ĐỜI SỐNG

Sức nóng của du lịch trong những tháng cuối năm 2022

Hoa Vũ • 12-10-2022 • Lượt xem: 784
Sức nóng của du lịch trong những tháng cuối năm 2022

Trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 kéo dài, khiến cho các ngành nghề chững lại. Du lịch đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong 2 năm đại dịch hoành hành. Đầu năm 2022 với những chuyển biến tốt của thị trường trong nước, ngành du lịch đã có những nét khởi sắc và được dự đoán sẽ trở nên bùng nổ hơn nữa vào những tháng cuối năm nay.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, năm 2022 đối với khách du lịch trong nước thì Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đón và phục vụ 65 triệu lượt khách du lịch trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa. Mới qua 8 tháng ước tính ngành này đã đạt 85 triệu lượt khách nội địa, vượt  kế hoạch so với cả năm 2022. Đặc biệt trong dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 – 1/5, các khâu phòng chống dịch bệnh như khai báo y tế với khách du lịch cũng đã được tạm dừng vào ngày 27/04/2022, cũng như vậy thì lệnh xét nghiệm covid cũng đã được dỡ bỏ vào ngày 15/5/2022.

Điều này đã tạo điều kiện cởi mở thuận lợi cho các du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó việc mở cửa các đường bay quốc tế cũng phục vụ cho các mục đích cùng với nhiều sự kiện quan trọng như chính trị, văn hóa xã hội quan trọng được tổ chức như Sea Games 31 của Đông Nam Á 2021 đã góp phần làm cho nền du lịch ở Việt Nam được phục hồi.

Khách nội địa

Với nỗ lực phục hồi nhất là các chủ trương của Nhà Nước mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, các địa phương đã đẩy mạnh quảng bá, xây dựng những nhóm sản phẩm mới... Nhiều địa phương đã đạt con số kỷ lục về việc đón khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022. Ví dụ, TP.HCM đón 11 triệu lượt khách nội địa (đạt 61,6% kế hoạch năm 2022) với tổng số doanh thu từ đầu năm đến tháng 6 đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 30%. Thủ đô Hà Nội đón 8,61 triệu lượt khách, tăng gần 3 lần so với cùng thời điểm năm trước. Cùng với đó, du lịch nội địa ở mức khoảng 8,4 triệu lượt; tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Các địa phương phát triển nền du lịch biển, với lượng khách tăng đáng kể, nhất là những tháng hè cao điểm, như: Tỉnh Thanh Hóa là 6,8 triệu lượt khách, tăng 131,6%; tỉnh Quảng Ninh là 5,5 triệu lượt khách, tăng gấp 2,2 lần; tỉnh Khánh Hòa là hơn 1 triệu lượt du khách, tăng 128,64% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố Đà Nẵng có số lượng khách tăng nhanh từ cuối quý I-2022. Nhiều khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú có công suất phòng bình quân dịp cuối tuần đạt từ 70%-75%...

Du lịch mở cửa cũng khiến cho các dịch vụ khác cũng được đà tăng trưởng theo ví dụ như dịch vụ ăn uống, lưu trú trong 8 tháng năm 2022 cũng có mức tăng trưởng khá ấn tượng. Tổng doanh thu ước đạt 377,8 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có mức doanh thu tốt như: Cần Thơ tăng 95,5%; Đà Nẵng tăng 84%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 76,3%; Quảng Ninh tăng 72%; Hà Nội tăng 65,2%.

Đến tháng 8 năm 2022 con số này đã đạt mức 15,4 nghìn tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Một số địa phương đạt doanh thu du lịch lữ hành ấn tượng so với cùng kỳ năm trước như: Cần Thơ tăng 621,5%; Đà Nẵng tăng 471,3%; Hà Nội tăng 335,8%; Hải Phòng tăng 177,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 127,6%.

Từ khi hoạt động du lịch mở lại hoàn toàn, du lịch Việt Nam liên tục chứng kiến những tăng trưởng tích cực, đặc biệt là những tháng hè do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau 2 năm dịch bệnh. Ước tính đến hết năm 2022, lượng khách nội địa sẽ đạt và vượt mức 85 triệu lượt khách của thời điểm trước dịch năm 2019.

Điểm đến được khách nước ngoài quan tâm

Không chỉ khách nội địa, thị trường khách quốc tế cũng có chuyển biến tích cực, sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch. Ước tính khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần so cùng kỳ năm 2021. Theo khảo sát du lịch, khách Hàn Quốc và Mỹ đến Việt Nam nhiều nhất. Tiếp đến là khách từ các thị trường như Campuchia, Lào, Singapore, Pháp, Anh, Đức,… Trong tổng số 365,3 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không đạt 320,7 nghìn lượt người, chiếm 87,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 6,3 lần so với năm trước; bằng đường bộ đạt 44,5 nghìn lượt người, chiếm 12,2% và tăng 47%. Anh Yoo Jin Woo, du khách Hàn Quốc cho biết, những quy định phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã khiến anh và gia đình yên tâm khi lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến du lịch dài ngày. “Tôi rất ấn tượng với công tác phục vụ chu đáo, chất lượng dịch vụ tốt cùng nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn. Nhất định tôi và gia đình sẽ sớm trở lại Việt Nam”, anh Yoo Jin Woo chia sẻ.

Một công cụ tìm kiếm Google Destination Insights cho hay, sau 3 tháng Việt Nam chính thức mở cửa trở lại du lịch, lượng tìm kiếm thông tin từ thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 6-2022 tăng 1.125% so với cùng tháng năm 2021. Trong đó, các khách tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm: Mỹ, Singapore, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Đức, Canada, Anh... Các điểm đến được khách quốc tế tìm hiểu nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Đà Nẵng, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)...

Mặc dù lượng khách quốc tế đã có dấu hiệu tích cực so với hai năm 2020, 2021, song theo Tổng cục Du lịch, để so với thời điểm năm 2019 (khi chưa xảy ra dịch Covid-19), lượng khách giảm 92,9%. Mục tiêu của ngành Du lịch Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế là thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng.

Để đạt được việc này, Tổng cục Du lịch đang triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) đồng bộ trên các trang quảng bá du lịch Việt Nam cho khách quốc tế gồm trang web vietnamtravel, trang mạng xã hội Facebook, TikTok, Instagram, Youtube và Pinterest; các kênh truyền thông quốc tế cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Từ giờ đến cuối năm 2022, các địa phương trong cả nước sẽ tập trung đầu tư, phát triển, làm mới các dịch vụ du lịch chủ đạo. Trong đó, sản du lịch biển đảo đã được định hình rõ hơn với việc hình thành các khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cũng như đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số sản phẩm hỗ trợ cũng sẽ được quan tâm phát triển như du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm,… Hướng đến nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19 là xu thế tất yếu, cũng là mục tiêu chung của nhiều nước trong khu vực. Do vậy, việc duy trì tốc độ phục hồi của du lịch theo hướng tăng lượng du khách và tăng doanh thu sẽ là cơ sở để khẳng định vai trò, đóng góp của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.