Sắp vào năm học mới, nhiều nỗi lo về chi phí sinh hoạt trở thành gánh nặng và áp lực cho các bạn sinh viên. Đặc biệt là các bạn ở miền quê, ở vùng ven ngoại thành lên thành phố học tập thì chi tiêu bao nhiêu, chi tiêu như thế nào cho hợp lý quả là một bài toán khá nan giải.
Năm 2017, Công Ty Nghiên Cứu Thị Trường Q&M khảo sát trên 1.000 sinh viên cho thấy mức chi tiêu Trung bình hàng tháng của sinh viên sống cùng gia đình là 3,78 triệu đồng, và con số này là 4,92 triệu đồng với sinh viên không sống cùng gia đình.
Dưới đây là 5 khoản chi phí mà đa số các bạn sinh viên phải chi trả trong một tháng:
- Chi phí học tập ( học phí, giáo trình tài liệu, thiết bị dụng cụ học tập)
- Chi phí thuê phòng trọ, nhà ở, điện nước wifi
- Chi phí phương tiện di chuyển ( xe bus, xe đạp, xe máy,...)
- Chi phí ăn uống hằng ngày
- Chi phí sinh hoạt cá nhân ( mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí)
Tùy điều kiện và hoàn cảnh sống, mỗi bạn sinh viên đều có những khoản chi tiêu khác nhau. Nhưng trung bình dao động từ 4-5 triệu đồng. Có những bạn chi tiêu đến cả chục triệu đồng/tháng.
Một số chia sẻ của các bạn sinh viên:
Bạn Tiến Đạt (quê Cà Mau) chuyên ngành Sư phạm trường Đại học Sài Gòn đã cùng ba lên thành phố sớm để săn nhà trọ giá rẻ. Bạn chia sẻ: “Do chuyên ngành mình học được hỗ trợ học phí, mình chỉ tốn tiền mua tài liệu hàng tháng khoảng 300.000đ. Mình chi khoảng 1,3 triệu tiền thuê phòng. Để tiết kiệm chi phí ăn uống nên mình tự nấu nướng tại nhà tốn khoảng 2 triệu, chi phí sinh hoạt khác như mua sắm cá nhân, đi chơi cafe với bạn khoảng 1 triệu. Vậy là ngót nghét gần 5 triệu/tháng”.
Bạn Minh Thy (Gò Vấp, TP.HCM) vẫn còn ngỡ ngàng khi nghe tin Trường Đại học Mở TPHCM thông báo di dời cơ sở Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) về một cơ sở mới tại Huyện Nhà Bè. Vốn nghĩ rằng được học gần nhà nhưng giờ đây những khoản chi phí phát sinh khiến bạn lo lắng. Phòng trọ mà bạn Minh Thy thuê vẻn vẹn 13m2 giá 2,5triệu/tháng đã bao điện, nuớc, wifi. Để tiết kiệm bạn rủ thêm một người bạn ở cùng để chia tiền nhà. Bạn Minh Thy cho biết thêm bạn phải tốn 2 triệu tiền ăn, các chi phí phát sinh khác khoảng 1 triệu. Vậy là bạn phải tốn đến gần 4,5 triệu/tháng.
Phòng trọ ở bạn Minh Thy thuê ở Huyện Nhà Bè
May mắn hơn các bạn, bạn Mỹ Anh (Quận 5, TP. HCM) vui vẻ kể do nhà gần trường nên tiết kiệm được khá nhiều các khoản chi phí. Ở cùng gia đình nên không phải lo lắng về tiền thuê trọ hay ăn uống. Chi tiêu cá nhân của cô nàng dao động khoảng 3 triệu - 4 triệu /tháng do vung tay cho những sở thích cá nhân như mua sắm, skincare, café “sang choảnh” cùng bạn bè.
Bạn Hoàng Quân (sinh viên năm 2, chuyên ngành IT đang theo học tại Cao Đẳng FPT) liệt kê các khoản chi tiêu trong tháng của mình: Nhà trọ 1,2 triệu/tháng, điện nước 300.000đ, chi phí ăn uống 2 triệu do ăn bên ngoài, xăng xe đi lại 500.000đ, chi phí phát sinh như mua sắm, đi chơi với bạn bè khoảng 1 triệu. Vậy là tính sơ sơ bạn đã dùng hết khoảng 5 triệu/tháng. Bạn kể thêm “Để trang trải, mình nhận công việc làm thêm ở tiệm bánh với mức lương khoảng 25.000/h. Nếu chăm chỉ mình có thể kiếm được 3,5 triệu/tháng phụ thêm với ba mẹ”.
Bạn Hoàng Quân làm thêm để trang trải cuộc sống
Tự lập từ nhỏ và có thêm nguồn thu nhập cao từ việc bán hàng online, bạn Minh Kiên khá mạnh tay cho các khoản chi phí. Bạn chia sẻ : “Do tính chất công việc phải thường xuyên livestream bán hàng và một phần quan tâm chất lượng cuộc sống nên mình thuê căn hộ mini ở Quận 7 khoảng 6 triệu/tháng. Mình cũng thích nấu ăn tại nhà nên khoảng 3tr/tháng cho chi phí ăn uống. Những khoản chi phí khác phát sinh trong tầm 2 triệu/tháng. Trung bình một tháng mình chi tiêu khoảng hơn chục triệu”.
Bạn Minh Phương (Tiền Giang) chia sẻ do theo học hệ Chất Lượng Cao nên học phí của bạn dao động từ 10 triệu - 13 triệu/học kỳ. Do ở nhà dì nên được dì hỗ trợ khá nhiều, tiết kiệm được chi phí thuê trọ. Chi phí ăn uống khoảng 3 triệu, chi phí khác như tiền xăng, sách vở, quần áo khoảng 2 triệu. Lâu lâu bạn có đi du lịch thì khoảng 1 triệu. Vậy là tính cả học phí mình chi khoảng 9 - 10 triệu một tháng.
Ngày nay, trên mạng xã hội luôn bùng nổ những tranh cãi về vấn đề sinh viên chi tiêu nhiều hay ít. Tuy nhiên tùy vào hoàn cảnh sống của mỗi người, không có một mức chung nào được đặt ra. Các bạn sinh viên cần có kế hoạch rõ ràng để việc quản lý chi tiêu diễn ra hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng “cháy túi” vào cuối tháng.