VĂN HÓA

Sân khấu chỉ còn 'toàn trò diễn' thì sẽ ra sao?

Trinh Nguyễn • 04-12-2021 • Lượt xem: 282
Sân khấu chỉ còn 'toàn trò diễn' thì sẽ ra sao?

Thiếu kịch bản hay, sân khấu sẽ chỉ còn trò diễn, là ý kiến của đạo diễn Lê Quý Dương.

Đạo diễn Lê Quý Dương, đạo diễn của Làm vua (vở diễn vừa được huy chương vàng Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021) chia sẻ nỗi lo về thiếu thốn kịch bản sân khấu, chưa kể lối dựng thiên về trò diễn cũng là một nguy hại.

Làm vua của đạo diễn Lê Quý Dương vừa nhận huy chương vàng cho vở diễn tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021  TL

Khép lại một liên hoan kịch nói toàn quốc, cũng khép lại 2 năm sân khấu kịch khó sáng đèn vì Covidd-19, ông đánh giá thế nào về điểm yếu của kịch bản sân khấu: tình tiết nghèo nàn, lời thoại kịch "thiếu muối", hay nhân vật phát triển thiếu logic, hay thẩm mỹ đã quá cũ?

- Đạo diễn Lê Quý Dương: Các vấn đề mà câu hỏi đặt ra đã chạm đúng sân khấu kịch Việt Nam hôm nay. Kịch bản sân khấu hiện nay đúng là nghèo nàn, thoại nhạt, nhân vật thiếu logic và thẩm  mỹ thì hầu như không thay đổi cả chục năm.

Cần thừa nhận rằng đa số tác giả kịch bản xuất phát điểm là các nhà văn, nhà thơ. Có cả nhà báo, hoạ sĩ và đôi khi là cả những nhà quản lý hoặc những ngành nghề chuyên môn hoàn toàn không liên quan đến kịch học. Bởi vậy, điểm chung của nhiều kịch bản là đọc có vẻ rất hay vì nó tràn đầy cảm xúc và ngôn ngữ của tác giả nhưng tính sân khấu rất thiếu nên sẽ vô cùng khó dựng.

Nhìn lại cố tác  giả  Lưu Quang Vũ, không phải vở kịch nào của ông cũng có kỹ thuật viết tốt. Tuy nhiên, vấn đề của những vở kịch ấy luôn rất thu hút. Liệu bài học kịch bản ở đây là gì, thưa ông?

- Quan trọng nhất của một kịch bản, theo tôi, là vấn đề tư tưởng mà tác phẩm đặt ra. Đó là khởi nguồn đầu tiên cho một kịch bản hay. Khi vấn đề mang tính phát hiện sâu sắc thì hệ thống mâu thuẫn xung đột sẽ trở nên tầm cỡ và các tính cách sẽ mang tính khái quát và điển hình cao.

Nguyên nhân sâu xa nhất để dẫn tới thực tế vắng vẻ của cả sân khấu tư nhân lẫn nhà nước hiện nay là thiếu vắng tác phẩm chạm tới các vấn đề nóng bỏng cấp bách được xã hội quan tâm.

Có một chức danh rất lạ, đó là cố vấn văn học kịch của vở diễn. Nhà hát Tuổi trẻ từ rất lâu đã mời PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái làm cố vấn như vậy. Sau đó, Nhà hát kịch Việt Nam, kịch Lệ Ngọc cũng mời bà Thái. Song, không phải nhà hát nào cũng làm thế. Ông đánh giá việc này thế nào?

- Các nhà viết kịch cần hết sức tỉnh táo khi quyết định chọn và trao tác phẩm của mình cho đạo diễn. Đừng chỉ vì dựng được vở mà sẵn sàng trao tác phẩm cho những đạo diễn tự mình còn cảm thấy chưa phù hợp và trọn vẹn tin tưởng. Ngược lại, đạo diễn cũng vậy. Đừng vì cơ hội dựng vở mà kịch bản nào cũng nhận khi chưa thực sự có những rung cảm đồng điệu với tác phẩm.

Sân khấu quốc tế có một nghề nghiệp với chuyên môn sâu mang tên “cố vấn văn học” (dramaturge). Vị trí này rất quan trọng vì mang trách nhiệm đảm bảo giá trị văn học kịch phải được bảo vệ và duy trì trong vở diễn sân khấu. Bạn thử hình dung xem mình sẽ cảm xúc thế nào khi xem một vở diễn sân khấu chỉ toàn trò diễn? Bạn sẽ chỉ vui buồn khóc cười trước các trò diễn đó trong chốc lát thôi chứ vở diễn không còn đọng lại gì trong bạn khi nó kết thúc.

Thu Quỳnh - nữ nghệ sĩ trẻ hiếm hoi được trọng dụng cả ở sân khấu lẫn truyền hình  ẢNH FB NHÂN VẬT

Mô hình trại sáng tác kịch bản mà ta vẫn sử dụng trong những năm qua liệu có ổn không, thưa ông?

- Mô hình tổ chức các trại sáng tác kịch bản hiện nay đang vô cùng lãng phí, thiếu hiệu quả và không kích thích được tiềm năng sáng tác. “Có tích mới dịch nên trò”. Không có những kịch bản tầm cỡ sẽ không bao giờ có được một nền sân khấu tầm cỡ dù với bất cứ cơ chế nào. Muốn có kịch bản tầm cỡ thì phải có những tác giả tầm cỡ. Muốn có những tác giả tầm cỡ thì phải đầu tư dài hạn, mở rộng cơ hội, tạo nhiều điều kiện, liên tục động viên khích lệ và tạo nên một môi trường vừa đồng hành vừa cạnh tranh cho những cây bút mới xuất hiện.

Làm sao chúng ta có thể có được một một nền sân khấu tràn đầy sinh lực nếu đếm số tác giả kịch bản trong cả nước chưa hết số ngón trên hai bàn tay?

Vấn đề của diễn viên thì sao thưa ông?

Các diễn viên trẻ của chúng ta đang thiếu cơ hội đào tạo. Họ cũng thực sự thiếu cơ hội được làm việc, được phấn đấu và cạnh tranh tài năng trong một môi trường khách quan và lành mạnh. Nhiều diễn viên tâm sự ra trường về nhà hát không có cơ hội được lên sàn diễn nên đam mê và nhiệt huyết cũng thui chột dần, chưa nói đến những tài năng chưa kịp phát sáng đã chết yểu.

Đạo diễn Lê Quý Dương 53 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Năm 2001, Lê Quý Dương được Chính phủ Liên bang Úc và Khối Liên hiệp Anh trao tặng Giải thưởng Nghệ thuật mang tên cố Thủ tướng Anh, Winston Churchill với thành tích ứng dụng các tinh hoa nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam và châu Á vào sân khấu đương đại Úc qua vở diễn Lời thỉnh cầu mùa xuân.

Ông cũng là đạo diễn của các chương trình “đinh” tại Festival Huế như Đêm Hoàng cung (2006), Huyền thoại Sông Hương (2008), Hành trình mở cõi (2010), Thiên hạ Thái Bình (2012), tạo nên những dấu ấn văn hóa đặc sắc và độc đáo.

Ông còn là đạo diễn của Làm vua - vở diễn đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021.

 

Tag: