VĂN HÓA

Quy hoạch Thừa Thiên – Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc ở châu Á

Võ Hoàng Tuấn • 20-10-2022 • Lượt xem: 363
Quy hoạch Thừa Thiên – Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc ở châu Á

Ngày 19/10 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chính thức phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo thông tin từ Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia cho biết, toàn bộ địa giới hành chính khoảng 4.947 km2 của tỉnh Thừa Thiên – Huế bao gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố sẽ được quy hoạch.

Mục tiêu của nhiệm vụ quy hoạch lần này là từ đây đến năm 2025 phải xây dựng, phát triển Thừa Thiên – Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa đặc trưng của cố đô Huế.

Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành một trong những trung tâm văn hóa lớn, thu hút được nhiều khách tham quan du lịch của Đông Nam Á. Trong đó, Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung vào đầu tư và phát triển về văn hóa, du lịch, y tế. Thừa Thiên - Huế cũng sẽ được phát triển để trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục chất lượng cao. Dân số dự tính sẽ đạt khoảng 1,5 triệu người.

Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành phố festival, trung tâm văn hóa đặc sắc của châu Á. Dân số tại thời điểm này dự tính sẽ đạt khoảng 1,85 triệu người.

Trong nhiệm vụ quy hoạch có ghi rõ cần phải phân tích bối cảnh phát triển và mối liên hệ của Thừa Thiên - Huế với vùng Đông Nam Á, hành lang Đông - Tây và cả các đô thị lân cận. Song song đó phải rà soát và kiểm tra các dự án quy hoạch như quy hoạch vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế, quy hoạch chung thành phố Huế để kịp thời phát hiện và điều chỉnh.

Cần có những giải pháp để có thể kiểm soát không gian đô thị Huế và các đô thị vệ tinh xung quanh. Tìm hiểu và nghiên cứu các giải pháp để quản lý các khu vực như: khu Kinh thành, khu vực xung quanh các di tích lịch sử, khu vực vườn quốc gia, khu vực dọc bờ sông Hương, khu vực ven biển, đầm phá…

Đẩy mạnh kết nối giao thông với quốc tế, các khu vực lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng. Xây dựng hệ thống hạ tầng nội vùng để có thể liên kết khu vực trung tâm với các khu vực vệ tinh xung quanh và khu vực miền núi phía Tây.

Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sông Hương, phá Tam Giang, Cầu Hai, Lập An và bảo tồn vườn Quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân để có thể phát triển du lịch.

Thừa Thiên - Huế sau khi quy hoạch sẽ trở thành vùng kinh tế trọng điểm, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế với Lào và vùng đông bắc Thái Lan.