VĂN HÓA

Sách ‘Ân tình’ kể về hành trình tu học cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trần Yến • 25-05-2022 • Lượt xem: 1875
Sách ‘Ân tình’ kể về hành trình tu học cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trong tác phẩm “Ân tình”, bên cạnh những kỷ niệm với gia đình, quê hương, đồng đạo, tác giả còn đứng dưới góc nhìn của một sư thầy để lý giải những vấn đề của người trẻ.

Quyển sách là hoa trái hạnh phúc của một người đã tìm thấy sự chuyển hóa, là hành trình trên bước đường tu đạo của sư thầy Thích Chân Pháp Nguyện được ra mắt độc giả tại TP.HCM.

“Ân tình” nghĩa là tình thương hàm chứa sự biết ơn. Sự biết ơn của tác giả tồn tại ở nhiều dạng, nhiều thời điểm khác nhau. Trước là biết ơn gia đình, biết ơn người mẹ đã sinh ra sư thầy, cho người những bài học đầu tiên về cuộc đời. Sau là biết ơn sư ông Làng Mai, người đã lần nữa sinh ra một Thích Chân Pháp Nguyện trên con đường Phật học.

Trong chương “Vì sao tôi đi tu?”, tác giả đã viết: “Khi xưa, chưa biết tới pháp môn thực tập của Làng Mai, tôi đã lầm lẫn giữ dục lạc và an lạc. Tôi nghĩ rằng hạnh phúc tức là thỏa mãn được những ham muốn. Nhưng làm sao có thể thỏa mãn được tất cả những ham muốn của mình? Vì lòng tham vốn không có đáy”.

Trước khi bước vào con đường tu đạo, chính sư thầy cũng từng là một người trẻ, một thanh niên thành đạt trên đất Mỹ. Người thanh niên đó đã chạy theo những của cải vật chất không bao giờ thấy đủ. Để đến một ngày, sư thầy nhận ra dục lạc chỉ có khả năng giúp mình thoáng vui một chút, rồi sau đó lại làm cho những thèm muốn trong mình lớn mạnh hơn. Khi bước chân vào Làng Mai, người thanh niên ấy mới nhìn thấy được sự yên bình và an lạc mà bản thân tìm kiếm. Và người dẫn dắt sư thầy trong hành hình tìm kiếm sự bình yên đó, không ai khác ngoài thiền sư Thích Nhất Hạnh.

“Tôi hạnh phúc lắm bởi vì Thầy đã trao cho tôi một lý tưởng mới. Đó là lý tưởng thương yêu” – sư thầy chia sẻ.


Sư thầy Thích Chân Pháp Nguyện trong buổi lễ ra mắt sách "Ân tình"

Tác giả ký tặng sách cho các Phật tử

Trước đó, người học trò chẳng bao giờ nghĩ sẽ viết cho mình một quyển sách, nhưng khi sư ông bị bệnh, sư thầy mới thấm thía những lời thầy dạy. Lúc này, với sư thầy Pháp Nguyện, viết không phải để phơi bày những hiểu biết, mà là chia sẻ những kinh nghiệm tu học của chính mình với mọi người, làm cảm hứng cho người khác tu học.

Mỗi bài viết trong quyển sách là một câu chuyện. Và những câu chuyện đó được trải dài trong suốt 14 năm. Từ những ngày đầu tiên biết đến Phật học, cho đến quá trình tỉnh thức từ trong tâm. Những trải nghiệm, khám phá và học hỏi được tác giả ghi chép một cách cụ thể và chi tiết, từ đó cung cấp cho người đọc những hiểu biết về sinh hoạt và tu tập của đệ tử Làng Mai.

Nhưng không chỉ dừng tại đó, “Ân tình” còn là phương tiện để sư thầy Thích Chân Pháp Nguyện biểu lộ tấm lòng của một người học trò dành cho người thầy lớn trong cuộc đời. Xuyên suốt quyển sách, chân dung thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện ra rõ ràng và sống động qua từng kỷ niệm, từng lời răn dạy.

“Tôi thường liên tưởng người trẻ với hai hình ảnh: thác nước và mặt trăng. Mặt trăng tượng trưng cho sự tươi mát, hồn nhiên. Thác nước tượng trưng cho sự vội vàng. Tôi đã sống như một thác nước cho đến khi gặp được sư ông Làng Mai. Lúc đó, thác nước mới biết đi chậm lại như một dòng sông” - sư thầy chia sẻ.


Bìa sách "Ân tình"

Trong 6 năm làm thị giả của thiền sư Thích Nhất Hạnh, cùng ngài đi từ Đông sang Tây, Thích Chân Pháp Nguyện đã được chiêm nghiệm nhiều lẽ sống. Trong đó, không thể không kể đến cách tiếp cận và bao dung với người trẻ.

Trong những chương được viết riêng cho người trẻ, tác giả không né tránh những vấn đề được xem là nhạy cảm. Ngược lại, dưới góc độ của một sư thầy, Thích Chân Pháp Nguyện đã đưa cái nhìn trực diện và khoan dung vào thế giới của người trẻ, từ tình yêu, đồng tính, cho đến tình dục, bệnh tật hay cái chết, … Bởi trước khi bước vào con đường tu đạo, sư thầy cũng từng sống trong thế giới của người trẻ, cũng có những tham vọng và dục lạc thường thấy.

Sư thầy nhắn gửi đến người trẻ: “Cuộc đời rất quý giá và mầu nhiệm. Tôi mong những người trẻ thay vì vội vã như thác nước, hãy tập sống chậm lại để thưởng thức những điều tồn tại xung quanh. Bởi vì khi chạy, con người sẽ dễ dàng đánh mất sự sống và những gì đang có”.

Quyển sách đã ra đời đúng 100 ngày giỗ thiền sư. Người học trò với tấm lòng thương yêu và biết ơn đã nhờ người mang quyển sách dâng trên bàn thờ của ngài tại Huế.


Khu vực trưng bày những bức ảnh kỷ niệm về hành trình tu học của tác giả cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tác giả Thích Chân Pháp Nguyện có thế danh là Trịnh Ngọc Hảo, pháp danh Tâm Trúc Hảo, sinh năm 1975 tại Bạc Liêu. Năm 1999, sư thầy tốt nghiệp đại học Washington (Mỹ), bắt đầu con đường tu đạo tại Đạo Tràng Mai Thôn (Pháp) vào 2008. Sư thầy là đệ tử thứ 483 của Làng Mai, thuộc thế hệ thứ 43 của phái Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện đang tu học và giảng dạy tại Tu viện Vườn Ươm, Làng Mai Thái Lan.

Ảnh: Trần Yến