VĂN HÓA

Tác giả 'Những chuyến tàu mùa hè': Yêu và sống đều hết mình để... viết!

KP • 26-11-2020 • Lượt xem: 700
Tác giả 'Những chuyến tàu mùa hè': Yêu và sống đều hết mình để... viết!

“Tuổi thanh xuân đi qua rồi thì có gặp lại được đâu mà chúng ta thì cứ mãi chòng chành về nó. Khôi biết ai cũng có những chòng chành, suy tư ấy, nên tốt nhất mình phải sống thật tốt, thật mãnh liệt cho ngày hôm nay vậy”. Đó là những lời chia sẻ của Bỉnh Khôi – tác giả cuốn “Những chuyến tàu mùa hè” nhân dịp trò chuyện với Duyên dáng Việt Nam vừa qua.

 

“Nhạy cảm là điểm mạnh của Khôi”

Khôi có 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Điều gì đã thúc đẩy Khôi chuyển từ việc viết lách để giới thiệu những cuốn sách đến bước ngoặt ra mắt một tác phẩm đầu tay như thế này?

Điều thúc đẩy Khôi viết quyển sách này là: tình yêu văn chương và môi trường làm việc. Ba Khôi là một người đàn ông có tính cách rất thi sĩ, yêu văn học và thơ ca, chính ông là người đã truyền cảm hứng yêu văn chương cho Khôi từ bé. Bên cạnh đó, Khôi may mắn vì gặp được nhiều thầy cô dạy văn ở trường trung học, đã chỉ dạy và bồi dưỡng thêm tình yêu văn học cho Khôi. Sau này đi làm, Khôi có cơ hội làm việc trong ngành truyền thông. Đặc thù ngành nghề cho Khôi được gặp gỡ, chia sẻ với rất nhiều người khác nhau: từ các nhà văn, đến doanh nhân rồi cả những bạn trẻ… Một ít người trong số họ lại trở thành bạn bè của Khôi và chia sẻ thêm những câu chuyện thú vị, truyền cảm hứng viết lách cho Khôi.

Tựa sách “Những chuyến tàu màu hè” hẳn gợi lên một kỷ niệm đặc biệt?

Khôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây, nơi quanh năm có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng. Mùa nắng thì luôn nhiều hơn mùa mưa. Bởi thế, Khôi cũng có nhiều những kỉ niệm gắn với mùa nắng, gắn với không gian địa lý nơi ấy. Vì vậy trong tập truyện ngắn và tản văn này, mỗi mẩu truyện Khôi đều có nhắc đến hình ảnh mùa hè. Với hình ảnh con tàu, Khôi xem nó giống như một cuộc đời, một cuộc hành trình. Mỗi ga tàu như một trạm dừng của cuộc đời để mình có thể nghỉ ngơi, học hỏi thêm nhiều bài học. Vì vậy, Khôi rất thích hình ảnh con tàu. Cũng từ đó mà “Những chuyến tàu mùa hè” ra đời.

Những truyện ngắn, tản văn trong cuốn sách của bạn có dành cho đọc giả ở mọi lứa tuổi? 

Khi bắt đầu viết, Khôi đã định rằng đây là tác phẩm Khôi dành tặng cho tất cả những người bạn, người thương bên cạnh mình và tất cả những người có thể đồng cảm cùng Khôi. Bất kể bạn là ai, bạn làm gì và bạn ở đâu.

binh_khoi_0_261120
"Những chuyến tàu mùa hè'"là tác phẩm đầu tay của tác giả Bỉnh Khôi

Có rất nhiều sách viết cho bạn trẻ, Khôi nghĩ điều gì làm nên sức hấp dẫn của tập truyện của bạn, để họ nghĩ “Những chuyến tàu mùa hè” đó là cuốn sách dành cho mình?

Khôi nghĩ đó là sự chân thành, mộc mạc và gần gũi. Những câu chuyện của Khôi đều được viết nên từ những cảm xúc thật xoay quanh cuộc sống hằng ngày. Và Khôi nghĩ từ trái tim sẽ kết nối đến trái tim mà thôi.

Trong cuốn sách “Những chuyến tàu mùa hè”, điều gì đã làm nên cảm hứng cho bạn để tạo dựng hình ảnh người ba trong xuyên xuốt 3/20 tác phẩm của tập truyện ngắn? Trong cuộc sống, ba có phải là người có sức ảnh hưởng sâu sắc nhất tới bạn hay không?

Ba Khôi là một người tuyệt vời, cùng với mẹ Khôi ông đã cho Khôi được cảm hứng sống, học tập và làm việc thật tốt. Ba Khôi vốn dĩ là người khó tính. Từ nhỏ, ông đã rèn giũa, dạy bảo anh chị em Khôi rất kĩ trong sinh hoạt hằng ngày, từ lời nói đến cách ứng xử. Vì vậy, cuộc sống của Khôi luôn có một phần chiếm lĩnh rất lớn những kí ức và tình cảm của gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống vốn không tránh khỏi những điều nuối tiếc. Trong những năm tháng còn trẻ tuổi, với tính cách và suy nghĩ bồng bột, có những lúc Khôi thấy mình thiếu sự quan tâm dành cho gia đình và bố mẹ. Sự nuối tiếc đó được Khôi gửi gắm vào quyển sách này đặt cạnh sự tự hào.

Trong buổi ra mắt sách, Khôi từng được ca sĩ Vy Vy nhận xét là một người khá nhạy cảm với những chuyện xảy ra xung quanh, sự nhạy cảm này đã mang đến cho Khôi những thuận lợi và hạn chế nào trong quá trình sáng tạo nghệ thuật?

Khôi luôn nghĩ sự nhạy cảm trước cuộc sống xung quanh đôi lúc lại là điểm mạnh của Khôi. Khôi rất dễ xúc động trước cái đẹp, cái vui, cái buồn. Ví như, hôm nay lái xe đi làm gặp một bà cụ bán vé số bị mắc mưa giữa đường, Khôi cũng buồn; nghe câu chuyện không vui của người em đồng nghiệp, mình cũng thấy thương em, trăn trở giúp em. Chính sự nhạy cảm giúp Khôi bắt nhịp tốt với cảm xúc của những người xung quanh, có thể dễ dàng chia sẻ, động viên, kết nối với mọi người.

“Yêu hết mình, sống hết mình và làm việc hết mình”

Các truyện ngắn của Khôi thể hiện hầu hết các nhân vật: từ cậu bé, cô bé đang tuổi ăn tuổi học đến những cô gái, chàng trai đang đứng trước ngưỡng cửa đại học, tốt nghiệp hay đang trên đỉnh cao của sự nghiệp; từ chú lái xe ba gác đến cô bán tàu hủ. Những tuyến nhân vật như vậy đã góp phần làm nên một bức tranh đầy màu sắc cho tập truyện của Khôi. Khôi đã muốn truyền tải những thông điệp như thế nào khi xây dựng những nhân vật như vậy với một giọng văn trân trọng như thế?

Với mỗi một câu chuyện như thế, Khôi luôn muốn gửi gắm những thông điệp khác nhau. Nếu để ý, độc giả sẽ thấy hầu hết nhân vật trong các câu chuyện này đều có một cuộc sống rất đau khổ và trắc trở. Tuy nhiên, dù có đau khổ thế nào, họ vẫn chọn cách sống và bước tiếp. Với Khôi, khi bạn rơi vào bế tắc nhưng bạn vẫn can đảm đứng dậy bước tiếp thì đã là một điều kì diệu và đáng trân trọng. Bên cạnh đó, Khôi nghĩ rằng: muốn có được hạnh phúc thì phải trải qua nhiều đau khổ; hạnh phúc và khổ đau luôn luôn phải đi cùng nhau. Có như thế thì sau hành trình khổ đau chúng ta mới càng trân trọng hạnh phúc mình có hơn.

Người ta thường nghĩ người trẻ là đối tượng dễ bị chông chênh nhất trong cuộc đời vì chưa có đủ độ chín chắn để suy xét mọi thứ. Là một người trẻ, Khôi đã và đang trải qua thanh xuân chông chênh đó như thế nào?

Khôi đã và đang trải qua rất nhiều chông chênh. Chông chênh sau một cuộc tình tan vỡ; chông chênh khi sự nghiệp chưa ổn định mà ba mẹ ngày càng già đi; chông chênh khi đối diện với ước mơ của mình và nỗi lo cơm áo gạo tiền ngoài kia. Nhưng Khôi luôn nghĩ cứ đi rồi sẽ đến, tuổi trẻ mà, mình cứ chông chênh, cứ đối mặt, và cứ đam mê, rồi mình sẽ tốt lên theo từng ngày mà thôi.

binh_khoi_1_261120
Tác giả Bỉnh Khôi hiện làm trong lĩnh vực truyền thông - Ảnh: NVCC

Trong truyện ngắn "Những mồ côi” bạn có viết: “Những điều tốt đẹp thường chỉ đến sau khi một trận bão táp, phong ba tơi bời đi qua”. Đây có phải là một thông điệp bạn muốn nhắn nhủ tới những người trẻ như mình trên con đường tìm đến hạnh phúc viên mãn của bản thân?

Khôi nghĩ ai trong chúng ta cũng có những nỗi lo lắng của riêng mình. Nhưng tin Khôi đi, khi bạn cố gắng sống tốt, cư xử tốt, làm một người tốt thì những điều tốt đẹp rồi sẽ đến với bạn mà thôi.

Trong truyện ngắn “Ở tiệm cà phê tự sát”, bà chủ quán có một câu nói: “Mọi thứ được lập trình giống như những khoảnh khắc vui buồn trong cuộc đời này, suy cho cùng cũng chỉ có một lần xảy đến, tốt nhất nên sống trọn vẹn với nó để đừng phải hối hận gì cả”. Khôi nghĩ như thế nào về câu nói này, bạn có cho rằng đây là một trong những câu nói thể hiện quan niệm sống của bạn hay không?

Câu nói này cũng là một trong những quan điểm trong cuộc sống của Khôi. Khôi là kiểu người yêu hết mình, sống hết mình và làm việc hết mình. Theo Khôi, khi đó, bạn sẽ không hối hận vì có bất kì điều gì không may xảy ra, ít ra bạn cũng đã cố gắng sống với nó trong từng phút, từng giây.

Đọc tập truyện thấy có một cái tứ về sự trôi đi của thời gian: “Mấy năm qua như cái chớp mắt”, “những năm tháng sau này”, “tuổi thanh xuân đã biến mất tự khi nào”, “những tháng năm vội vã”. Đối với Khôi, đây có phải là một cái tứ để nhắn nhủ với người đọc về một sự nuối tiếc nào đó sau khoảng thời gian mùa hè của đời người?

Khôi nghĩ cuộc đời này rất ngắn, chớp mắt một cái những người quanh mình có thể rời xa mình bất kì lúc nào. Khôi là người đã từng nuối tiếc nhiều thứ chỉ vì sự vô tâm, hời hợt của một người trẻ.  Khôi luôn muốn những người sau mình hoặc ít nhất là những người thấy được điều này trong sách của Khôi sẽ sống hết mình và cháy bỏng hơn Khôi nữa, để phải nuối tiếc ít hơn hoặc không nuối tiếc điều gì cả.

Người đọc bắt gặp câu tựa “Nếu gặp lại nhau ngày sau, liệu ta sẽ thế nào?” trên bìa sách. Đây là phải chăng là một câu tựa cố ý mà bạn muốn nhắn nhủ gì cho riêng mình và độc giả? 

Đó lại tiếp tục là một lời tự tình, một lời tự sự, trăn trở của một người trẻ. Thật ra đây là một câu hỏi tu từ, với hàm ý tuổi thanh xuân đi qua rồi thì có gặp lại được đâu mà chúng ta thì cứ mãi chòng chành về nó. Khôi biết ai cũng có những chòng chành, suy tư ấy, nên tốt nhất mình phải sống thật tốt, thật mãnh liệt cho ngày hôm nay vậy.

Xin cảm ơn Bỉnh Khôi đã dành thời gian trò chuyện với DDVN!

Sự bùng nổ của những cây bút trẻ

Những năm gần đây, văn đàn Việt Nam thổn thức trước những tác phẩm của người trẻ. Hầu hết những tác giả trẻ đều thuộc thế hệ 8X, 9X với những sáng tác lấy chất liệu là cuộc sống và trải nghiệm của họ trong cuộc sống hiện tại. Nhiều cây bút trẻ được độc giả biết đến rộng rãi với các sáng tác ghi danh “best-seller”.

Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Buồn làm sao buông (Anh Khanh), Chúng ta rồi sẽ ổn thôi (Gào – Minh Nhật), Sẽ có cách, đừng lo! (Tuệ Nghi), Người lớn không khóc (Hamlet Trương), Lưng chừng cô đơn (Nguyễn Ngọc Thạch), Thương nhau để đó (Iris Cao), Dành cả thanh xuân để chạy theo idol (Hồng Trân), Người lớn cô đơn (Phan Ý Yên)…

Mỗi tác giả một văn phong nhưng đều muốn truyền đến đọc giả những cảm thụ, trăn trở của bản thân về cuộc sống gia đình, bạn bè, sự nghiệp và trải nghiệm trong bối cảnh hiện đại. Những dấu hiệu khởi sắc của các cây bút trẻ trong văn đàn, hứa hẹn sự chuyển giao đầy tích cực, nhiều màu sắc cho văn chương Việt.