến một phần là do ảnh hưởng văn hóa nhân viên văn phòng, họ thường phải tăng ca, tiếp khách cùng đối tác, bị bắt buộc uống rượu, đi hát karaoke đến tận khuya. Cho đến khi, chính phủ nước này ra sức ngăn chặn tình trạng làm việc ngoài giờ tại các môi trường công sở, các cuộc vui, họp mặt cũng vơi dần khiến cho các hoạt động kinh doanh noraebang bị ảnh hưởng trầm trọng.

Theo tờ báo Chosun IIbo của Hàn Quốc báo cáo số liệu từ tháng 1 - 2019 đến tháng 5 - 2022 đã có tận 695 phòng ngừng hoạt động vì không thể thu hồi vốn.

Tương tự Hàn Quốc, các quán karaoke ở Trung Quốc cũng dần trở nên kém hấp dẫn trong mắt giới trẻ. Tuy nhiên, các quán karaoke tại Trung Quốc đã đóng cửa do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ, sự cạnh tranh từ các nền tảng giải trí trực tuyến, sự thay đổi trong thói quen sử dụng giải trí của giới trẻ và giảm thiểu chi phí cho hoạt động.

Nhiều quán karaoke tại Hàn Quốc, Trung Quốc lần lượt đóng cửa vì lệnh của chính phủ hoặc ảnh hưởng Covid-19 (Hình ảnh: Internet)

Karaoke một mình độc tôn ở các nước châu Á

Ở thời điêm dịch bệnh Covid-19 diễn ra, hầu như ngành dịch vụ karaoke trở nên ế ẩm và khó cứu vãn. Các quán hát phải tạm thời đóng băng trong một thời gian dài hoặc có khi phải đóng cửa vĩnh viễn vì phá sản, thua lỗ nặng.

Tuy nhiên, khi cuộc sống trở lại bình thường, các quán bar, karaoke hoặc thậm chí là các câu lạc bộ hát hò được phép hoạt động trở lại thì tình hình vẫn không mấy khả quan. Một số bộ phận giới trẻ, người lao động sẵn sàng đi hát để xả stress bù lại những ngày tù túng vì dịch. Nhưng vẫn có một số khác cảm thấy lo sợ về khả năng nhiễm bệnh cao.

Do đó khi nhìn vào góc độ kinh tế, nhiều quán giải trí trước vốn dành cho nhóm đông người phải chuyển hóa thành một người, tính riêng tư được đặt lên hàng đầu so với vui chơi số đông. Họ cho rằng, sau thời gian dài đóng băng, sự nhiệt tình của giới trẻ hay những người yêu ca hát đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất. Đây chính là tin hiệu không mấy khởi sắc cũng như không có biện pháp nào nổi trội để vực dậy ngày dịch vụ này.

Những buồng karaoke mini được đặt ở các vị trí như ga xe lửa, rạp chiếu phim hay trung tâm thương mại tại các nước châu Á (Hình ảnh: Internet)

Hiện nay, ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang dần chuyển hóa quy mô các quán karaoke rộng lớn thành các quầy hát karaoke mini đặt để gần các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, sân bay hay thậm chí là ga tàu điện. Những buồng hát mini có dạng mô hình bốt điện thoại, được trang bị máy điều hòa, 1 hoặc 2 chiếc ghế và có tai nghe nhỏ gọn để sẵn nhằm tạo sự thoải mái và thân thiện đối với người dùng.

Một thanh niên tên Go Yamaguchi sống tại Tokyo, Nhật Bản cho biết, bản thân anh từng cảm thấy xấu hổ khi hát trước mặt bạn bè, nhưng khi đi hát một mình tại cái buồng hát mini thì anh hoàn toàn tự tin, cảm thấy thoải mái và đặc biệt hơn là không phải chờ đến lượt.