VĂN HÓA

'Sông Hồng cuộn sóng': Nhắc nhớ những ngày chiến đấu kiên cường của quân và dân Thủ đô

May May • 09-10-2023 • Lượt xem: 3598
'Sông Hồng cuộn sóng': Nhắc nhớ những ngày chiến đấu kiên cường của quân và dân Thủ đô

Ngày 10/10/1954, Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, đây được xem là mốc son lịch sử đánh dấu sự chấm dứt ách đô hộ thực dân Pháp, mở ra thời kỳ mới cho miền Bắc Việt Nam. Nhân dịp, kỷ niệm 69 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng” với 2 nội dung "Trường kỳ kháng chiến" và "Ngày về lịch sử".

Trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng" tái hiện không khí sục sôi ngày giải phóng Thủ đô và nhắc nhớ những chiến đấu kiên cường, gian khổ của quân và dân thủ đô, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Thông qua buổi trưng bày khơi gợi niềm tự hào dân tộc và tình yêu nước, cũng như giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đến các thế hệ người Việt Nam. Đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay càng thêm "giữ lửa truyền thống - tiếp bước tương lai" theo lời dạy của ông cha, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp, xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, trong buổi lễ khai mạc còn tái hiện hoạt động chào cờ và hát quốc ca mừng Tết Nguyên đán của của các chiến sĩ cách mạng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò mang đến nhiều cảm xúc và ấn tượng cho khách tham quan.

Không gian trưng bày được thể hiện qua 2 nội dung: Trường kỳ kháng chiến Ngày về lịch sử. Trong đó, nội dung Trường kỳ kháng chiến tái hiện lại giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong suốt 60 ngày đêm đầy khói lửa ở Hà Nội: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nhắc nhớ về những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ già, trẻ, gái trai đều sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh “giam chân” địch trong lòng thành phố. 

Đồng thời, Trường kỳ kháng chiến còn nhắc nhớ những năm 1947 - 1954 với những phong trào đấu tranh diễn ra mạnh mẽ của những sinh viên, học sinh với nhiều hình thức như: treo cờ, bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bị kẻ địch sát hại, biểu diễn văn nghệ cổ vũ lòng yêu nước… Đặc biệt, không thể quên sự kiện nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 18/5/1948, đồng chí Nguyễn Sỹ Vân, học sinh kháng chiến Trường Chu Văn An và các bạn học là Nguyễn Văn Khâm, Nguyễn Trọng Quang đã dũng cảm bơi ra hồ Hoàn Kiếm, cắm cờ đỏ sao vàng tại tháp Rùa. Lần đầu tiên cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay giữa lòng Hà Nội kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô rút lên chiến khu, đã trở thành sự kiện gây tiếng vang lớn khắp Hà Nội.

Đối với nội dung trưng bày Ngày về lịch sử, khách tham quan được hiểu thêm về thời điểm sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Trong 80 ngày đó, Hà Nội chưa có hòa bình, quân và dân Thủ đô phải tiếp tục cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới tiếp quản. Ngày 10/10/1954, Hà Nội chính thức hoàn toàn được giải phóng trong cảm xúc hân hoan vỡ òa của người dân Thủ đô. Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Các hình ảnh, hiện vật trong không gian trưng bày khiến du khách không khỏi vỡ òa, sống lại không khí nhân dân Thủ đô náo nức đoàn quân thắng trận trở về.

Bên cạnh đó, không gian trưng bày Sông Hồng cuộn sóng còn có thêm các điểm nhấn để du khách chụp ảnh lưu niệm: Khu vực cổng trưng bày gợi nhớ hình ảnh những con sóng sông Hồng đang trào dâng mạnh mẽ như tinh thần bền bỉ, gan góc chiến đấu, quyết tâm giành lại độc lập, tự do của quân và dân Hà Nội; hình ảnh người tử tù đang cưa song sắt cống ngầm Nhà tù Hỏa Lò để tổ chức vượt ngục vào đêm ngày 24/12/1951, hình ảnh nữ sinh kháng chiến Trường Nữ Trung học Trưng Vương (Hà Nội) tham gia diễu hành, rước cờ đề cao tinh thần chống ngoại xâm trong buổi lễ kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại đền thờ Hai Bà, năm 1953. Tất cả những hình ảnh trong không gian trưng bày đều được tái hiện một cách chân thật, sống động thể hiện niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn với quá khứ lịch sử hào hùng. của thế hệ trước đã chiến đấu anh dũng Thông qua đó, khơi dậy tình yêu nước và gìn giữ độc lập tự do, xây dựng phát triển nước nhà thời kỳ hòa bình.