VĂN HÓA

Sóc Trăng tưng bừng lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer

Lan Hương • 09-11-2022 • Lượt xem: 790
Sóc Trăng tưng bừng lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer

Ngày 7/11, hàng nghìn vận động viên từ khắp nơi nô nức bước vào cuộc tranh tài giải đua ghe Ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là giải đua lớn nhất các tỉnh miền Tây được tổ chức vào dịp lễ Oóc Om Bóc tại Thành phố Sóc Trăng.

Đua ghe Ngo là lễ hội truyền thống của người dân đồng bào Khmer hằng năm, bên cạnh Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và lễ cúng ông bà Sene Dolta. Đây được xem là một trong những sự kiện văn hóa lớn, mang tầm ảnh hưởng khu vực và quốc gia.

Giải đua được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và khu vực ĐBSCL lần thứ V nói riêng. Đây là một trong những hoạt động hấp dẫn, đồng thời nhằm phát huy mục tiêu bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống của đòng bào dân tộc khmer. Đặc biệt hơn, mới đây lễ hội đua ghe Ngo đã được xếp vào danh mục các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nằm trong chuỗi các sự kiện của lễ hội Oóc Om Bóc, đua ghe Ngo năm nay sôi động và hấp dẫn với 54 đội đăng ký đến từ các tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và đội chủ nhà Sóc Trăng, riêng tỉnh Sóc Trăng có 40 đội.

Không khí hai bên bờ Maspero sôi động

Nghi thức khai mạc diễn ra vào sáng 7/11, sau đó các đội bước vào tranh tài vòng loại trên dòng Maspero. Từ sáng sớm, rất nhiều người dân, du khách đã đổ về hai bên bờ sông để theo dõi, hò reo và cổ vũ cho các đội làm không khí trở nên hào hứng.

Rất nhiều vận động viên không chuyên đã đăng ký tham gia càng làm cho tinh thần thi đấu thêm sôi động và nhiệt huyết. Trong số 54 đội dự thi có 9 đội nữ và 45 đội nam. Các đội ghe Ngo nam bước vào tranh tài khá quyết liệt với cự ly giải đua là 1.200m và cự ly 1000m dành cho đội nữ.

Cơ cấu giải thưởng cũng không kém phần hấp dẫn, với các đội ghe nam, giải thưởng cho đội vô địch sẽ được nhận cup và tiền thưởng có giá trị đến 200 triệu đồng. Còn đối với đội vô địch nữ, cũng sẽ được nhận cup cùng số tiền thưởng 150 triệu đồng. Ngoài ra ban tổ chức còn hỗ trợ 20 triệu đồng cho mỗi đội tham dự.

Nhiều sự kiện diễn ra xung quanh lễ hội

Tham gia ngày hội, rất nhiều người dân và khách tham quan từ khắp nơi sẽ được chiêm ngưỡng những điệu hát dân ca, dân vũ, múa trống Sadăm, các điệu múa dân gian saravan, múa Răm – vông, nghệ thuật sân khấu Rô Băm, hát Dù kê say đắm lòng người. Ngoài ra du khách còn được thưởng thức âm thanh của nhạc ngũ âm – loại âm thanh đặc biệt và là biểu tượng không gian văn hóa, tiếng lòng của đồng bào Khmer với thần linh, thiên nhiên và con người.

Ngoài ra khách tham quan khi đến đây vào dịp lễ hội Oóc Om Bóc còn được chiêm ngưỡng những bộ trang phục rực rỡ trong buổi trình diễn của các nghệ nhân Khmer, được đắm chìm trong không gian lễ hội với đời sống tín ngưỡng, tâm linh thể hiện qua sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân đến từ khắp các tỉnh thành Nam Bộ.

Thêm một dấu mốc đặc biệt trong lễ hội năm nay, Tổ chức kỷ lục Guinnes Việt Nam đã công nhận đua ghe Ngo - Lễ hội Oóc Om Bóc Sóc Trăng có số lượng vận động viên tham gia cũng như số lượng đội ghe nhiều nhất. Giải đua ghe Ngô sẽ diễn ra vòng chung kết và trao giải vào chiều 8/11.