VĂN HÓA

Quảng Ninh xác minh bài thơ cổ bị vùi dưới chân núi Bài Thơ

DDVN • 28-10-2021 • Lượt xem: 348
Quảng Ninh xác minh bài thơ cổ bị vùi dưới chân núi Bài Thơ

Một bài thơ cổ được cho là của Nguyễn Cẩn đã bị chôn vùi dưới chân núi Bài Thơ (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) đang chuẩn bị được khai quật để xác minh.

Ngày 28.10, thông tin từ UBND TP.Hạ Long cho biết đơn vị này đang phối hợp với Sở VH-TT Quảng Ninh để xác minh việc một bài thơ cổ trên núi của Nguyễn Cẩn sáng vào những năm 1910, nghi bị chôn vùi nhiều năm.


Việc thi công cảnh quan khuôn viên Đền thờ bài thơ cổ núi Bài Thơ đã khiến bài thơ của Nguyễn Cẩn bị vùi sâu dưới đất

Trước đó, theo phản ánh của người dân TP.Hạ Long, quá trình tôn nền thi công khu Đền thờ bài thơ cổ núi Bài Thơ đã khiến bài thơ của Nguyễn Cẩn bị vùi sâu dưới đất khoảng 2 m.

Một lãnh đạo TP.Hạ Long cho biết, địa phương này đang phối hợp với phòng chuyên môn của Sở VH-TT Quảng Ninh xem đó có phải là bài thơ hay không? Của ai sáng tác? Vào thời điểm nào?...vv, từ đó mới có phương án chính thức.

Theo Sở VH-TT Quảng Ninh, trước đây, bài thơ của Nguyễn Cẩn ở trên vách núi, nằm thấp hơn so với các bài thơ của vua Lê Thánh Tông và chúa Trịnh Cương.

Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Cẩn là một trong 3 thi phẩm kiệt xuất trong chùm thơ 12 bài, hiện còn trên vách đá núi Bài Thơ, được bảo tồn theo Luật Di sản.

Trong các bài thơ được khắc trên núi, bài thơ đầu tiên là của vua Lê Thánh Tông, được vua cho khắc năm 1468 khi nhà vua đưa quân đi tuần qua đây.

261 năm sau, vào năm 1729, chúa An Đô vương Trịnh Cương, khi đem quân đi tuần qua đây, thấy bài thơ của vua Lê Thánh Tông, bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú. Tuy nhiên, bài thơ của chúa Trịnh lại được khắc ở vị trí cao hơn bài thơ của vua Lê Thánh Tông. Chính vì thế, trong bài thơ của mình năm 1910, Nguyễn Cẩn đã trách mắng chúa An Đô vương Trịnh Cương vì ứng xử như vậy.

Nguyễn Cẩn có tên trong sách "Lược truyện các tác gia Việt Nam" do nhà thư mục học lớn là Trần Văn Giáp biên soạn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1971. Ông người làng Du Lâm, H.Đông Ngàn, nay là H.Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông có tên hiệu là Hương Khuê, tác giả nhiều bài thơ chữ Hán, được coi là một trong những nhà thơ xuất sắc cuối thời Nguyễn, đầu thế kỉ XX.

Nguyễn Cẩn làm quan Án sát triều Nguyễn, được vua Nguyễn bổ nhiệm làm Tuần phủ Quảng Yên, tức tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Theo Lã Nghĩa Hiếu/Thanhnien.vn