Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh: tên gọi thân thương và trân trọng xuyên suốt thế kỷ nay. Người được biết đến, thu phục nhân tâm nhân loại bởi trước hết ở lòng nhân ấi. Có bao nhiêu bài viết, sách in về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa? Đối với giới nghiên cứu lịch sử, chính trị và văn hóa thì Hồ Chí Minh là một đề tài luôn rộng mở, thách thức và đầy hứng thú. Sự tôn vinh của thế giới hết sức khách quan. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là di sản quý báu của dân tộc Việt Nam.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ chào mừng Đường sách Thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động 22/12/2023 – 1/1/2024, vào 9 giờ sáng thứ Ba ngày 26/12/2023, tại Sân khấu chính Đường sách Thành phố Thủ Đức (Công viên đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú, TP. Thủ Đức), tác giả Trần Đình Việt sẽ có buổi giao lưu, trò chuyện cùng quý độc giả về đề tài “Bác Hồ - một tình yêu bao la”.
Cuốn sách "Lòng nhân ái của Bác Hồ" do Trần Đình Việt nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn đã phác họa một nét chân dung Hồ Chí Minh: lòng nhân ái. Đây là cảm nhận bao trùm của hết thảy những ai được trực tiếp đối thoại với Hồ Chí Minh, dù họ khác nhau về tuổi tác, địa vị, chính kiến, nghề nghiệp, màu da… Lòng nhân ái của Bác Hồ là chủ đề xuyên suốt, những câu chuyện cảm động nhân văn gần gũi của vị lãnh tụ và danh nhân văn hóa thế giới sẽ làm người đọc bất ngờ, đồng thời nhớ lại câu nói rất đúng của GS Trần Văn Giàu: “Đề tài về Hồ Chí Minh là nguồn giếng trời không bao giờ cạn”.
Cuốn sách hơn 500 trang gồm 2 phần: Phần 1, khoảng 40 trang tiểu luận của tác giả (Nhân ái Hồ Chí Minh); Phần 2, là tuyển chọn sưu tầm 54 câu chuyện đặc biệt của nhiều tác giả nổi tiếng trong ngoài nước (Muôn vàn tình thân yêu). Phần tiểu luận của cuốn sách giúp chúng ta hiểu sâu chữ Nhân, chữ Dân trong lòng Bác Hồ và kết của tiểu luận dẫn lời cụ Hoàng Đạo Thúy: “Đến bây giờ tôi thấy rằng: Xa rời đạo đức của Hồ Chủ tịch là điều đau xót nhất”. Đó là lời nhắc nhở không chỉ thời cụ Hoàng Đạo Thúy mà có thể soi vào tình hình thời sự hiện nay…
Sau những phân tích về lòng nhân ái được trình bày ở phần đầu tập sách, tiếp theo sẽ là hồi ức của những người đã gặp Hồ Chí Minh. Họ là các anh hùng, chiến sĩ, nhà báo, nhà giáo, văn nghệ sĩ, con nuôi, là ân nhân, đồng chí từng vào sinh ra tử, có cả tướng lĩnh, chính khách khác chiến tuyến. Người biên soạn đã tuyển chọn những câu chuyện đại diện ở những thời gian khác nhau trong bước đường hoạt động của Người. Đặc biệt của những người sống cùng, làm việc lâu năm với Hồ Chí Minh như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… Dư âm của những câu chuyện lắng đọng mãi. Đó không phải là tụng ca mà là tình cảm hai chiều của lãnh tụ với dân, cũng như của dân với lãnh tụ.
Tác phẩm này đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen giải C cuộc thi “Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào tháng 9 năm 2023.
Về tác giả Trần Đình Việt:
- Quê quán: xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
- Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1967 – 1971)
- Đã qua các công việc: Giáo viên, Biên tập viên, Phóng viên, Chuyên viên cao cấp;
- Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Người đô thị;
- Nguyên Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.